Hiến kế làm giàu cho người trồng lúa ĐBSCL

19/11/2022 07:09 GMT+7

Là cường quốc lúa gạo nhưng người nông dân trồng lúa chưa giàu; Chuyển đổi thế nào để phát huy lợi thế của cây lúa; Làm sao để thu hút vốn đầu tư vào vùng đồng bằng trù phú bậc nhất thế giới của VN?...

Tất cả những vấn đề nóng bỏng nhất về phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL đã được các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu phân tích, hiến kế, đề xuất tại Hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa” do Báo Thanh Niên phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức sáng qua (18.11).

Đại diện ban ngành, doanh nghiệp và những chuyên gia hàng đầu tham dự hội thảo

Người nông dân muốn bỏ cây lúa vì nghèo?

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quốc Phong, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đánh giá chưa bao giờ ĐBSCL nhận được sự quan tâm nhiều như hiện nay. Với vị thế của một vùng đất nông nghiệp, vựa lúa lớn nhất nước, ĐBSCL đang kỳ vọng chờ đón nhiều chính sách, giải pháp để bứt phá, phát triển. Dẫn Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL, ông Lê Quốc Phong thông tin điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong 2020 - 2021 là nông nghiệp. Năm 2021, khu vực nông nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh 3,4%, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Diện tích gieo trồng lúa của vùng luôn đứng đầu cả nước, trung bình chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa của cả nước. ĐBSCL phát huy là vựa lúa lớn nhất của VN khi đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo trong nhóm dẫn đầu thế giới. Đối với Đồng Tháp, cùng với xoài, cá tra, sen hay hoa kiểng, lúa gạo là một trong 5 ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Phong, vẫn còn đó những khó khăn khi thu nhập của nông dân trồng lúa chưa ổn định và vẫn còn thấp so với các loại nông sản khác. Những bất ổn liên quan nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng, thị trường không ổn định, giá bán thấp tiếp tục đe dọa thu nhập của nông dân trồng lúa khiến cuộc sống người dân thiếu bền vững.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta tư duy lại ngành hàng lúa gạo cả nước nói chung và ngành hàng lúa gạo của ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ NNPT-NT Lê Minh Hoan

Dù không thể trực tiếp tham dự nhưng Bộ trưởng Bộ NNPT-NT Lê Minh Hoan cũng đã gửi gắm nhiều trăn trở trong video gửi đến hội thảo. Cùng đau đáu vấn đề mà Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp vừa nêu, ông Lê Minh Hoan cho biết thậm chí đang có nhiều ý kiến cho rằng ĐBSCL không nên trồng lúa nữa vì ngành hàng lúa gạo mang lại giá trị thấp, người nông dân trồng lúa là người ở tầng thấp trong mức độ thu nhập. Đeo đẳng câu chuyện đó, thành ra mỗi năm, hàng triệu người ĐBSCL phải đi Đồng Nai, Bình Dương làm công nhân. Người đứng đầu ngành nông nghiệp VN nhận định nhiều năm nay, ngành lúa gạo chạy theo tư duy sản xuất “lấy sản lượng làm mục tiêu” và làm mọi giải pháp để tăng sản lượng. Song, điều này không đồng nghĩa giúp người dân tăng thu nhập, thậm chí là đi ngược lại thu nhập. Chọn một bức hình chụp tại hội chợ Thai Festival ở Thái Lan, với dòng chữ: “Think rice - Think Thailand”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Người Thái đã tiếp cận một tư duy khác đối với ngành hàng lúa gạo trong khi chúng ta đang tiếp cận ở tư duy sản lượng, tư duy thương mại. Tôi rất ấn tượng chữ “Think” là chữ “Tư duy”, có lẽ đã đến lúc chúng ta tư duy lại ngành hàng lúa gạo cả nước nói chung và ngành hàng lúa gạo của ĐBSCL”.

Nếu có thể sửa đổi thể chế, đặc biệt là luật Đất đai về tỷ lệ chuyển đổi đất nông nghiệp thì sẽ có hàng triệu hộ dân có thêm tiền, thêm vốn để đầu tư.

Ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ

Khẳng định bất kể một giải pháp nào liên quan đến phát triển kinh tế vùng ĐBSCL cũng phải bắt đầu từ cây lúa, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên dẫn chứng trong giai đoạn vừa qua, khi hạn hán, đại dịch Covid-19 cùng chiến sự Nga - Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa an ninh lương thực - thực phẩm ở nhiều quốc gia, VN không những đảm bảo đời sống cho hàng trăm triệu người dân trong nước mà còn thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới thông qua việc đẩy mạnh cung ứng lúa gạo ra toàn cầu. ĐBSCL đóng vai trò lớn nhất, quan trọng nhất trong thành tựu đó. Điều đó cho thấy vai trò của hạt gạo là vô cùng quan trọng ở bất kỳ thời điểm nào, bất cứ quốc gia nào. Mặc dù vậy, thị trường lương thực - thực phẩm thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi. Nhu cầu về tinh bột giảm, yêu cầu về chất lượng tăng. Trong nước, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và nghiêm trọng đã tác động sâu sắc đến cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các tỉnh miền Tây, đến sinh kế của người dân. Bối cảnh đó đòi hỏi nông nghiệp ĐBSCL phải có sự chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong và nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên tại hội thảo

Độc Lập

Kiếm tiền tỉ từ cây lúa

Nhưng cũng có một thực tế, cây lúa đã biến hàng trăm nông dân thành tỉ phú. Đó là câu chuyện được ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chia sẻ: “Chúng ta thường nói người trồng lúa nghèo nhưng tại tỉnh An Giang hiện có khoảng 100 hộ trồng lúa có thu nhập 3 - 5 tỉ mỗi năm, đi xe Lexus đàng hoàng”. Theo tính toán của ông, thu nhập bình quân trên 1 ha lúa là 30 triệu đồng. Nếu người nông dân có 100 ha đất trồng lúa thì thu nhập lên tới 3 tỉ đồng một năm. Vấn đề là người nông dân tại An Giang chỉ sở hữu đất canh tác từ 3.800 m2, mà theo GS Võ Tòng Xuân phát biểu, mỗi hộ dân trồng lúa dưới 5.000 m2 là lỗ, diện tích canh tác thấp, chi phí tăng, nên lỗ, nên nghèo. Từ đó, lãnh đạo tỉnh An Giang đề xuất một chương trình ly nông nhưng không ly hương. Đó là có người tiên phong đi thuê lại đất của những người có sở hữu đất lúa nhỏ, số còn lại có thể chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp khác. Cùng với đó, trong ngành nông nghiệp, An Giang đang chuyển đất lúa sang cây trồng không phải là lúa. Muốn vậy, hạ tầng, giao thông thủy lợi, logistics… phải đi kèm. “Cần có cơ chế chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích khác, sang công nghiệp, để thu hút lao động. Vừa qua, làm việc với Bộ TN-MT, tỉnh cũng đặt vấn đề giữ diện tích đất trồng lúa ở mức nào đó thôi, còn lại để quyền tự chủ cho địa phương, sẽ linh hoạt hơn, nhanh hơn”, ông Trần Anh Thư đề xuất.

Hội thảo “Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa” do Báo Thanh Niên phối hợp với tỉnh Đồng Tháp tổ chức đã mang lại nhiều ý tưởng đột phá nhằm giúp tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa

CÔNG HÂN

Đồng quan điểm, ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ, khẳng định không thể trông chờ tăng giá lúa bởi VN là quốc gia xuất khẩu gạo, không thể tùy tiện nâng giá bán vì sẽ ảnh hưởng khả năng cạnh tranh. Ngược lại, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, người nông dân buộc phải hạ giá bán nên đời sống ngày càng khó khăn, không thể khá lên được. Vì thế, chỉ có thể cải thiện bằng nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là giúp nông dân được định giá tài sản cao hơn. Bài học từ những địa phương có kinh tế phát triển nhất trong vùng cho thấy: Một khi có thể thu hút đầu tư, chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và kết hợp chuỗi ngành lớn thì tài sản của người dân có thể tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay, các luật, quy định về đất đai đối với vùng ĐBSCL còn khắt khe trong vấn đề chuyển đổi từ đất nông nghiệp, đất trồng lúa sang mục đích khác. Tỷ lệ đất phi nông nghiệp quá thấp khiến đất làm khu công nghiệp rất đắt, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cao, cản trở thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài. Trong khi đó, giá trị đất nông nghiệp của người nông dân thì thấp, họ không có tài sản để thế chấp ngân hàng, không có cơ hội để đẩy mạnh đầu tư nên mãi nghèo tương đối. “Bốn triệu hộ khu vực nông dân trong vùng hiện không có nguồn lực, qua mỗi chu kỳ, giá trị đất nông nghiệp của họ lại hao mòn dần thì tài sản tiếp tục xuống thấp hơn. Nếu có thể sửa đổi thể chế, đặc biệt là luật Đất đai về tỷ lệ chuyển đổi đất nông nghiệp thì sẽ có hàng triệu hộ dân có thêm tiền, thêm vốn để đầu tư. Giá đất nông nghiệp tăng là cơ hội tăng giá trị tài sản, tăng thu nhập cho người nông dân, cũng là cơ hội tái cấu trúc ngành kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL, ông Dũng nhấn mạnh.

Cây lúa không thể “đi” một mình

Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Trần Thị Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thông tin theo Nghị quyết số 78 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Trồng trọt xây dựng “Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL” nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu. Đề án đặt mục tiêu xây dựng vùng chuyên canh sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL; đánh giá tiềm năng, lợi thế và xác định địa bàn bố trí vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, từ đó xây dựng phương án sản xuất, chế biến, tiêu thụ và giải pháp phát triển bền vững vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao. “Đề án đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh lúa gạo, đảm bảo lợi ích bình đẳng và tương xứng cho các tác nhân tham gia ngành lúa gạo. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng lúa gạo không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế xã hội đưa lúa gạo trở thành một nông sản xuất khẩu chủ lực của VN mà còn góp phần phát triển hợp tác quốc tế, khẳng định vị thế chính trị của VN trên thế giới”, bà Hòa nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã dịch chuyển cơ cấu giống lúa dần từ nhóm chất lượng thấp sang các giống lúa chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 10.450 ha, trong đó, 649,2 ha chuyển sang cây hằng năm, 1.572,7 ha chuyển sang trồng cây lâu năm, 8.233,3 ha trồng lúa kết hợp thủy sản. Bà Nguyễn Thị Giang nhấn mạnh: “Các diện tích chuyển đổi cây ngắn ngày trên nền đất lúa kém hiệu quả đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa từ 1,5 - 3 lần. Ngoài ra việc chuyển đổi còn giúp ngăn ngừa sự lây lan, lưu tồn của sinh vật gây hại trong đất đồng thời thay đổi phương thức làm đất và sử dụng phân bón giúp cải tạo đất hiệu quả hơn”.

Cùng quan điểm, TS Trần Hữu Hiệp (Đại học FPT Cần Thơ) cho rằng việc lựa chọn cây lúa cho sự phát triển ĐBSCL chính là cách tiếp cận đúng đắn. Dù thói quen tiêu dùng, sinh hoạt thay đổi nhưng ai cũng ăn cơm vì đó là tri thức, văn hóa, thói quen. Tuy nhiên, việc phát triển cây lúa đang đứng trước nhiều thách thức mang tính toàn cầu và khu vực khi mà tài nguyên nước hiện nay đã khác trước. Biến đổi khí hậu khiến ĐBSCL bị tác động nặng nề. Trong khi “gu” tiêu dùng khác và xuất khẩu ở các nước cũng đã khác. Nếu trước chỉ là xuất khẩu thô thì nay các nơi nhập khẩu bắt truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi chất lượng gạo cao hơn. Điều này một mình người nông dân không thể tự làm. Ngoài ra, cây lúa không thể “đi” một mình mà cần kết hợp với các cây, con khác. Chẳng hạn, mô hình lúa - cá, lúa - tôm. Hiện nay không có mô hình nào áp dụng được cho cả vùng mà cần áp dụng cho phù hợp ở từng khu vực, làm sao để tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là người trồng lúa. Vì vậy cần có sự tương tác giữa người nông dân với DN, thậm chí với cả thương lái.

Đồng tình, theo GS Võ Tòng Xuân, một số ít nông dân đã làm giàu nhờ chuyển sang sản xuất những loại cây con khác không phải cây lúa. Cần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch lại vùng sản xuất lúa theo hướng phù hợp và bền vững. “Vùng đất phù sa cổ xen lẫn đất phèn sâu, quanh năm có nước ngọt, không nước mặn xâm nhập, hệ thống thủy lợi đã được nhà nước trang bị đầy đủ có thể áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn thực phẩm chất lượng cao, chủ yếu sử dụng giống lúa ngắn ngày năng suất cao; hạt dài, trung bình, hoặc tròn tùy theo khách hàng đầu ra. Vùng trũng, phù sa có phèn, hằng năm bị ngập lũ trong mùa mưa và thủy triều; khô hạn trong mùa nắng hiện tại đang sản xuất lúa 3 vụ/năm trong các vùng đê bao ngăn lũ có đầy đủ hệ thống thủy lợi hướng tới sẽ giảm diện tích lúa. Vùng ven biển là vùng sản xuất bền vững nhất: Lúa chất lượng cao xen nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và nuôi thủy sản nước lợ/mặn trong mùa nắng”, GS Võ Tòng Xuân gợi ý.

Ý KIẾN

Ảnh

Để thu nhập người nông dân tăng lên, cần tăng mô hình xen canh, thâm canh. Nhưng đây chỉ là mô hình, không thể thay thế trồng lúa. Nguyên liệu đầu vào tăng do biến đổi trên thị trường quốc tế. Do vậy, người nông dân bán lúa giá cao không có nghĩa lợi nhuận cao. Để giảm chi phí phải giảm phân, giảm thuốc. Phải ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu hoặc buôn bán trong nội địa. Làm như vậy có thể tăng áp lực người dân nhưng sẽ làm tăng chất lượng, giảm giá thành và có lợi lâu dài. Song song đó, cần phải cơ giới hóa toàn diện và Bộ NN-PTNT cần lập trung tâm cơ khí hoặc mô hình kỹ thuật như ở Hàn Quốc với đầy đủ máy móc công cụ phục vụ nông nghiệp, người dân thuê phương tiện để làm thay vì mua riêng lẻ...

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp

Ảnh

Đầu tiên, nhà nước cần hoàn chỉnh các hệ thống pháp luật. Cụ thể là chính sách về doanh nghiệp, thu hút đầu tư, cơ chế hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu nhằm giúp tạo ra sản lượng hàng hóa lớn để việc tiêu thụ được dễ dàng hơn. Trong đó, đặc biệt là chính sách về thu hút đầu tư nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang lĩnh vực phi nông nghiệp như dịch vụ và sản xuất. Việc chuyển đổi này sẽ hỗ trợ chuyển dịch lực lượng lao động trong nông nghiệp sang các khu vực kinh tế khác. Chỉ khi chuyển dịch được lực lượng lao động sẽ giúp nâng cao thu nhập và phát triển đời sống người dân. Việc giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp sẽ hỗ trợ cho cơ chế tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn và phát triển các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông Kiên Giang

Ảnh

Thời gian qua, với hệ sinh thái đa dạng, Grab đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Cụ thể như thông qua các nhà hàng, GrabMart, giới thiệu các loại đặc sản vùng miền để người tiêu dùng nhận biết nhiều hơn. Song song đó, công ty đã góp phần hỗ trợ thúc đẩy nông dân chuyển đổi số, nâng cao năng lực công nghệ để người nông dân bán hàng tốt hơn trên nền tảng thương mại điện tử. Đáng chú ý, với lợi thế là kênh phân phối giao hàng trong vòng 1 giờ, Grab đảm bảo giao đến tay người dùng các sản phẩm luôn tươi ngon. Điều này khiến hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản ngày càng gia tăng. Ví dụ, năm 2021 trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, Grab đã thực hiện chiến dịch quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang. Năm 2022, công ty đã phát triển chương trình rộng khắp hơn với nhiều sản phẩm đa dạng như lễ hội trái cây mùa hè với vải thiều, sầu riêng Ri6, măng cụt, bơ... Kết quả đã hỗ trợ được hơn 100 tấn trái cây đặc sản và ứng dụng chuyển đổi số cho hơn 800 hợp tác xã. Trong thời gian tới, công ty đặt mục tiêu sẽ phối hợp với nhiều hợp tác xã để phát triển nhiều dự án tương tự như thế.

Lê Thị Thanh Hồng, Giám đốc phát triển và chiến lược GrabMart

Ảnh

Agribank luôn dành trên 60% tổng dư nợ nền kinh tế đầu tư phát triển “Tam nông”. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước. Đối với tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã triển khai một số chương trình như cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015 đạt 908.000 tỉ đồng, trong đó khu vực ĐBSCL là 152 tỉ đồng; cho vay theo các quyết định của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 607 tỉ đồng, trong đó khu vực ĐBSCL là 300 tỉ đồng… Agribank sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển khách hàng, ban hành các cơ chế, chính sách cho vay theo từng sản phẩm riêng biệt, theo từng lĩnh vực, ngành hàng phù hợp với quá trình sản xuất, chế biến, từng loại cây trồng, vật nuôi; từng bước chuyển dần sang đầu tư theo mô hình khép kín, trọn gói từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến khâu thu mua, chế biến, xuất khẩu…

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng văn phòng đại diện Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) Tây Nam bộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.