'Hiến kế" đủ điện cho tăng trưởng kinh tế

Chí Nhân
Chí Nhân
31/12/2018 19:07 GMT+7

Để tăng trưởng kinh tế năm 2019 bằng hoặc cao hơn 2018 thì điều kiện cần là phải có đủ điện . Bài toán này sẽ được giải quyết nếu giải quyết được các nút thắt chính sách để xã hội hóa ngành này.

Nhu cầu điện tăng khoảng 15%

Năm 2018, kinh tế tăng trưởng kỷ lục 7,08%. Trong khi các nước, nhu cầu về điện tăng tương ứng với mức tăng của nền kinh tế thì tại Việt Nam để kinh tế tăng 1% nguồn cung điện phải tăng ít nhất 1,5%- 2%. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 bằng hoặc cao hơn năm 2018 thì ít nhất nguồn cung điện tăng khoảng 15%. Đây rõ ràng là áp lực rất lớn lên ngành điện.
Cuối năm 2018, ngành điện đã phong phanh về chuyện thiếu điện, tăng giá. Người đứng đầu Chính phủ đã “lệnh” không được thiếu điện, cắt điện trong năm 2019. Sẽ cương quyết xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ liên quan nếu để xảy ra tình trạng mất điện, thiếu điện. Tuy nhiên, tuyên bố này chỉ “trấn an” người dân và các doanh nghiệp được phần nào vì nhu cầu tiêu thụ điện trong năm tới là rất lớn nên nỗi lo vẫn còn đó.
Để giải quyết nỗi lo thiếu điện, một trong những giải pháp được ngành điện đề cập nhiều nhất là xúc tiến đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong những tháng cuối năm 2018 cũng đã ráo riết tổ chức các hội thảo, hội nghị “giải oan” cho ngành này trước những thông tin, chứng cứ rõ ràng về tác động tiêu cực của nó đến môi trường và sức khỏe người dân cũng như tính bất ổn lâu dài về vấn đề an ninh năng lượng. Nhưng thực tế, còn nhiều giải pháp để tăng nguồn cung điện cho năm 2019 cũng như về lâu dài
 

Gỡ điểm “nghẽn” để xã hội hóa

Năm 2018, ngoài tăng trưởng kinh tế kỷ lục cũng là thời điểm “bùng nổ” năng lượng tái tạo, nhờ các chính sách giá điện gió và điện mặt trời hợp lý. Các chuyên gia và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này tin rằng điện gió và mặt trời có thể còn phát triển mạnh hơn nữa nếu Chính phủ tiếp tục sửa những điểm “nghẽn” cho năng lượng tái tạo.
Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho ngành điện Đào Ngọc Thạch
Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) do Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì và đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới (WB) là đồng chủ trì đã chỉ ra 6 rủi ro mà nhà đầu tư (các dự án nói chung, không riêng điện mặt trời trên mái nhà) năng lượng tái tạo có thể gặp và cần khắc phục.
Thứ nhất, rủi ro về truyền tải và phân phối. Theo, Hợp đồng mua bán điện mẫu (PPA) thì EVN được loại trừ các nghĩa vụ thanh toán ngay cả khi không thể hấp thụ điện lên lưới do sự cố về lưới truyền tải hoặc lưới phân phối. Nói chung, rủi ro truyền tải và phân phối đều sẽ do người mua phải chịu.
Thứ hai, trách nhiệm của bên bao tiêu điện còn hạn chế. Không có chính sách phạt nếu EVN không thể lấy điện, dù do EVN không chịu hợp tác thực hiện hay vì lý do gì khác.
Thứ ba, điều khoản chấm dứt. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng từ phía EVN, số tiền thanh toán chấm dứt hợp đồng chỉ được giới hạn ở mức giá trị sản lượng điện thực tế của người bán kể từ khi vận hành thương mại cho đến khi ngừng hoạt động. Đây là một số tiền thấp, không hợp lý.
Thứ tư, giải quyết tranh chấp, luật áp dụng là luật Việt Nam. Trong trường hợp không thể thương lượng hoặc dàn xếp, tranh chấp chỉ có thể được khởi tố tại tòa án Việt Nam. Không có quy định cho trọng tài quốc tế tại một địa điểm trung lập mặc dù điều này khá phổ biến đối với các dự án cơ sở hạ tầng.
Thứ năm, rủi ro thanh toán của bên bao tiêu. Mặc dù không liên quan trực tiếp tới mẫu hợp đồng, nhưng cần lưu ý rằng rủi ro tài chính của bên bao tiêu là rất quan trọng. Khi chuyển sang thị trường bán buôn cạnh tranh, cần đảm bảo rằng đối tác có hồ sơ rủi ro đầy đủ.
Thứ sáu, tính phù hợp trong tương lai với thị trường bán buôn điện Việt Nam: Nên xem xét các lựa chọn để có thể tích hợp năng lượng gió và năng lượng mặt trời vào thị trường điện theo hình thức hợp đồng trong trung hạn.
Nếu Chính phủ nhanh chóng xem xét giải quyết những tồn tại này, tin rằng các dự án năng lượng tái tạo sẽ nhanh chóng được triển khai đề đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và giảm áp lực cho ngành điện.
Ước tính trong năm 2018, Bộ Công thương đã cấp phép cho 122 dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 8.000 MW. Bên cạnh đó còn có hơn 200 dự án đang được đề xuất phát triển với tổng công suất khoảng gần 17.000 MW. Tổng cộng có trên 322 dự án điện mặt trời với tổng công suất dự kiến lên tới trên 26.000 MW, gấp 9 lần so với thời điểm quy hoạch điện mặt trời năm 2018.
Trong khi một số địa phương đang thu hút đầu tư năng lượng tái tạo rất tốt như Bình Thuận có tổng công suất lên tới 750 MW và Ninh Thuận trên 1.000 MW thì một số người lại lo ngại đường truyền sẽ quá tải, lưới điện quốc gia sẽ không đủ khả năng tiếp nhận…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.