Hiến kế để CSGT không phải tranh luận với người vi phạm trên đường

14/03/2022 07:07 GMT+7

Thông tin CSGT TP.HCM được yêu cầu tập trung xử lý các hành vi vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đồng thời hạn chế tối đa việc tranh luận với người vi phạm trên đường phố, được nhiều bạn đọc quan tâm.

Bên cạnh bày tỏ sự ủng hộ, nhiều bạn đọc còn hiến kế nhằm đảm bảo an toàn cho cả CSGT lẫn người điều khiển phương tiện.

Như Thanh Niên đã thông tin, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM vừa triển khai kế hoạch tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã được trang bị cho lực lượng CSGT trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Theo đó, CSGT TP.HCM tập trung xử lý các hành vi vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đồng thời hạn chế tối đa việc tranh luận giữa CSGT và người vi phạm trên đường phố...

Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng chỉ đạo này là cần thiết, phù hợp với thực trạng giao thông và sự phát triển về công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, muốn thực hiện hiệu quả, cần thêm nhiều giải pháp từ thực tiễn.

Một nữ CSGT TP.HCM thực hiện nhiệm vụ

ĐỘC LẬP

Rõ ràng về trách nhiệm

Một giải pháp mà BĐ Thanh Trương đưa ra được nhiều BĐ khác đồng tình ủng hộ, đó là: “Muốn người dân tuân phục pháp luật, người đại diện pháp luật thi hành nhiệm vụ trước tiên phải là một nhân viên mẫn cán, có tinh thần phục vụ nhân dân vì mục đích bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân”. “Phải làm tròn trách nhiệm được nhà nước giao phó. Phải làm việc với tinh thần vì nhân dân phục vụ, phải nhiệt tình trong công tác, phải thấy trước nguy cơ có thể xảy ra việc mất ATGT để chấn chỉnh, ngăn ngừa. CSGT không được lợi dụng quyền hạn, chỉ biết chăm chăm tìm sai phạm của người dân để phạt. Có như thế người dân mới tin yêu và tôn trọng”. Trong khi đó, BĐ Trường Thanh Danh nêu ý kiến: “Phải thông tin rộng rãi, rõ ràng về trách nhiệm của cảnh sát áo xanh, áo vàng, cơ động có nhiệm vụ gì, ai có quyền bắt xe vi phạm… Có nhiều người dân không hiểu rồi tranh luận như đúng rồi với cảnh sát… Đó là những trường hợp thường gặp trên đường…”.

“Ở Mỹ, cảnh sát ghi giấy phạt đưa cho tài xế, bên dưới giấy phạt có 2 ô: “Plead guilty” (tạm dịch: nhận tội) và “Plead not guilty” (tạm dịch: không nhận tội). Nếu người bị phạt đồng ý với việc bị phạt thì gạch ô “Plead guilty” và gửi ngân phiếu đóng phạt đến tòa (địa chỉ có ghi trong giấy phạt). Nếu không đồng ý, người bị phạt gạch vào ô “Plead not guilty” và gửi giấy phạt đến tòa. Tòa sẽ thông báo về phiên tòa để người bị phạt và cảnh sát ghi giấy phạt đến giải quyết. Muốn tranh cãi thì ra tòa, chứ không có chuyện tranh cãi ngoài đường”, BĐ Hoa Trinh đưa ra thông tin tham khảo và cho rằng: “Ở VN, có thể vì không có cách nào khác để giải quyết, nên nhiều người cứ phải tranh cãi với CSGT?”.

Cần cải tiến quy trình xử phạt

Về chủ trương “hạn chế tối đa việc tranh luận giữa CSGT và người vi phạm trên đường phố”, theo BĐ Phong Tran: “Phải làm vậy mới được, hơi sức đâu mà đi tranh luận với những người say, thể hiện ta đây hiểu luật, đòi kiểm tra chuyên đề, giám sát... Cảnh sát phải cương quyết, cứng rắn…”. Trong khi đó, BĐ Quoc Nong bày tỏ: “Khi người vi phạm thắc mắc, CSGT phải nắm vững quy định xử phạt rồi giải thích cho họ biết (thậm chí mở văn bản các quy định cho họ biết, nếu họ thuộc tuýp người “cù nhầy”) là hết cự cãi; những trường hợp cự cãi quá mức có thể coi là chống người thi hành công vụ”.

* CSGT lúc này bắt phạt nồng độ cồn nhưng lại bỏ sót mấy cái xe độ pô, tạo ra tiếng kêu nghe rất chói tai. Hiện nay rất nhiều xe mô tô như thế nhưng ít thấy bị phạt. Đó là ô nhiễm tiếng ồn đấy. Chưa kể mấy xe buýt và xe chở rác chạy lấn làn gây nguy nguy hiểm nhưng cũng rất ít thấy CSGT phạt mấy loại xe này...

Phi Long Ka

* Sao không làm một trang web về ATGT, nơi để người dân cung cấp thông tin về những người cố tình vi phạm giao thông?

Nguyen Nhan

* Công khai minh bạch, chứng cứ rõ ràng, trích dẫn đúng luật. Cải thiện hình ảnh về CSGT: nghiêm minh, chính trực. Cải thiện nghiệp vụ CSGT: làm đúng quy trình rõ ràng. Lúc đó ai cự cãi mời ra tòa xử lý.

Le Thanh Phat

BĐ Duc Doan thì cho rằng, quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông còn nhiều thứ có thể cải tiến được. “Như nếu bị phạt thì nên cho dân đóng tiền online vì nhiều người đi xa. Trường hợp mà giữ bằng lái, nên thay bằng cách bấm lỗ, vì thực sự lái xe không có bằng lái bản thân cảm giác như thiếu gì đó. Và cũng như trên, bị phạt ở xa mà thu bằng lái, giờ đi lấy bằng lái cũng cả một quãng đường dài. Còn về tranh luận (giữa CSGT và người vi phạm - NV), nhiệm vụ của CSTT là bảo vệ người dân khỏi tai nạn giao thông, cho nên mới phạt. Nhưng ngoài phạt, còn phải tuyên truyền và hướng dẫn để người dân nâng cao ý thức. Nếu cảm thấy người dân không tiếp thu và cố tranh luận thoát tội thì hướng dẫn họ trong tờ phạt có mục ý kiến người bị phạt. Và cả 2 có thể ra tòa (bên thứ 3) để tòa phân định đúng sai”, BĐ này viết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.