Hiến kế cải thiện tình trạng "nhiều tủ rượu, hiếm tủ sách"

Đông Phong
Đông Phong
16/04/2022 07:51 GMT+7

Tối ngày 15.4, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến "Văn hoá đọc - Cơ hội, thách thức và những kiến nghị". Chuyên đề nêu bật vấn đề văn hóa đọc vẫn còn rất hạn chế của người Việt.

Buổi tọa đàm thu hút đông đảo thầy cô của trường Đại học Văn hóa TP. HCM, những người làm trong ngành xuất bản tham dự. Sự kiện nằm trong khuôn khổ tháng chào mừng ngày sách cũng như văn hóa đọc.

Buổi tọa đàm có nhiều phần, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam là người "lèo lái" khán, thính giả qua các phần trình bày thú vị như văn hóa đọc là gì, thực trạng việc đọc sách, tiêu thụ sách của người Việt trong vòng 6 năm qua (2014 - 2019; năm 2020 và 2021 không được liệt kê vì ảnh hưởng của dịch bệnh), chủ trương, chính sách của nhà nước trong việc khuyến khích văn hóa đọc và những kiến nghị để phát triển.

Là người có nhiều đóng góp cho ngành xuất bản cũng như có sự quan sát, đúc kết trong ngành suốt quá trình dài, ông Lê Hoàng nhận thấy có rất nhiều vấn đề của người đọc cũng như chính ngành xuất bản "nổi cộm" lên.

Việc đọc sách của người Việt có nhiều thay đổi trong 2 năm dịch

NGỌC DƯƠNG

Ông đưa ra bảng thống kê thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2019 với những con số "biết nói". Trong khoảng thời gian này, số tựa sách tăng 30%, số bản in tăng 19% (từ 378 triệu bản lên 440 triệu bản), tỉ lệ sách trên đầu người tăng 12% (từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người - kể cả sách giáo khoa), doanh thu xuất bản tăng 36%, số bản sách phát hành tăng 16%...

Mặc dù số bản in tăng nhưng số sách người Việt đọc đa phần là sách giáo khoa, ít sách văn học, chuyên ngành... Trong hàng trăm triệu bản sách được tiêu thụ, nếu trừ ra sách giáo khoa và chia lại cho tổng dân số Việt Nam, người Việt tiêu thụ khoảng 1,4 quyển sách/năm, một con số quá ít ỏi. Thậm chí có ý kiến đùa rằng, nếu 10 người Việt mà một người đọc 9 quyển thì những người còn lại có khi chẳng đọc quyển nào. Ông Lê Hoàng cũng như các diễn giả đều nhận thấy, văn hóa đọc sách của người Việt vẫn còn rất hạn chế, đồng thời đi đến kết luận rằng doanh thu ngành xuất bản và thị trường tiêu thụ sách quá nhỏ bé so với các thị trường hàng hóa khác trên cả nước.

Nhưng các số liệu trên không bi quan. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ cũng tham gia buổi tọa đàm cho biết, các số liệu từ năm 2014 đến năm 2019 tăng theo đúng xu hướng của ngành xuất bản. Theo ông, kết quả như vậy không đáng lo ngại lắm.

Yếu tố căn cơ để cải thiện

Độc giả mua sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP. HCM)

NGỌC DƯƠNG

Ông Lê Hoàng cho biết, nguyên nhân khiến tình hình đọc sách của người Việt không tiến triển đó là nhà trường thiếu các kế hoạch cụ thể để rèn thói quen đọc cho học sinh, cha mẹ thiếu sự quan tâm, đồng hành cùng con em trong việc đọc, ngành xuất bản thiếu sự quan tâm công tác thị trường. Ông ví von, đến nhiều nhà, quanh quẩn chỉ thấy tủ rượu nhưng hiếm thấy tủ sách.

Phần kiến nghị trong buổi tọa đàm được đầu tư nhiều, các diễn giả đưa ra rất nhiều giải pháp mang sách vào nhà trường, đưa sách ra cuộc sống... Song các diễn giả đều gặp gỡ nhau ở điểm đó là công nhận những yếu tố căn cơ để thúc đẩy văn hóa đọc là rèn thói quen đọc cho con em gia đình, nhà trường. Vì chuyên đề có nhiều phần cần bàn bạc nên được chia thành 2 buổi, buổi sau diễn ra vào ngày 22.4 sẽ tập trung vào những phản biện, đóng góp ý kiến của khách mời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.