Hiếm thấy những 'binh đoàn' còng đá tím hàng chục ngàn con di trú

18/11/2016 14:21 GMT+7

Những 'binh đoàn' còng đá (hay còn gọi là con Ô Tồ) xuất hiện một cách lạ thường tại vùng biển bị bồi lấp, thay đổi dòng chảy do xây dựng công trình vừa được PV Thanh Niên phát hiện, ghi lại

Ngay tại khu vực cửa biển Chu Mới và Lạch Giang (Thừa Thiên - Huế), những ngày này chúng tôi đã bắt gặp một hiện tượng thiên nhiên kì thú, lạ thường. Nơi đây xuất hiện một loài giáp xác tựa như loài còng biển (dã tràng) với số lượng cực lớn, ước đến hàng chục ngàn con.

VIDEO: Binh đoàn còng đá tím hiếm thấy với hàng chục ngàn con
Di trú có tổ chức như những “binh đoàn” hành quân - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Kiếm thức ăn dưới những vùng nước nông ở cửa biển Lạch Giang - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Chúng di chuyển thành từng đàn khi di trú và tổ chức kiếm ăn với mức độ dày đặc trông rất kì thú. Chúng kiếm ăn cả dưới nước ở những vùng nước lợ, mặn và cả trên cạn tại những vùng đá rêu ẩm ướt. Đáng chú ý, khi có “biến”, chúng nhanh chóng cảnh báo cho nhau và lẩn trốn xuống cát biển chỉ sau 1 - 2 giây.

Sau khi chúng ẩn náu, trên mặt bãi cát biển chỉ còn lô nhô sụn cát. Sau những con sóng biển vỗ nhẹ, những sụn cát biến mất trả lại mặt biển phẳng lì như chúng chưa từng tồn tại.

Và cả kiếm ăn trên những hốc đá rêu ẩm - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Theo ghi nhận, tuy cùng loài giáp xác nhưng chúng khác nhiều so với con còng “dã tràng xe cát” thường xuất hiện riêng lẻ, thưa thớt trên các bờ biển. Không chỉ thế, loài còng “dã tràng” mang thân màu trắng, “to xác” nhưng di chuyển rất nhanh, còn loài giáp xác này có thân hình màu tím nhạt, nhỏ hơn nhưng di chuyển chậm hơn.

Đặc biệt, khi di chuyển dưới ánh nắng chúng vẽ nên một tấm thảm di động lấp lánh, óng ánh sắc màu. Khi di chuyển chúng rất trật tự, có khoảng cách và có tổ chức, tựa những binh đoàn khi xuất trận.

Những “doanh trại” làm nơi trú ngụ của Ô Tồ trên bờ bãi - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Để tìm hiểu loài giáp xác nói trên, chúng tôi đã gửi hình ảnh đến nhờ một số cán bộ thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế minh định. Kết quả, qua hình ảnh trực quan, cán bộ chuyên ngành nơi đây nhận định loài giáp xác nói trên là loài còng đá sống ở vùng nước lợ mặn, thuộc bọn Decapoda (10 chân).

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục Phó chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay, từ hình ảnh trực quan do PV Thanh Niên cung cấp bước đầu có thể nhận định sự xuất hiện với mức độ dày đặc ở một vùng biển tại Thừa Thiên – Huế là điều xưa nay ít thấy.
Trong khi đó, qua hình ảnh PV cung cấp, một cán bộ thuộc khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học Huế cho hay, muốn biết chính xác thì phải có mẫu để phân tích, tuy nhiên qua hình ảnh nhận định loài vật này ít thấy. Còn một cán bộ khác hoạt động trong ngành sinh học ở Huế sau khi xem ảnh thì suýt tưởng loài vật này là ở nước ngoài.
Các “hùng binh” trên đường di trú. Bên trên là đường trục chính vào cảng Chân Mây – công trình đã lấp cửa biển Chu Mới làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của biển - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Trong khi đó một số người dân xã Lộc Vĩnh – nơi loài còng đá xuất hiện – cho hay loài sinh vật nói trên họ hay gọi là con “Ô Tộ”. Loài này thi thoảng mới gặp với mức độ nhỏ lẻ, chứ không như loài còng đào hang ngày nào cũng thấy. “Ô Tộ” xuất hiện mức độ dày đặc như thế là cực hiếm thấy. 

Thân con “Ô Tồ” có màu tím nhạt trông rất lạ mắt - Ảnh: ĐÌNH TOÀN
Khác với loài còng “dã tràng” to càng, khỏe mạnh, thân trắng đục di chuyển nhanh thường thấy trên các bãi biển - Ảnh: ĐÌNH TOÀN

“Có lẽ do biến đổi khí hậu, kèm theo dòng chảy ở khu vực cửa biển Chu Mới thay đổi nên loài sinh vật này mới xuất hiện nhiều như thế” – anh Minh Vũ, một thanh niên am tường về các loài sinh vật biển ở vùng biển Chân Mây nhận định.

Còng đá còn là một cái tên khá lạ trên công cụ tìm kiếm của Google. Loài còng nói chung thuộc vài nhóm cua biển nhỏ trong bộ giáp xác 10 chân với tập tính vê cát thành từng viên nhỏ để tìm kiếm thức ăn khi thủy triều xuống. Đối với loài giáp xác nói chung, theo từ điển mở Wikipedia thì giáp xác là các động vật chân khớp nguyên thủy thuộc phân ngành giáp xác (crustacea). Hầu hết trong số 44.000 loài giáp xác là sống ở biển, bên cạnh đó cũng có nhiều loài sống ở nước ngọt. Một vài nhóm giáp xác sống ở trên cạn không phải là những bọn thực sự thành công về mặt tiến hóa vì hầu hết chúng vẫn đòi hỏi một môi trường ẩm ướt để tồn tại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.