Hiếm sách thiếu nhi của tác giả trong nước

Ngọc An
Ngọc An
31/07/2020 06:15 GMT+7

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ở Việt Nam nhu cầu sách thiếu nhi hiện rất lớn, nhưng tác phẩm của tác giả trong nước viết cho đối tượng độc giả này lại ít ỏi đến mức cần cảnh báo.

“Thực đơn” cho độc giả nhí

Mùa hè này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều ra mắt cuốn sách Chuyện của anh em nhà Mem và Kya, được ông viết dành tặng cho cháu nội và cháu ngoại của mình. Chuyện của Mem và Kya được “thư ký ông” ghi chép lại, tưởng như chỉ là những câu chuyện của 2 đứa trẻ trong một gia đình, nhưng rộng hơn, tác giả muốn mang đến những bài học nhỏ cho con trẻ về gia đình, về quan hệ xóm làng, về văn hóa dòng họ, cả về tình yêu thương, chăm chút cho hạnh phúc.

Lực lượng sáng tác cho thiếu nhi của VN đang giảm thiểu, teo tóp một cách đáng lo ngại

Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân

Một cây bút vốn là một cô giáo mầm non đam mê sáng tác đã có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi là Hồ Xuân Đà cũng vừa trình làng cuốn sách Bồ công anh nhỏ với những câu chuyện về cảm xúc của tuổi mới lớn. Câu chuyện của cô bé Bụi Phấn luôn nghĩ về những ước mơ của mình, muốn được thay đổi, thậm chí nổi loạn để đạt được ước mơ không chỉ dành cho độc giả là những cô bé, cậu bé, mà cả những ông bố, bà mẹ. Trước Bồ công anh nhỏ, nhà văn Hồ Xuân Đà đã viết những cuốn sách dành cho thiếu nhi như Món quà của yêu thương, Đôi bàn tay mẹ...
Đáng tiếc là trong dịp này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 7 cuốn sách viết cho thiếu nhi của nhà văn Võ Diệu Thanh chưa thể ra mắt độc giả. Cô giáo dạy mỹ thuật cũng là tác giả của nhiều cuốn sách thiếu nhi được yêu thích như Siêu nhân cua, Tiền của thần cây... chia sẻ, 7 cuốn sách này (trong đó có cuốn chị tự viết, tự vẽ) xoay quanh các chủ đề về kỹ năng sống, khám phá mỹ thuật, cuộc sống... được kể qua câu chuyện của những nhân vật là những đứa trẻ. Võ Diệu Thanh cũng quan tâm đến những trẻ em có hoàn cảnh tâm lý đặc biệt, những trẻ tự kỷ... trong tác phẩm của mình.
Không thể không nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn vẫn viết một cách đều đặn những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Trung thu năm ngoái, ông đã ra mắt cuốn truyện Làm bạn với bầu trời, xoay quanh Tèo - một cậu bé dù nằm liệt giường vì tai nạn chấn thương cột sống nhưng luôn hồn nhiên, yêu đời và đong đầy ước mơ, yêu thương.
Năm ngoái, một số đầu sách dành cho thiếu nhi được xuất bản khác có thể kể đến: Cua Kềnh vượt Vũ Môn (Phạm Thanh Quang), Cục dại và tia nắng (Dy Duyên), Anh em… hô biến (Trần Tùng Chinh), tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến (Lê Minh Quốc), Mũ Rơm ở đồng quê (Sao Bùi), Chiếc vòng cổ màu xanh (Đặng Chương Ngạn)...

Sự teo tóp đáng lo ngại

Mặc dù, những tác giả kể trên chưa phải là tất cả những cây bút viết cho thiếu nhi hiện nay, nhưng thực tế, số lượng những tác giả viết cho thiếu nhi so với nhu cầu vẫn là rất ít. “Lực lượng sáng tác cho thiếu nhi của Việt Nam đang giảm thiểu, teo tóp một cách đáng lo ngại”, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ.
Có thể thấy, trên thị trường xuất bản Việt Nam, sách cho thiếu nhi của tác giả trong nước đang có sự chênh lệch rất lớn về số lượng so với sách của tác giả nước ngoài.
“Sự khan hiếm của văn học thiếu nhi là một cảnh báo”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói. Ông cho rằng, hệ lụy của việc một nền xuất bản sách văn học cho thiếu nhi lại có quá nhiều sách dịch nước ngoài là sẽ khiến cho “vẻ đẹp tâm hồn của những đứa trẻ rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi chúng sinh ra và lớn lên”.
Một trong những nguyên nhân không có nhiều tác giả viết cho thiếu nhi được nhà văn Võ Diệu Thanh nhìn nhận: “Viết cho trẻ con rất khó. Đã có những nhà văn khát khao thử sức ở lĩnh vực này, nhưng nhiều người lại bị ảnh hưởng bởi tính giáo điều. Bởi vậy, họ viết sách nhưng cũng như muốn dạy dỗ những đứa trẻ phải thế nọ, thế kia, khiến cho trẻ con đọc thấy ngán. Ngôn ngữ của người viết bị già so với lứa tuổi nhỏ, hoặc cố tình viết theo ngôn ngữ trẻ con nhưng không thành trẻ con được”. Nữ nhà văn phân tích thêm: “Nhiều nhà văn Việt Nam hay nghĩ rằng trẻ con còn con nít, còn chưa biết gì, thành ra họ viết những câu chuyện quá đơn giản, không có tính hấp dẫn cao. Chúng ta không hiểu, với nhiều độc giả nhí, câu chuyện phải hơi phức tạp, triết lý mới thu hút chúng. Ngoài ra, nhiều người viết không dám thoát ra những nguyên lý cơ bản của sự vật, không dám tạo nên những trật tự mới mẻ, khám phá những cái mới mà chỉ luẩn quẩn với những điều cũ kỹ”.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng thừa nhận, viết cho thiếu nhi cũng như những đối tượng khác đều khó. Nhưng theo ông, điểm mấu chốt còn ở chỗ chưa có nhận thức đúng đắn về sự cần thiết của văn học thiếu nhi trong nền văn học nghệ thuật. Nguyễn Quang Thiều hiện là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông cho biết ở Hội Nhà văn Việt Nam lâu nay giải thưởng văn học thiếu nhi gần như không có. “Không phải là chúng tôi không quan tâm đến thiếu nhi, nhưng sách viết cho thiếu nhi mong manh và chất lượng không thực sự cao lắm”, ông cho hay.
Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho rằng, lực lượng sáng tác cho thiếu nhi ở Việt Nam không chỉ chênh lệch về số lượng mà cả tư duy với tác giả nước ngoài. Trong khi, tác giả nước ngoài đề cập đến những vấn đề rộng lớn về mặt nhân loại, còn tác giả trong nước lại cứ loay hoay với những giáo điều. “Những sáng tác viết cho thiếu nhi chỉ là minh họa, hay giảng dạy giáo điều bây giờ không ai đọc được nữa”, ông nói.
Nhà nghiên cứu này cũng nhìn nhận, vai trò của người sáng tạo cốt truyện văn học trong một nền nghệ thuật là rất quan trọng. “Ở những nền nghệ thuật phát triển, lực lượng sáng tạo cốt truyện văn học phải mạnh để cung cấp “nguyên liệu” cho những ngành nghệ thuật khác, chẳng hạn như điện ảnh, sân khấu… trong khi chúng ta đang vừa thiếu vừa yếu. Tôi cho rằng đó là một thiếu sót văn hóa”, ông Ân nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.