Hiểm nguy nghề lặn biển

18/01/2018 08:29 GMT+7

Đối mặt với nguy hiểm, thậm chí có thể mất mạng, nhưng vì mưu sinh nên nhiều ngư dân vẫn lặn xuống đáy biển để kiếm sống.

Đời “vạn lặn”
Một ngày đầu tháng 1.2018, chúng tôi lên chiếc tàu gỗ của anh Nguyễn Văn Tiến, một ngư dân ở H.Vân Đồn, Quảng Ninh từ cảng Cái Rồng, H.Vân Đồn để theo nhóm thợ lặn ra biển mò hải sản. Trên tàu có 7 thuyền viên, trong đó 4 thợ lặn, chúng tôi hướng ra vùng biển H.Cô Tô, cách đất liền khoảng 70 km.
Theo ông Ngô Văn Trung, một thợ lặn 50 tuổi, quê ở H.Hải Hậu, Nam Định, hiện thuê nhà ở tạm tại xã Hạ Long, H.Vân Đồn để hành nghề, thì nghề lặn ở các vùng biển Cô Tô, Vân Đồn, Móng Cái (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng)... đã có cách đây gần 30 năm. Nhiều người tìm đến nghề lặn bởi tuy nguy hiểm nhưng cho thu nhập cao, nên dù mùa hè hay mùa đông, các “vạn lặn” (thợ lặn) luôn sẵn sàng làm việc khi có yêu cầu. Với bộ đồ người nhái, chiếc kính lặn, bộ ống dẫn hơi để thở, dài khoảng 200 m, kèm theo khoảng chục ký chì, họ lặn xuống biển và dùng súng bắn cá, hay dùng tay để mò lấy sò, ốc biển...
Ông Trung cho biết những ai có sức khỏe mới có thể ở được dưới đáy biển khoảng 4 tiếng đồng hồ. Người nào mới vào nghề hoặc sức khỏe kém thì chỉ lặn được khoảng 2 tiếng. Trên tàu sẽ có người theo dõi thời gian và giật dây thông báo để đổi kíp lặn. Một chiếc tàu sẽ có khoảng 4 thợ lặn thay phiên nhau, được 3 - 4 người khác phụ giúp và một ngày cả kíp có thể vớt được từ 1 - 1,5 tấn hải sản ở nơi nuôi trồng và khoảng 50 - 100 kg hải sản tự nhiên như ốc biển, hải sâm, bào ngư. Mỗi ngày, thợ lặn được trả công 1 triệu đồng, người phục vụ được 500.000 đồng.
Ông Trung có 2 con là thợ lặn cùng chuyến đi này. Trong các thợ lặn trên tàu, con ông Trung là Ngô Văn Tính (19 tuổi) cũng là thợ trẻ nhất nhưng đã có gần 10 năm lặn biển cùng cha, anh. Nghề lặn của ngư dân trên vùng biển này chủ yếu là cha truyền con nối. “Ngày còn bé, tôi đi theo phụ cho bố và các anh, đến năm 12 tuổi, bố tôi cho xuống biển lặn chuyến đầu. Thời gian đầu, tôi chỉ lặn xuống sâu khoảng hơn 10 m, khi có thêm kinh nghiệm mới dám lặn sâu hơn”, Tính chia sẻ. Chàng trai này có anh ruột là Ngô Văn Hoàng (25 tuổi) cũng là thợ lặn trên tàu.
Thợ lặn chuẩn bị xuống biển mò hải sản
Sau gần 3 tiếng đồng hồ, con tàu chở chúng tôi tới một khu vực nuôi ngao tập trung. “Dưới đáy biển này, một năm trước người ta thả 10 tấn ngao, bây giờ nhiệm vụ của chúng tôi là lặn xuống độ sâu 20 m để xúc ngao lên tàu và đem về bờ”, ông Trung nói.
Hôm ấy, vịnh Bắc bộ đầy sương mù, trời lạnh căm căm, là thời tiết không thuận lợi để lặn nhưng hai anh em Tính - Hoàng vẫn mặc đồ giữ nhiệt, đội mũ và đeo găng tay, miệng ngậm ống thở rồi nhảy xuống biển. Trong nháy mắt, họ biến mất dưới làn nước, chỉ còn thấy sợi dây dù và chiếc ống thở nối với bình khí nén trên tàu...
Sinh nghề tử nghiệp
Mạng sống của thợ lặn phụ thuộc vào may rủi và những người trên tàu
Ông Ngô Văn Trung, một thợ lặn 50 tuổi
“Mạng sống của thợ lặn phụ thuộc vào may rủi và những người trên tàu. Cách đây khoảng một năm, khi cháu Tính đang lặn dưới độ sâu 20 m thì ống dẫn khí bị quấn vào một mảng lưới đánh cá và tắc. Rất may chúng tôi phát hiện và kéo Tính lên bằng dây an toàn, sau đó hô hấp nhân tạo. Sau lần ấy Tính bị viêm phổi, phải nghỉ đến giờ mới lặn tiếp”, ông Trung kể. “Mới đây nhất, khoảng 10 giờ ngày 18.11.2017, trong lúc 2 thợ lặn của chúng tôi đang lặn mò ngao khu vực bản Sen, H.Vân Đồn thì một chiếc xuồng câu đi đến. Nếu không kịp thời báo hiệu cho tàu rẽ sang hướng khác mà cắt vào đường dây dẫn ống thở thì tính mạng thợ lặn không biết thế nào”, ông Trung nói thêm.
Anh Tính cũng chia sẻ: “Một lần lặn ở vùng biển thuộc xã Thắng Lợi, H.Vân Đồn, ống thở của tôi vướng phải đá ngầm, may mà phát hiện sớm nên không bị đứt hay bị tuột, tôi phải bình tĩnh tháo dây khỏi dải đá và từ từ ngoi lên”. Ông Trung trải lòng: “Với trang thiết bị thô sơ như vậy, gặp rủi ro nặng thì bỏ mạng, nhẹ thì bị điếc tai, viêm mũi cũng là chuyện bình thường và mình phải chấp nhận”.
Theo Nguyễn Văn Toàn (22 tuổi, trú tại Hải Hậu, Nam Định), một trong 4 người của nhóm thợ lặn, chú ruột của anh cách đây 7 năm phải bỏ nghề vì trong một lần lặn khai thác bào ngư ở khu vực biển H.Cô Tô, ông thấy người tê tê, mất cảm giác, khi được kéo lên tàu thì bị liệt nửa người, điếc tai.
Câu chuyện của các thợ lặn làm tôi lại nhớ một lần công tác tại Cô Tô cách đây chưa lâu, chúng tôi gặp anh Lê Văn Lâm (33 tuổi ở khu 1, TT.Cô Tô). Vào một đêm trong tháng 8.2002, sau một lần lặn biển, ngoi lên bờ cả người anh Lâm bị tê dại và mất cảm giác. Khi các đồng nghiệp đưa anh đi cấp cứu tại bệnh viện thì thợ lặn này đã bị liệt nửa người. Gia đình Lâm phải chạy vạy khắp nơi mới được 30 triệu đồng chạy chữa, nhưng đến bây giờ cuộc sống của anh Lâm vẫn gặp vô vàn khó khăn vì sức khỏe không hồi phục.
Ba năm sau, người em trai của Lâm là Lê Văn Oanh lại bỏ mạng trong một buổi lặn. “Em tôi hôm đó lặn quá sâu, chắc phải chừng 40 m, khi thấy nó giật dây báo hiệu sự cố, mọi người kéo lên bờ thì toàn thân em ấy đã tê cứng; khi đưa vào đảo, đến bệnh viện thì tử vong”, anh Lâm nghẹn ngào kể.
Bị cấm vẫn làm
Thống kê chưa đầy đủ của UBND các huyện Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh) cho thấy trên vùng biển các khu vực này, có khoảng 50 phương tiện cùng 100 thợ lặn đang hoạt động. Nhiều thợ lặn dù biết trước hiểm nguy nhưng vì miếng cơm manh áo, đến nay họ vẫn duy trì như một cái nghiệp giữa lòng biển khơi. Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Văn Công, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, nghề lặn biển khai thác hải sản thuộc danh mục những nghề bị cấm tại Quảng Ninh. Việc lặn để thu hoạch hải sản nuôi trồng thì được phép, tuy hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Tô Văn Hải, Phó chủ tịch UBND H.Vân Đồn, cũng xác nhận nghề lặn biển đánh bắt hải sản tự nhiên đang bị cấm để đảm bảo môi trường sinh thái và an toàn cho chính những người làm nghề. Tuy nhiên, việc kiểm tra tàu thuyền lặn biển là khó khăn vì các vùng biển này quá rộng lớn nên trong năm 2017, cơ quan chức năng của H.Vân Đồn chỉ thu được 3 bộ đồ lặn. “Họ hầu hết là người nghèo, vì sinh nhai mà phải làm, vì vậy chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho bà con nhưng kết quả chắc cũng phải dần dần”, ông Châu Thành Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Vân Đồn, nói.
Theo trung tá Vũ Trọng Quỳnh, Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội biên phòng Quảng Ninh, chỉ từ tháng 9.2017 đến nay, đơn vị này đã thu giữ gần 1.000 m ống dẫn khí, hơn 20 bộ đồ lặn, xử phạt hành chính 150 triệu đồng đối với những người đánh bắt hải sản tự nhiên bằng phương pháp lặn biển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.