Hiểm họa tan rã ĐBSCL ngày càng gần

20/07/2016 06:16 GMT+7

Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) đưa ra nhận định: 'Hiểm họa đối với ĐBSCL ngày càng gần hơn và rõ hơn'

Ngày 19.7, Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) đưa ra nhận định: “Hiểm họa đối với ĐBSCL ngày càng gần hơn và rõ hơn” vì gần đây Thông tấn xã Lào phát đi thông tin cho biết, nước này chuẩn bị khởi công xây dựng đập thủy điện Pak Beng vào đầu năm 2017.
Đây là một trong chuỗi 11 dự án đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Đập
Pak Beng nằm trên sông Mê Kông thuộc huyện Pak Beng, tỉnh Oudomxay, phía bắc của Lào. Thông tấn xã Lào dẫn lời của quan chức nước này cho biết: Pak Beng là loại đập dâng, cách trung tâm huyện 14 km về phía thượng nguồn. Tổng công suất của đập là 912 MW, trung bình hằng năm sẽ tạo ra 4,775 GWh. Dự kiến đập sẽ hoàn thành vào năm 2023 và đi vào hoạt động thương mại đầu năm 2024.
Dự án này nằm trên dòng chính sông Mê Kông nên sẽ phải tuân thủ các quy định trong Hiệp định Mê Kông 1995, đặc biệt là quá trình tham vấn trước. Quá trình này sẽ mất ít nhất 6 tháng.
Hiện tại, Lào đang khẩn trương hoàn thành đập thủy điện Xayaburi và chuẩn bị khởi công dự án đập thủy điện Don Sahong. Các dự án này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà khoa học và người dân các nước trong khu vực hạ Mê Kông.
ĐBSCL ở cuối nguồn nên sẽ chịu tác động nặng nề nhất từ các đập thủy điện ở thượng nguồn, bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hiện nay các đập thủy điện ở Trung Quốc đã chặn bớt phần lớn lượng phù sa đổ về ĐBSCL. Lượng phù sa giảm sút gây mất cân bằng giữa phù sa và năng lượng biển làm sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở vùng ven biển. Nếu các đập thủy điện ở hạ nguồn (Lào và Campuchia) được xây dựng sẽ càng đẩy nhanh quá trình tan rã ĐBSCL.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.