Hi hữu ca bệnh tắc ruột do búi xương cá

04/06/2019 20:36 GMT+7

Bệnh nhân Triệu Tạ N., được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu trong tình trạng đau bụng, bụng chướng căng do bí đại tiện nhiều ngày.

Tại bệnh viện, qua kết quả thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ điều trị chẩn đoán bệnh nhân Triệu Tạ N. bị tắc ruột hoàn toàn, gây chướng bụng, có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Khi phẫu thuật kiểm tra, ruột non bệnh nhân đã bị dãn to, có khối bã thức ăn dài khoảng 15 cm. Đáng lưu ý, khối thức ăn này có nhiều xương cá nhỏ găm từ giữa ruột vào thành ruột, gây tắc hoàn toàn lòng ruột. Các phẫu thuật viên của Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, đã mổ mở thành ruột lấy hết bã thức ăn, sau đó khâu đóng thành ruột và ổ bụng.
Đến chiều nay, 4.6 sau mổ một ngày, bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục được điều trị, theo dõi hậu phẫu.
Bệnh nhân N. cho biết hàng ngày làm việc ở hồ cá, nên thường xuyên ăn cơm với các món ăn được chế biến từ cá (trong đó có gỏi cá sống ăn kèm với các loại lá chát), do chủ quan nên đã không nhai kỹ các xương nhỏ cá. Trước khi nhập viện khoảng một tuần, bệnh nhân thấy đau bụng âm ỉ, bí trung tiện và đại tiện, nên được gia đình đưa đến bệnh viện khám bệnh và điều trị.

Bã thức ăn có thể gây tắc ruột

Bã thức ăn gây tắc ruột là khối thức ăn không tiêu, có thể là bã thức ăn thực vật, khối bã thức ăn động vật, khối lông tóc hoặc khối hỗn hợp nhiều loại… Những người dễ bị tắc ruột do bã thức ăn là: người bị giảm sức nhai, người đã phẫu thuật cắt dạ dày hoặc mắc bệnh viêm tụy mạn (khả năng tiêu hóa thức ăn kém), người ăn hoa quả nhiều chất xơ (măng, sơ mít,) hoặc nhiều chất tanin (quả hồng, hồng xiêm), trẻ ăn quá nhiều hoa quả như sim, ổi… Những thức ăn này dính lại thành cục trong lòng ruột, không tiêu được, gây tắc ruột. Hầu hết các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn phải được phẫu thuật để lấy khối bã.
Tắc ruột do bã thức ăn rất khó chẩn đoán đúng nguyên nhân trước mổ, nếu chậm điều trị có thể gây nhiều biến chứng như mất nước và điện giải do nôn, hạ huyết áp, trụy mạch.
Các bác sĩ lưu ý, tắc ruột được phân làm hai loại: tắc hoàn toàn và tắc không hoàn toàn. Nếu bệnh nhân bị tắc ruột hoàn toàn thì bắt buộc phải phẫu thuật cấp cứu ngay để giải phóng nơi bị tắc càng sớm càng tốt. Nếu tắc không hoàn toàn, trong một số trường hợp, sự lưu thông trong ruột có thể tự thông thương lại được mà chưa cần phẫu thuật.
Như trường hợp bệnh nhân N. bị tắc ruột hoàn toàn, nếu không được phẫu thuật, điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân dẫn đến tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo, khi thấy các dấu hiệu như đau quặn bụng từng cơn, có khi đau liên tục kèm theo buồn nôn, nôn, bụng căng trướng và không trung tiện hay không đại tiện được,... người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và đưa ra các phương pháp điều trị đúng, tránh nguy hiểm cho sức khỏe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.