'Hét' karaoke: Vui ít thôi, coi chừng... 'đắp mộ'

30/04/2019 13:17 GMT+7

Người Việt mê ca hát, nhưng hát karaoke đến nỗi hàng xóm thấy phiền và không ít vụ giết người đoạt mạng thì có lẽ... cũng nên bỏ.

Với cái nóng thiêu đốt như những ngày qua, cái khổ của người ở nhà tránh nóng càng bi kịch gấp bội khi phải chịu thêm màn tra tấn của những hàng xóm “hét” karaoke (tôi dùng từ “hét” thay cho “hát” vì một số người không phải hát theo nhịp, theo điệu mà cố hét cho lớn, cho đã nhĩ).

Ám ảnh

Tôi không biết người Nhật (đất nước phát minh karaoke) có nghĩ đến một ngày nào đó, loại hình vốn dùng để giải trí này, lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, thậm chí trở thành nguyên nhân khiến nhiều người đánh nhau, giết nhau.
Dân nhậu có tí máu văn nghệ chắc ai cũng thuộc nằm lòng “bài ca quốc dân” (thực ra là bài ca dân nhậu “không có không được”) Đắp mộ cuộc tình. Và cũng không ít người “đắp mộ” thiệt.
Đó là câu chuyện xảy ra ở H.Đức Thọ (Hà Tĩnh) vào khoảng 11 giờ ngày 28.2.2018. Chuyện là trong lúc đang nằm nghỉ trưa tại nhà, một người đàn ông nghe tiếng hát karaoke rất lớn phát ra từ nhà hàng xóm. Bực mình vì giấc ngủ trưa bị phá bĩnh, người đàn ông này đã qua nhà hàng xóm phàn nàn. Chẳng ai chịu nghe ông, đặc biệt là trong bàn nhậu lại có thêm một số ông hàng xóm ưa tụ tập khác nên hai bên xảy ra cãi vã. Người đàn ông đã cắn một phát vào mặt ông hàng xóm nhậu ké... Tưởng câu chuyện đến đây là chấm dứt, nhưng về đến nhà, người đàn ông vẫn còn ấm ức nên cầm dao sang nhà hàng xóm tìm người đã bị mình cắn vào mặt trước đó và đâm chết... Tôi chưa tìm hiểu xem, sau vụ án mạng đó, bàn nhậu của xóm nọ có rã đám không? Từ chuyện hát hò mà dẫn đến án mạng âu cũng là bài học lớn cho mỗi người chứng kiến thảm kịch!
Loại hình karaoke phát triển lên một bước mới, khi loa di động (hay còn gọi là loa kẹo kéo vì thường được người bán kẹo kéo dạo, bán vé số dạo vừa kéo lê trên đường vừa hát thay cho lời rao, vốn chẳng còn giá trị “tiếp thị” nào trong thời đại công nghệ) đa phần xuất xứ từ Trung Quốc xuất hiện. Giá của loa kẹo kéo thì đủ loại; kể cả người lao động bình dân nhịn... “nhậu” dăm cuộc là có thể sắm nguyên bộ, từ loa đến micro. Và đây mới thực sự là “thảm kịch”. Với tính chất di động (như tên gọi), loại loa này có thể được kéo, vận chuyển dễ dàng và cũng rất dễ kết nối với thiết bị di động khác (điện thoại, máy tính bảng...) thông qua giao thức bluetooth. Thảm trạng “karaoke hóa” ở khắp các con hẻm, ngả đường như hiện nay, có một phần là của “tội đồ” loa kẹo kéo; không ít vụ án mạng, mất tình làng nghĩa xóm cũng do “tội đồ” này.

“Trấn áp” karaoke kẹo kéo

Tôi đã thử rà soát các quy định pháp luật liên quan đến việc hạn chế việc hát hò karaoke “vô độ” và chỉ mới thấy một tỉnh ở miền Trung là Thừa Thiên - Huế và miền Tây là Tiền Giang sâu sát với những phát sinh trong thực tiễn này.
Ở Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh này có ban hành chỉ thị (số 14/CT-UBND, ngày 30.7.2018) về việc tăng cường công tác quản lý loại hình kinh doanh karaoke di động. Trong lời mào đầu của chỉ thị này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng nêu rõ: Trong xu thế khoa học công nghệ ngày càng phát triển, những năm qua nhiều cơ sở kinh doanh karaoke đã cải tạo phòng ốc, nâng cấp trang bị trang thiết bị âm thanh ánh sáng, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số tổ chức, cá nhân kinh doanh loại hình karaoke di động, dưới hình thức cung cấp (cho thuê) loa, máy khuếch đại âm thanh, có kết nối với các thiết bị ngoại vi (di động, máy tính, USB..) để hát karaoke gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, khu dân cư, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc một số tổ chức, cá nhân cho thuê máy, loa, các thiết bị âm thanh... để phục vụ nhu cầu hát karaoke, về bản chất là hoạt động kinh doanh karaoke, biến tướng dưới hình thức khác...
Để thiết lập trật tự, kỷ cương, đảm bảo kinh doanh đúng pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh karaoke và các hình thức tương tự, giữ gìn môi trường văn hóa công cộng, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, Chủ UBND tỉnh này chỉ thị: Tăng cường công tác tuyên truyền đến từng tổ dân phố, cụm dân cư và người dân, khi tổ chức hát karaoke phải đảm bảo các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy chuẩn về độ ồn, tránh ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của những người xung quanh. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra về kinh doanh dịch vụ văn hóa, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự...; phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Người tổ chức, người sử dụng thiết bị để hát karaoke phải đảm bảo các quy chuẩn về độ ồn theo quy định; không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Còn ở Tiền Giang, ngay từ giữa năm 2016, Sở TN-MT Tiền Giang đã thuê một đơn vị chức năng tại TP.HCM tập huấn cho hơn 60 cán bộ của sở này và ngành văn hóa, thông tin của tỉnh, huyện, thị, thành để “trấn áp” tiếng ồn từ các dàn karaoke di động và sắm luôn 26 thiết bị đo tiếng ồn, tổng trị giá 1,2 tỉ đồng hẳn hòi. Có câu chuyện thực tế cười ra nước mắt là: Trưa 7.3.2018, nhận được phản ánh của người dân, tổ công tác liên ngành của UBND xã Bình Nhì (H.Gò Công Tây, Tiền Giang) đã tới nhà ông Huỳnh Văn Ca để đo tiếng ồn thì bị những người con của ông Ca bất ngờ dùng gạch tấn công, làm 3 cán bộ xã trọng thương...
Những vị cán bộ như ở xã Bình Nhì - phải nhìn nhận - là rất tận tâm với công việc. Nói đâu xa, ngay ở TP.HCM, tệ karaoke làm phiền người khác không phải không có; thậm chí nhan nhản khắp hang cùng, ngõ hẻm. Ngay ở trước khu phố có cái bảng to tướng “Khu phố văn hóa”, người ta bày bàn nhậu, chiếm cả lối đi và không quên đem dàn karaoke có loa khủng tra tấn người khác bằng thứ được gọi là “âm nhạc”. Cán bộ cơ sở (xã, phường) có thấy không? Có nghe không? Tôi chắc rằng họ nghe. Và nếu họ không nghe thì cũng có những người dân phàn nàn đến tai họ.
Vấn đề là, trong một số trường hợp, một đống cát nhỏ được đổ ngay trước cổng để chủ nhà chuẩn bị sửa sang nhà vệ sinh bị hư, trám lại khoảng sân bị tróc... đã thấy cán bộ đô thị xuất hiện... Còn với nạn “karaoke kẹo kéo”, chẳng thấy cán bộ đâu. Bất thường chứ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.