Heo lậu lại tràn về?

18/03/2024 06:37 GMT+7

Sau một thời gian im ắng, heo lậu lại đang được đưa về VN qua cửa khẩu, gây bất an cho ngành chăn nuôi trong nước.

Tái diễn heo nhập lậu

Trò chuyện với PV Thanh Niên chiều 17.3, ông L.T.P, một chuyên gia lâu năm trong ngành chăn nuôi heo, than thở: "Ngày mai (hôm nay 18.3 - PV) giá heo trong nước sẽ phải điều chỉnh giảm khoảng 1.000 đồng/kg rồi. Giá heo mới nhích lên được một chút trong thời gian ngắn ngủi thì heo lậu lại đang được đưa về qua một số cửa khẩu. Con số cụ thể thì chưa biết được chính xác nhưng thông tin này đã được nhiều khách hàng của tôi thông tin, từ đó gây sức ép phải giảm giá bán".

Heo lậu lại tràn về?- Ảnh 1.

Nguồn heo nhập lậu gây cạnh tranh không lành mạnh với thịt heo trong nước

Đinh Đang

Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P VN, cũng thừa nhận: "Tôi có nghe thông tin heo lậu đang được đưa về với số lượng lớn, có thể ngang bằng với thời điểm trước tết. Từ trước tết đến nay, các cơ quan chức năng đã kiểm soát tốt heo nhập lậu nên giá heo trong nước có sự khởi sắc, nhưng chưa được bao lâu thì heo lậu lại tràn về. Vì thế, theo tôi giá heo trong nước có thể phải quay đầu giảm do nguồn cung tăng lên. Nhưng quan trọng hơn hết là vấn đề lây lan dịch bệnh từ nguồn heo lậu. Trong năm qua, các doanh nghiệp đã rất vất vả và chịu nhiều thiệt hại, thậm chí là thua lỗ vì dịch bệnh, nếu dịch bệnh tiếp tục xảy ra trong năm nay thì các doanh nghiệp chăn nuôi càng khó khăn hơn".

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay đã nắm được thông tin của một số thành viên hiệp hội chia sẻ rằng có lượng heo lớn nhập về qua cửa khẩu Tây Ninh, Long An nhưng phải vài ngày nữa mới nắm được chính xác số lượng. "Hiện nay giá heo trong nước đang tăng khá nhanh, một phần là do thời gian sau tết, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn heo lậu. Nhưng người chăn nuôi chưa kéo dài niềm vui được bao lâu thì heo lậu lại tràn vào đe dọa. Ngoài việc cạnh tranh về nguồn cung, heo lậu còn mang theo mầm bệnh, dễ lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng", vị này than.

Theo ông L.T.P, mặt bằng chung giá thành sản xuất heo hơi của VN không cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, đều nằm trong khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia đang gặp khó khăn về nguồn tiêu thụ, sản lượng dư thừa nên tìm cách bán sang VN. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay giá heo hơi trong nước có diễn biến tốt, tăng lên khá cao nên heo lậu lập tức xuất hiện trở lại.

Siết nhập phụ phẩm, siết nhập lậu

Mới đây, Hội Chăn nuôi VN và các hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, Chăn nuôi gia súc lớn và Chăn nuôi gia cầm đã cùng ký vào đơn kiến nghị gửi lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội về 3 vấn đề của ngành chăn nuôi.

Theo các hội và hiệp hội, so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, để xuất khẩu được các sản phẩm thịt, trứng, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu. Hệ quả là các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà lẫn ra ngoài.

Việc nhập khẩu (chính ngạch và nhập lậu) ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi hiện nay đang là vấn đề hệ trọng, gây ra rất nhiều rủi ro, hệ lụy như gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Đồng thời gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

"Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, chỉ 3 - 5 năm tới khi các dòng thuế quan đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0% thì VN sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi", các hội và hiệp hội lo ngại. Do đó, các hội và hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ban, bộ, ngành khẩn trương xây dựng hàng rào kỹ thuật và chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi. Trong đó có vấn đề tăng cường biện pháp kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và hạn chế thấp nhất số lượng cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào VN.

Nói về vấn đề heo nhập khẩu đang gây áp lực khiến chăn nuôi trong nước gặp khó khăn, ông L.T.P có quan điểm khác. Ông L.T.P nói thẳng nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu chính ngạch không gây tác động tiêu cực cho ngành chăn nuôi nội địa mà ở một khía cạnh khác, nó còn tạo động lực cho nền sản xuất nội địa phải cải tổ, phải thay đổi để cạnh tranh. Cho tới giờ này thịt đông lạnh vẫn chỉ được sử dụng chủ yếu ở các kênh nhà hàng, quán ăn trong khi người tiêu dùng vẫn quen với việc dùng thịt "nóng". VN khi đã mở cửa thị trường thì phải chấp nhận cạnh tranh. 

Theo ông, điều đáng quan ngại hiện nay chính là heo nhập lậu. Vì nguồn heo này ngoài việc gây tác động đến nguồn cung trong nước, còn là nguy cơ lây lan dịch bệnh và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Hiện nay các quy định của VN cấm sử dụng các chất tăng trọng, chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi, nhưng các nước đang đưa heo lậu về VN lại không bị ràng buộc theo quy định đó, đàn heo không được kiểm soát ngay từ đầu nên không thể biết được chất lượng thế nào.

Ông Lê Xuân Huy cho rằng về lợi thế cạnh tranh thì VN không có vùng sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp (ngô), đậu tương… mà phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Từ đó dẫn đến giá thành sản xuất cao. Mặc dù vậy, so với các nước trong khu vực thì VN cũng không chênh lệch bao nhiêu vì họ cũng nhập khẩu giống như mình. Những kiến nghị về việc công bố hợp quy các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y nếu được miễn, giảm thì sẽ gián tiếp giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, góp phần giảm giá thành chăn nuôi.

Một lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng nhận định: "Ngành chăn nuôi trong nước hiện đang tồn tại một số vấn đề khiến việc cạnh tranh khó khăn. Đối với thịt nhập khẩu chính ngạch, mặc dù tuân thủ theo các cam kết mở cửa thị trường, tuy nhiên vẫn có tình trạng nhập thịt cận "date" hoặc nội tạng, phụ phẩm với giá rẻ, sau đó trữ lạnh để tiêu thụ dần. Điều này dẫn tới chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng, sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa, gây cạnh tranh trực tiếp đến ngành sản xuất trong nước. Các cơ quan quản lý cần siết chặt quản lý các loại thịt phụ phẩm, phế phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc làm này vẫn thường xuyên được Chính phủ và Bộ NN-PTNT chỉ đạo nhưng các địa phương chưa thực hiện xuyên suốt, liên tục". 

Kiến nghị siết chặt heo nhập lậu và thịt heo chính ngạch mang ý nghĩa hỗ trợ trực tiếp hơn cho người chăn nuôi. Việc dựng lên các rào cản kỹ thuật, chỉ tiêu chất lượng cũng phù hợp với cách mà các nước khác áp dụng.

Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.