Hệ sinh thái gia đình của bà Trương Mỹ Lan gồm những ai?

21/11/2023 15:24 GMT+7

Hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) bao gồm hơn 1.000 doanh nghiệp với sự chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan đã thực hiện các hành vi rút tiền từ Ngân hàng SCB.

Theo cơ quan điều tra, hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được xây dựng và hoạt động theo mô hình Công ty CP Tập đoàn VTP do bà Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Tập đoàn VTP giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Quá trình hoạt động, Tập đoàn VTP đã xây dựng hệ sinh thái với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Hệ sinh thái được chia thành nhiều tầng lớp với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, nhân viên Tập đoàn VTP. 

Tổ giám sát SCB cũng nhận tiền 'khủng' từ nhóm bà Trương Mỹ Lan

Cháu gái Trương Huệ Vân, chồng Chu Lập Cơ sát cánh cùng Trương Mỹ Lan

Trong đó, các công ty giao cho người nhà quản lý nằm trong hệ sinh thái Tập đoàn VTP cũng khá nhiều. Đầu tiên là Tập đoàn VTP được thành lập năm 1992, có vốn điều lệ 13.000 tỉ đồng giao cho bị can Trương Huệ Vân - cháu ruột Trương Mỹ Lan - làm Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật trong khi bà Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch HĐQT. Tập đoàn VTP có 4 cổ đông gồm Trương Mỹ Lan sở hữu 60%. Bà Elizabeth Chu Yuet Han (Chu Duyệt Hằng) - con Trương Mỹ Lan - sở hữu 10%; Bà Mary Cu Yuet Fan (Chu Duyệt Phấn) - con bà Trương Mỹ Lan - sở hữu 10% cùng Công ty CP Emeral cũng đại diện là Trương Huệ Vân sở hữu 20%.

Hệ sinh thái người nhà của bà Trương Mỹ Lan là những ai? - Ảnh 1.

Bị can Chu Lập Cơ là chồng của Trương Mỹ Lan sáng lập Công ty CP Times Square Việt Nam

X.A

Trong khi đó, bản thân ông Chu Lập Cơ - chồng bà Trương Mỹ Lan - là người sáng lập và nắm 99,26% cổ phần của Công ty CP Times Square Việt Nam (tên cũ là Công ty CP đầu tư Quảng trường Thời đại Việt Nam). Ông Cơ cùng bà Lan điều hành các hoạt động của công ty và triển khai dự án tòa nhà Times Square với chức năng là khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại và các công trình dịch vụ tại khu đất 22 - 36 Nguyễn Huệ và 57 - 69F Đồng Khởi (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM). Ông Chu Lập Cơ khai, đối với công trình tòa nhà Times Square, Cơ đồng ý để Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện các thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, huy động vốn, vay vốn Ngân hàng SCB để thực hiện. Do đó, năm 2009-2012, Chu Lập Cơ đã thống nhất với Trương Mỹ Lan sử dụng tài sản quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại dự án Tòa nhà Time Square do Công ty CP Đầu tư Times Square sở hữu để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, tổ chức do Lan chỉ định để có tiền đầu tư dự án Times Square và sử dụng cho mục đích riêng của Lan. Sau đó, Chu Lập Cơ với vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square ký các biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết chấp thuận việc thế chấp, bảo lãnh cho các khoản vay do Lan chi đạo tại Ngân hàng SCB.

Đến năm 2017, do các khoản nợ đến hạn, nên Cơ tiếp tục ký Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 15.8.2017 của Công ty Times Square, để đảm bảo đối với dư nợ hơn 35.541 tỉ đồng theo danh sách khách hàng khống của SCB. Các cá nhân đứng tên khống các khoản vay được trả tiền công từ 15 – 40 triệu đồng/năm. Chu Lập Cơ khai nhận ký các thủ tục bảo lãnh khoản vay theo chỉ đạo của Lan, không có quan hệ với các cá nhân đứng tên vay vốn, chỉ ký khống các thủ tục, đã gây thiệt hại 39.217 tỉ đồng (tiền gốc và tiền lãi vay) của Ngân hàng SCB. 

'Nhận hối lộ 5,2 triệu USD trong vụ Vạn Thịnh Phát là lớn nhất từ trước nay'

Em trai, em dâu cũng tham gia

Không chỉ chồng và cô cháu gái Trương Huệ Vân đã được nhắc đến nhiều, bà Trương Mỹ Lan còn giao cho em trai, em dâu cùng tham gia quản lý điều hành một số công ty trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đó là ông Trương Chí Trung - em bà Trương Mỹ Lan - làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát thành lập năm 2007 và có vốn điều lệ 12.800 tỉ đồng. Công ty này do Ngô Thanh Nhã - em dâu Trương Mỹ Lan - làm Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. 4 cổ đông nắm giữ cổ phần của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát  là Tập đoàn VTP sở hữu 49%; Chu Duyệt Hằng - con Trương Mỹ Lan - sở hữu 15,5%; Chu Duyệt Phấn - con bà Trương Mỹ Lan - sở hữu 15,5% cùng Công ty CP Emeral cũng đại diện là Trương Huệ Vân sở hữu 20%.

Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú được thành lập năm 2007, vốn điều lệ 2.868 tỉ đồng. Không đứng tên đại diện theo pháp luật nhưng Trương Huệ Vân sở hữu 50,5% vốn điều lệ; Công ty Prosperity Asia Cpital Limited (British Virgin Islands) sở hữu 19,5% vốn; Công ty Lionyear International Limited (British Virgin Islands) sở hữu 15% và Công ty Magic Luck Group Limited (British Virgin Islands) sở hữu 15%). Hoạt động của Công ty Việt Vĩnh Phú do Tạ Chiêu Trung - Tổng giám đốc điều hành và đại diện tham gia HĐQT Ngân hàng SCB. Công ty Việt Vĩnh Phú là cổ đông sở hữu 12,828% vốn điều lệ Ngân hàng SCB. 

 Riêng ba cá nhân nước ngoài sở hữu tổng cộng 49,5% Công ty Việt Vĩnh Phú nhưng không tham gia bất cứ hoạt động điều hành gì. Mặc dù là cổ đông lớn, đầu tư số tiền lớn để trực tiếp, gián tiếp sở hữu Ngân hàng SCB nhưng Trương Mỹ Lan khai thông tin về những người này rất mơ hồ như chỉ nhớ tên là Simons, Thomas, Kent là người nhiều quốc tịch, cụ thể quốc tịch nào cũng không rõ. Thậm chí đối với những người Trương Mỹ Lan khai là bạn đầu tư vào 5 pháp nhân nước ngoài sở hữu cổ phần Ngân hàng SCB nhưng lại không nhớ tên, thông tin liên lạc, địa chỉ của những người này...

Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 1 triệu tỉ đồng rút từ SCB đã đi đâu?

Theo cơ quan điều tra, hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau. Thứ nhất là nhóm định chế tài chính tại Việt Nam có: SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt, Công ty CP đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú. Trong đó, SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái VTP. Thứ hai là nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn... đều là công ty có vốn điều lệ lớn. Thứ ba là các công ty "ma" tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ... Thứ tư là mạng lưới các công ty tại nước ngoài, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế" phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa "nhà đầu tư nước ngoài" đầu tư vào Việt Nam, có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.