Hãy xem xét lại và tiếp tục xây cầu !

11/03/2022 05:22 GMT+7

Nhiều bạn đọc bức xúc trước việc cầu Quảng Phú được xây dở dang, rồi dừng thi công từ 20 năm trước, mới đây có thông tin sẽ chi ngân sách để phá bỏ cầu.

Bạn đọc mong muốn cơ quan chức năng truy đến cùng trách nhiệm những ai liên quan loạt công trình hoang phí như này.

Như Thanh Niên đã thông tin trong loạt bài Những công trình “làm nghèo” đất nước, sau nhiều năm, niềm mong mỏi chiếc cầu Quảng Phú bắc qua sông Krông Nô của người dân hai bên bờ sông 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông trở thành nỗi thất vọng khi có thông tin chính quyền quyết định chi tiền tỉ đập bỏ cây cầu đã xây dở dang.

Cầu Quảng Phú xây dựng dở dang rồi dừng hẳn từ năm 2004 đến nay

HOÀNG BÌNH

Liên quan thông tin tỉnh Đắk Lắk quyết định phá bỏ cầu Quảng Phú, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho rằng cầu Quảng Phú là công trình công cộng phục vụ lợi ích của người dân. Do đó, phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Trong trường hợp muốn đập bỏ cầu này thì phải có cơ quan thẩm định, kiểm tra, đánh giá qua các bước về tuổi thọ, mức độ an toàn của cầu…, không phải muốn là đập bỏ. “Làm gì thì làm nhưng phải tốt nhất, có lợi nhất cho dân. Quan điểm của tỉnh rõ ràng như vậy, đâu phải muốn đập là đập được”, ông Mười nói.

Người dân mua một gói mì cũng phải đóng thuế, đó là nghĩa vụ để góp phần làm cho đất nước phát triển! Vậy mà ai đó nỡ lòng nào sử dụng đồng tiền thuế của dân hoang phí như thế? Thật đáng buồn.

Hiệp Ngô

Tại TP.HCM tôi thấy có mấy cây cầu ở H.Nhà Bè, Q.Bình Tân... làm được mấy nhịp chính rồi bỏ đó hàng bao năm nay, trong khi người dân thì khổ sở mỗi ngày đi qua cầu cũ, cầu tạm. Chẳng có ai chịu trách nhiệm sao?

Đại Đào

Có đơn vị nào thống kê ở Việt Nam có bao nhiêu dự án lãng phí như cây cầu trên chưa? Chắc nhiều quá đi không xuể.

Hà Nguyễn

Một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk (đề nghị không nêu tên) cho hay trước những thông tin từ dư luận, tỉnh đã cân nhắc lại vấn đề đập bỏ cầu Quảng Phú và giao sở ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về hướng xử lý. “Phía tỉnh cũng tiếp thu các ý kiến từ dư luận về cầu Quảng Phú và yêu cầu Sở Tài chính, Sở GTVT tham mưu lại cho UBND tỉnh. Hiện tại, cả 2 sở này vẫn chưa có báo cáo tham mưu”, vị lãnh đạo này nói.

Mới đây, ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú (H.Krông Nô, Đắk Nông), cho biết UBND xã đã có văn bản kiến nghị UBND H.Krông Nô xem xét, đề xuất lên cấp trên có giải pháp khôi phục tiếp tục xây cầu Quảng Phú để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đọc bài mà nước mắt rơi !

“Đọc bài báo, xem 2 tấm ảnh cây cầu dở dang, và người dân dùng thuyền tự chế chèo qua sông mà tự dưng nước mắt tôi chảy ra. Thương cho người dân nơi đây quá! Tôi không phải người trong cuộc để cảm nhận được những mong mỏi của bà con nơi đây về chiếc cầu Quảng Phú này và họ đã thất vọng như thế nào. Tôi chỉ là người dưng, nhưng tôi muốn nói rằng: Các bác ơi, hãy xem xét lại cây cầu này và tiếp tục xây cầu”, bạn đọc (BĐ) Minh Nguyen viết.

Chia sẻ của BĐ Minh Nguyên cũng là nỗi niềm của nhiều BĐ khác. BĐ Tứ Hải cho biết: “Sao bao nhiêu năm chờ đợi cây cầu, giờ thì người dân nơi đây vẫn sẽ tiếp tục chèo thuyền tự chế để qua sông với nhiều rủi ro rình rập sao? Làm gì thì cũng phải có lợi cho dân chứ?”.

BĐ Xuanhoa Tran ngạc nhiên: “Trụ cầu đã xong, giờ chỉ việc lao dầm mà phá bỏ sao?”. BĐ G.Ben Tre cũng đặt câu hỏi: “Chi 3,5 tỉ đồng để đập bỏ cầu. Sao không để số tiền đó xây tiếp cho dân có cầu đi cho đỡ cực?”.

Trong khi đó, BĐ Quốc Tâm đề xuất: “Tôi có ý kiến: Nếu sau khi xem xét lại mà vẫn quyết định không xây cầu nữa, thì xin lấy kinh phí đã đồng ý cấp 3,5 tỉ đồng đập bỏ, tháo dỡ cầu Quảng Phú, để mua một ít thuyền, xuồng tốt cho người dân có thể qua sông an toàn hơn, được không? Việc này theo tôi là thiết thực, có lợi cho dân hơn đập bỏ cầu. Còn cây cầu thì cứ giữ đấy, như một kỷ niệm, về một cây cầu dở dang”.

Truy đến cùng trách nhiệm

Đó là mong muốn của rất nhiều BĐ khi đọc loạt bài Những công trình “làm nghèo” đất nước trên Báo Thanh Niên. BĐ Thành Hà bức xúc đề nghị: “Thiết nghĩ Chính phủ phải mau chóng truy tận nơi ai chịu trách nhiệm và có biện pháp xử lý càng sớm càng tốt mới ngăn chặn được vấn nạn này”.

BĐ van tung Tran cho rằng: “Cả nước có nhiều công trình như này. Ai là tham mưu, tư vấn những công trình sử dụng vốn ngân sách này? Công an cần vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân. Phải có người chịu trách nhiệm về vấn đề này”.

“Nhiều BĐ mong muốn không chỉ là một vài bài đơn lẻ, Báo Thanh Niên nên lập hẳn chuyên mục “Những công trình làm nghèo đất nước” để BĐ cả nước cung cấp thông tin. Các nhà báo có nhiệm vụ điều tra ai, cơ quan nào đề xuất dự án, công trình rồi để nó thành hoang phế, đắp chiếu... Ai chịu trách nhiệm? Báo chí cũng đưa ra các đề xuất để giảm thiệt hại cho đất nước”, Nguyen Van Hoang ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.