Hãy trả lương tốt nhất cho các thầy cô giáo!

Hiện tượng giảng viên các trường sư phạm có trình độ cao xin được chuyển sang các trường khác, ở nước ngoài hoặc bỏ nghề diễn ra ngày càng nhiều.

Hiện tượng giảng viên các trường sư phạm có trình độ cao xin được chuyển sang các trường khác, ở nước ngoài hoặc bỏ nghề diễn ra ngày càng nhiều.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là thu nhập của giáo viên trong các trường sư phạm thấp.
Mỗi năm chúng ta có hàng chục triệu học sinh và sinh viên. Năm 2015 có khoảng hơn 15 triệu học sinh phổ thông, 3.755.000 học sinh mẫu giáo và 2.263.900 sinh viên ĐH, CĐ. Cả nước có gần 1,1 triệu giáo viên, hầu hết đều tốt nghiệp từ các trường/khoa đào tạo giáo viên. Họ cũng đang gặp những khó khăn trong sinh hoạt dù nhà nước trong vài năm gần đây đã có những chính sách ưu đãi như phụ cấp đứng lớp và thâm niên. Những khoản ưu đãi này đã làm tăng thêm trung bình 50% lương ngạch bậc trong giáo dục so với các ngành khác. Tuy nhiên, thu nhập của các giáo viên khác nhau trong các cơ sở giáo dục.
Một giáo viên giảng dạy 38 năm trong một trường phổ thông ở TP.HCM, hiện có lương hưu hơn 5 triệu đồng và một khoản dạy thêm khoảng 8 triệu đồng/tháng. Thu nhập của anh bằng với thu nhập của một phó giáo sư có thâm niên giảng dạy trên 35 năm ở một trường sư phạm. Dẫn ra điều này, chúng tôi chỉ muốn thông báo: lương của những người làm ở nơi được gọi là "máy cái" khá thấp và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các giảng viên trẻ rời bỏ các trường sư phạm.
Trong 5 năm vừa qua, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có thêm khoảng 50 tiến sĩ và khoảng 1/2 số đó thuộc khối ngành khoa học tự nhiên được đào tạo ở nước ngoài bằng học bổng nhà nước và nước ngoài. Đa phần những người này sau đó đều đã làm việc ở nước ngoài hoặc các trường ĐH khác trong nước.
Làm cách nào để giữ các giảng viên giỏi lại các trường ĐH? Theo chúng tôi, phải thay đổi chế độ đãi ngộ - tức là thay đổi thu nhập. Một trường ĐH quốc tế tại TP.HCM với mức lương khởi điểm cho giảng viên có trình độ tiến sĩ là 1.000 USD/tháng - dù không nhiều - nhưng cũng đã đủ giữ chân và thu hút các giảng viên giỏi làm việc. Trường này trả được khoản lương như trên vì mức thu học phí của họ là 2.000 USD/năm học trong khi ở các trường sư phạm mức cấp bù học phí, tức là mức học phí mà nhà nước đóng cho các sinh viên theo học các ngành sư phạm ở thời điểm hiện tại là khoảng 240 - 340 USD/năm, bằng khoảng từ 12 - 17% học phí một sinh viên của một trường ĐH quốc tế. Ở các trường ĐH được tự chủ tài chính cũng có mức thu học phí gấp từ hơn 2 lần trở lên so với mức học phí nhà nước cấp bù cho sinh viên sư phạm nên việc trả lương cho giảng viên cao gấp tối thiểu là 2 lần so với trường sư phạm.
Như vậy vấn đề chính để giảng viên các trường sư phạm bỏ đi là nguồn thu thấp. Giáo dục là quốc sách hàng đầu - điều này luôn được thể hiện trong các văn kiện Đảng và Nhà nước - nhưng thu nhập của giáo viên, trong đó có giảng viên các trường sư phạm, lại không thể hiện rõ nét điều này. Vì thế, nhà nước cần cấp bù học phí sinh viên sư phạm ngang bằng với mức thu học phí của các trường được Chính phủ phê duyệt thực hiện Nghị định 77. Nguồn cấp bù này được chi trả lương cho giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất... mới hy vọng giữ giảng viên giỏi trong các trường sư phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.