Hãy trả đồng dao cho bé

15/02/2010 06:01 GMT+7

(TNTT>) Những bài đồng dao có tác dụng to lớn trong việc giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, đồng thời rèn luyện thể chất cho trẻ khi được kết hợp với các trò chơi dân gian thú vị. Sâu xa hơn, đây còn là cách giúp bảo lưu và duy trì tiếp nối những giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt qua các thế hệ.

Ngày nay những bài đồng dao và các trò chơi dân gian cho trẻ đang dần chìm khuất giữa muôn vàn trò chơi máy tính, điện tử của thời đại kỹ thuật số cùng với quỹ thời gian eo hẹp của cha mẹ. Thực tế, các bài đồng dao đem lại nhiều lợi ích trong việc giáo dục trẻ từ việc phát triển ngôn ngữ, tâm hồn trẻ đến vận động thể chất. Do vậy cha mẹ cần chú trọng nhiều hơn đến việc dạy trẻ các bài đồng dao như ngày xưa mình đã từng được dạy, được chơi.

Đồng dao là gì?

Đồng dao là những lời hát dân gian mộc mạc của trẻ con, có từ xa xưa và được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng dao có thể là những bài hát ru của mẹ đưa nôi cho con những trưa hè nắng gắt, là những lời hát vần điệu của đám trẻ chăn trâu cắt cỏ hay những câu vè của đám trẻ con chơi trò đánh đáo, đánh chuyền, dung dăng dung dẻ những đêm sáng trăng…

Các bài đồng dao thường gắn với các trò chơi dân gian như hình với bóng, như bài hát có nhạc và thơ. Đồng dao hiện diện trong các trò chơi vận động (đánh chuyền, trồng nụ trồng hoa…) hay mô phỏng (thả đỉa ba ba, mèo đuổi chuột…), sáng tạo (xếp hình, làm lồng đèn…).

Lời hát đồng dao đa phần mộc mạc, ít lô-gíc, đôi khi rời rạc, khó hiểu nhưng thường có vần điệu, dễ thuộc, dễ nhớ nên nhẹ nhàng in đậm vào tâm trí trẻ thông qua các hình ảnh sống động, sự vật, hình thể bằng con đường tình cảm (bằng cách chơi đùa, hát cho con nghe) chứ không phải bằng con đường tư duy lý luận phức tạp như dành cho người lớn.

Trẻ học được gì từ đồng dao?

Trước tiên, đồng dao giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ do đồng dao phong phú về từ vựng, hình ảnh sống động từ “cơm trắng”, “cây mía”, “con chó” cho đến “phú ông”, “nhà Trời”…

Đồng dao còn giúp bé rèn luyện thể chất khi chúng là một phần không thể tách rời của các trò chơi dân gian thú vị như rồng rắn lên mây, thả đỉa ba ba, đánh chuyền…Qua các trò chơi, đồng dao giống như chất xúc tác, giúp trẻ gắn bó, vun đắp tình bạn.

Đồng dao còn giúp trẻ hòa đồng và hội nhập với thiên nhiên thông qua những hình ảnh gần gũi, quen thuộc xung quanh trẻ như “con cá”, củ khoai, “cây cam”, “cây quýt”, “trời mưa”, “bong bóng”… Đồng dao là kênh học tập giúp trẻ tìm hiểu, khám phá về thế giới xung quanh mình với đa dạng các sự vật, hiện tượng từ gần gũi nơi góc nhà, chái bếp như “củ khoai chấm mật” đến xa xôi như chuyện “chú bán dầu qua cầu mà té”, “phật ngồi phật khóc”. Thông qua đồng dao, trẻ biết phê phán thói hư tật xấu, học được cái tốt, cái hay. Đồng dao còn có tác dụng luyện trí nhớ cho trẻ em, kích thích sự sáng tạo thông qua các trò chơi phải vận dụng trí óc như ô ăn quan, đánh chuyền…

Một vài bài đồng dao và trò chơi dân gian cho bé

Cho bé nhỏ tuổi

Kéo cưa lừa xẻ

Kéo cưa lừa xẻ/Ông thợ nào khỏe/Về ăn cơm vua/Ông thợ nào thua/Về bú tí mẹ.

Hay: Kéo cưa lừa xẻ/Làm ít ăn nhiều/Nằm đâu ngủ đấy/Nó lấy mất của/Lấy gì mà kéo.

Cách chơi: Hai mẹ con ngồi đối diện nhau, các bàn chân chụm vào nhau, nắm chặt tay, giả vờ làm bác thợ đang cưa gỗ, kéo cưa qua lại theo từng từ của bài đồng dao ngộ nghĩnh. Mỗi từ là mỗi nhịp đẩy cưa.

Tập tầm vông

Tập tầm vông/Chị có chồng/Em ở vá/Chị ăn cá/Em mút xương/Chị ăn kẹo/Em ăn cốm/Chị ở Lò Gốm/Em ở Bến Thành/Chị trồng hành/Em trồng hẹ/Chị nuôi mẹ/Em nuôi cha…

Cách chơi: Mẹ ngồi đối mặt với bé, vừa hát vừa đập lòng bàn tay của mình vào bàn tay bé theo nhịp đồng dao. Đập tay thẳng, đập tay chéo, một tay cao, một tay thấp, đập tay nhanh, chậm khác nhau, lúc lại vỗ tay làm bé vui như Tết và cười nói bi bô…

Nu na nu nống

Nu na nu nống/Cái cống nằm trong/Cái ong nằm ngoài/Củ khoai chấm mật/Bụt ngồi bụt khóc/Con cóc nhảy ra/Ông già ú ụ/Bà mụ thổi xôi/Nhà tôi nấu chè/Tè he chân rụt.

Cách chơi: Cha mẹ cùng bé ngồi thành hàng ngang, duỗi thẳng hai chân ra trước. Một người ngồi đối diện làm nhà cái, lấy tay đập vào từng chân của từng người theo từng nhịp của bài đồng dao. Dứt bài đến từ “rụt” thì cha mẹ nhắc bé phải rút chân cho nhanh, nếu rút không nhanh thì bị phạt nhảy lò cò một vòng, chơi bò nhúng giấm, bò lúc lắc hay phải làm nhà cái…

Bé lớn chơi cùng bạn

Thả đỉa ba ba

Cả nhóm chơi đứng thành vòng tròn, một đứa đứng giữa vòng tròn, vỗ vai từng đứa theo nhịp bài đồng dao:

Thả đỉa ba ba/Chớ bắt đàn bà/Tha tội đàn ông/Cơm trắng như bông/Gạo vàng như nghệ/ Đổ mắm đổ muối/ Đổ chuối hạt tiêu/ Đổ niêu nước chè/ Đổ phải nhà nào/ Nhà nấy phải… chịu.

Từ “chịu” cuối bài đồng dao rơi vào đứa nào thì đứa ấy phải xuống sông làm đỉa.

Sau đó vẽ một đường ngăn cách giữa sông và bờ. Cả nhóm ở trên bờ. Đỉa thì phải xuống dưới ao. Cả nhóm ào xuống sông chọc đỉa, đứa đầu này, đứa đầu nọ hát ghẹo đỉa:

Sang sông, về sông/ Trồng cây, ăn quả, nhả hạt…

Đỉa phải rượt hết đứa này đến đứa khác từ đầu sông này sang đầu sông kia. Ai chậm chân thì bị đỉa bám và phải làm đỉa thay thế. Cứ thế trò chơi tiếp tục trong tiếng cưới nắc nẻ của lũ trẻ con.

Rồng rắn lên mây

Cả nhóm chơi chỉ định một người làm thầy thuốc, còn lại nối đuôi nhau bằng cách ôm sau lưng nhau tựa một con rồng, con rắn dài. Vừa đi vừa hát:

Rồng rắn lên mây/Có cây lúc lắc/Hỏi thăm thầy thuốc/Có nhà hay không?

Thầy thuốc sẽ trả lời:

- Thầy thuốc đi vắng/ đi chơi/đi chợ/ đi ngủ… 

Rồng rắn lại tiếp tục lượn vòng và lặp lại bài hát cho đến khi thầy thuốc trả lời:

 - Thầy thuốc có nhà.

Lúc này bài đối đáp như sau:

- Rồng rắn đi đâu?

+ Đi lấy thuốc về chữa bệnh cho con.

- Con lên mấy ?

+ Con lên một.

-Thuốc chẳng hay.

+ Con lên hai.

- Thuốc chẳng hay…

Cứ thế cho đến khi thầy thuốc trả lời:

- Thuốc hay.

Lúc này thầy thuốc hỏi xin:

-Xin khúc đầu.

+ Những xương cùng xẩu.

-Xin khúc giữa.

+ Những máu cùng me.

- Xin khúc đuôi.

+ Tha hồ mà đuổi.

Sau câu hát, thầy thuốc phải xắn tay áo, rượt đuổi rồng rắn cho đến khi bắt được khúc đuôi trong khi người làm đầu rồng rắn dang tay che chắn cho chiếc đuôi dài ngoằn ngoèo phía sau. Nếu thầy thuốc bắt được đuôi hay rồng rắn bị đứt đoạn ở đâu thì người đó phải làm thầy thuốc và trò chơi lại tiếp nối.

Minh Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.