Hãy để của lễ lại... - Truyện ngắn của La Thị Ánh Hường

La Thị Ánh Hường
Truyện ngắn của
24/03/2024 08:30 GMT+7

Lúc My từ nhà thờ đi ra, mắt chạm phải dòng chữ trên vòm cổng mà lúc bước vào cô không thấy: "Hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em trước đã".

Phía ngoài cổng, trời tối đen. Đối diện cổng nhà thờ là dòng sông, chẳng có thuyền ghe qua lại nên nhìn càng lặng lẽ. Hoàng rủ: "Ra mé sông ngồi một lát rồi về không?". My nhìn ra chỉ thấy một màu đen đặc, chẳng biết đâu là mé sông nhưng vẫn gật đầu bước theo Hoàng. Chỉ cách một con sông mà hoàn toàn khác biệt, trong khi bên kia là trung tâm thành phố với hàng triệu ánh đèn lung linh.

Mé sông nằm trong khu công viên mới của thành phố, có kê sẵn hàng ghế để khách nghỉ chân ngắm phố thị sầm uất bên kia. Cảm giác như mình đang ngồi trong rạp phim, tối đen, nhìn lên màn hình với đủ thứ sắc màu thay đổi liên tục. Nơi đó, mỗi vệt sáng thôi đã dung dưỡng biết bao phận đời. Gọi là "mé sông" nhưng chẳng thể nào chạm chân xuống nước vì còn cách một đoạn xa. My thấy cổ họng mình khô khốc, cái cảm giác thèm dòng nước mát lành vốc trên tay, Hoàng bảo: "Không được, có tấm biển cấm xuống kìa!". Hoàng lúc nào cũng nghiêm chỉnh chấp hành mọi hiệu lệnh, ở cả những nơi không thấy bóng người. Cũng nhờ vậy mà đi bên cạnh Hoàng, My thấy an tâm.

Hãy để của lễ lại... - Truyện ngắn của La Thị Ánh Hường- Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

My ngửa cổ nhìn lên những vì sao, chợt cô nhớ lại dòng chữ đọc được khi nãy. My không phải con chiên Thiên Chúa, chỉ thỉnh thoảng đến nhà thờ cùng Hoàng. Cô quay sang hỏi Hoàng: "Thời đại của Chúa cách chúng ta rất xa, làm sao Chúa biết anh em thể nào cũng bất hòa, để mà khuyên đi làm hòa nhỉ?". Hoàng ấp úng vì câu hỏi hơi bất ngờ với anh. Chẳng lẽ nói thời nào cũng thế thôi, thì nghe tiêu cực quá!

Hoàng im lặng. My cũng thả trôi ý nghĩ của mình vào màn đêm đen thẫm.

Hồi đại học, My vật vờ như cái bóng, mỗi ngày bị nuốt vào cổng trường và nhả ra đúng khung giờ nhất định. Vài người trưởng thành nói với My, hưởng thụ đi, vì qua thời sinh viên là mọi thứ khác lắm. "Khác" theo ý của họ là chẳng còn gì thú vị ở cuộc đời trần trụi này. Nhưng liệu giảng đường đại học có là thiên đường với My? Chắc là không, vì khi rời nơi ấy, My thấy bầu trời thênh thang hơn! Cảm giác như lâu rồi mình mới được tự do hít thở theo cách của mình.

Nhờ may mắn, cô nhanh chóng tìm được công việc ổn định nhưng không lý tưởng như cô nghĩ. Thứ My học được ở giảng đường là một quy trình cụ thể, chứ không phải giải quyết mọi thứ theo kiểu bên A nể bên B mà đồng ý việc này việc nọ.

Rời công việc, thứ My khoan khoái nhất là click vào chữ "Rời nhóm". Chỉ một thao tác nhẹ nhàng thôi, My không còn liên quan đến nơi ấy. Nhẹ cả người. Thời công nghệ, chỉ cần làm một nhân viên bình thường thôi cũng gia nhập đến cả chục nhóm. Mỗi dự án lại là một nhóm riêng. Điện thoại chớp sáng liên tục. Có những nhóm chọn ẩn đi được, cũng có nhóm phải căng mắt lên đọc từng câu từ hiệu lệnh trong ấy để còn thực hiện theo. Nên thứ My bị áp lực không phải công việc mà là con người.

Cũng chẳng ai làm gì My, chỉ là đọc những câu từ một trời yêu thương trong ấy, rồi thì ướp đường theo kiểu ai cũng "em yêu", "chị yêu", vậy mà gặp nhau lạnh tanh. Có những buổi họp, lúc chờ sếp, cả phòng họp vẫn "sống" trên nhóm chat với những câu từ trêu đùa hóm hỉnh, những icon thể hiện cảm xúc tạo nên bầu không khí rất sôi nổi. Có điều, nó chỉ tồn tại trên không gian mạng. My đã chờ xem có ai đó đặt chiếc điện thoại xuống, nhìn nhau, mỉm cười một cái. Như vậy có khi là bất thường lắm, nên cả phòng họp vẫn lạnh tanh không một tiếng người.

Vậy nên khi click vào chữ "Rời nhóm", My thở phào như trút bỏ gánh nặng vô hình bấy lâu.

"Em có làm việc được với tập thể không?" - câu hỏi ấy thường trực trong những lần My tham gia phỏng vấn. My nhớ ngay đến nỗi ám ảnh thứ ánh sáng xanh chớp nháy liên tục từ điện thoại, liền từ chối trước khi biết kết quả có được nhận vào làm hay không.

My đã nghĩ thật may có Hoàng bên cạnh, để cô có thể phơi bày mọi góc khuất của mình, cả những thất bại, ủ ê mà cô đang đối diện. Thời bây giờ, có người để mình can đảm sống thật đã là may mắn lắm! Ai cũng khoác lên mình bộ mặt xã hội, có nhiều khi thoát vai xong chẳng còn biết mình là ai nữa.

Nhưng thật may, như một món quà của thượng đế trao tặng, bất cứ ai rồi cũng có được tình thân cạnh bên. Để giống như trong phim, luôn có một người xuất hiện, giúp họ gỡ từng nút rối trong cuộc đời này.

***

"Công việc độc lập không dính đến ai ư? Anh chưa nghĩ ra" - Hoàng nói với My như vậy. "Cả xã hội này đều trở thành người bán hàng, bất cứ ngành nghề nào, có chuyên môn hay không, đều phải nỗ lực bán sản phẩm của mình, em không thấy vậy sao?" - Hoàng nói thêm.

Câu trả lời của Hoàng, dù My biết trước nhưng cô vẫn cảm giác như bước hụt chân. Cú hụt chân không để lại chấn thương nơi cơ thể vật lý, nó chỉ kéo sụp My xuống chiếc giường êm ái mà vỗ về rằng: "Ngủ đi, rồi sẽ qua!". My ngủ vùi từ đêm sang ngày, thức giấc ăn xong lại ngủ. Giấc ngủ có sức hấp dẫn đến độ My chẳng còn thiết tha gì thế giới bên ngoài khung cửa sổ. Cho đến một ngày, đứa bạn lâu không thấy My, sau khi cập nhật tình trạng của My, nó thấp thỏm: "Tao nghe nói ngủ nhiều cũng dẫn đến trầm cảm, hay là mày đi khám xem?". My gật gù, nhưng vẫn chọn ngủ.

Cuộc sống này có niềm vui, có sự hân hoan đón nhận một cách thật lòng không? Tự dưng My nghi ngờ cả thế giới. Tại sao ai đó kết hôn, mọi người cùng chúc mừng? Rồi khi người mẹ báo tin đang mang mầm sống trong người, lại chúc mừng. Đến khi sinh con, cả họ hàng hai bên, đồng nghiệp, người quen lâu lẫn mới quen đều chúc mừng. Có điều gì đó để vui mừng thật hay sao? My nghĩ đến một câu trong bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh: "Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người"…

Ở phút giây bật ra những thắc mắc ấy, My biết mình không còn chung dòng chảy nữa. Cô đã đứng lại, né sang một bên để nhìn về cuộc sống đang ngày càng chảy xiết này.

Chỗ ở của My là một chung cư khá lặng lẽ bởi người già nhiều, hoặc người trẻ đã ra ngoài nên ít khi cô gặp. Mỗi lần lên sân thượng phơi đồ, cô thường ngồi nán lại một chút. Tầng ba trên sân thượng gió lồng lộng, cảm giác không gian thoáng đãng hơn. Ở góc sân thượng có cô giáo về hưu sáng nào cũng cần mẫn chăm sóc cho khu vườn mình. Người làm vườn, nhìn cứ tưởng công việc đơn giản thôi nhưng bản thân họ đầy những kỹ năng để cho ra những mầm xanh tươi tốt. Từ tưới nước, tỉa lá, bón phân, thay đất phải đều đặn, chừng mực thì cây mới phát triển. Ở thời tiết trên cao này, thiếu độ ẩm, thừa nắng, cây càng cần sự quan sát để bổ sung nước phù hợp hơn. Vậy nên, My để ý thấy cô dành khá nhiều thời gian cho khu vườn, mỗi sáng sớm và chiều tà. My tự hỏi, chỉ quẩn quanh vậy, cô có thấy vui với cuộc sống này không?

***

Buổi sáng chủ nhật. My lên sân thượng với ý nghĩ hôm nay mình sẽ tiếp cận cô giáo - chủ khu vườn để trò chuyện. Nhưng My lên đến nơi không thấy ai. Sân thượng chỉ mình My, cảm giác rộng thênh thang. Cạnh mảnh vườn có kê sẵn một chiếc ghế cao. Loại ghế mà My hay thấy ở quầy bar. My tiến gần lại chiếc ghế, nhón chân ngồi lên. Lần đầu tiên My ngắm phố phường từ góc nhìn này. Đẹp không thua gì view triệu đô mà giới trẻ đang nô nức check-in. Phía đối diện là mảng xanh mát mắt từ công viên lớn nhất nhì thành phố. Chếch xa hơn chút là tháp chuông nhà thờ màu hồng nổi bật giữa nền trời xanh. Cả con đường không thẳng như mình nghĩ mà uốn cong, như một nét vẽ mềm mại đầy chất thơ của họa sĩ. Nhưng thứ thu hút ánh nhìn của My, không phải khung cảnh đẹp như trong tranh ấy mà là một dáng người rất quen, ngay phía bên kia đường: Hoàng.

My không phải đợi lâu, chỉ vài phút sau có cô gái đi ra từ cánh cổng màu xanh, lên ngồi sau xe Hoàng. Chiếc xe hòa vào dòng người trong màu nắng nhạt buổi ban mai.

My nhắn tin hỏi Hoàng đang ở đâu đó, có rảnh không, My nhờ chút việc. Chờ hơn nửa tiếng thì Hoàng nhắn lại, rằng nay Hoàng bận rồi, có gì tối Hoàng mới ghé được. My nhớ ra, hình như sáng chủ nhật nào Hoàng cũng bận. Tính My chẳng đủ kiên nhẫn để tìm hiểu thêm, nhất là những chuyện chỉ cần hỏi sẽ có ngay câu trả lời. My gọi hỏi thẳng có phải Hoàng đang quen ai khác không? Hoàng chần chừ một vài giây rồi thú nhận. Anh còn nói rằng, hơn ba năm yêu nhau, anh chẳng biết làm gì để My vui lên. Cảm giác ấy khó chịu biết nhường nào. Anh nghĩ, có người khác sẽ đến để làm tốt việc cần thiết đó cho cô gái mà họ yêu. My cảm thấy chua chát, chẳng biết tin bao nhiêu phần trăm vào lời nói của Hoàng, cho khỏi phải hớ. Thời buổi này mọi thứ cứ phải trả giá bớt đi, thì mới kéo gần đến giá trị thật được. Cúp điện thoại, Hoàng còn nhắn tin thêm rằng, đừng xóa kết bạn mạng xã hội. Vì anh vẫn muốn nhìn thấy My.

My nhìn xuống chỗ Hoàng đứng khi nãy, ánh nắng lúc này đã chuyển sang màu đậm hơn, vài chiếc lá bàng rơi cũng chẳng nằm yên vị trí, chúng bị cuốn theo những vòng bánh xe hối hả trên mặt đường.

Một kẻ thất tình thì nên làm gì trong buổi sáng chủ nhật này nhỉ? My vừa nghĩ, vừa dợm bước xuống khỏi chiếc ghế ngắm view "triệu đô" thì cô giáo - chủ nhân của mảnh vườn vừa lên tới. Giọng cô chẳng rõ là nói với My, hay khen ngợi thời tiết: "Buổi sáng trong lành quá!".

Rồi cô quay sang My: "Lại đây cô cho xem cái này…". Đó là giọng nói tràn đầy năng lượng, hàm chứa những điều thú vị phía trước khiến bước chân My chuyển động theo cô. Ở góc vườn, cô nhẹ nhàng đón chậu cây được đặt dưới một gốc cây lớn hơn, mang ra khoe với My. My nhìn kỹ mới thấy một chiếc lá bé chừng hạt đậu, màu xanh nhạt. Chiếc lá cheo leo giữa thân cây khẳng khiu mà nếu cô giáo không nói, My chẳng thể hình dung là cây gì. Cô bảo rằng cành hoa giấy này mới cắm vào cát tuần trước, nay đã ra một chiếc lá bé xinh. Có kỳ diệu không cơ chứ?

Niềm vui giản dị nhưng như reo vui trong từng thanh âm của cô. Rồi cô bảo, đây là thời khắc quan trọng để rễ cây bám vào lòng đất. Chỉ khi nào bám vào lòng đất, cây mới yên ổn mà đón ánh nắng, dưỡng chất để phát triển. Cô giáo còn nói với My nhiều lắm. Thứ năng lượng trong lời nói của cô có một quyền năng nhất định. Để trong thoáng chốc, My còn tưởng mình đang tham dự một buổi họp mà vị lãnh đạo đang đầy tâm huyết khi nói đến dự án tiềm năng sắp tới. My nhớ ai đó đã nói với My, bất cứ điều gì, mình cần khẳng định nó có thật trước khi muốn người khác tin như vậy.

Trong làn gió sớm, cô giáo nói về một cái cây mà như đang nói chính My: "Nếu bộ rễ không khỏe, chỉ cần cơn gió thoáng qua cũng có thể lung lay, èo oặt, như vậy làm sao cây phát triển được?". Rồi cô kết luận: "Em tự trồng một chậu cây đi, sẽ thấy được điều diệu kỳ!". Đấy cũng là câu trả lời của cô mà My chưa kịp đưa ra câu hỏi: Cuộc sống của cô có vui không? Sự diệu kỳ hẳn là nâng cấp hơn niềm vui nhiều chứ? Nhưng nó chỉ bắt nguồn từ một chiếc lá bé tí ư?

Lúc này My mới để ý cô có rất nhiều chậu bonsai mini. Mỗi cây chỉ tầm hơn ngón tay, loại cây lá nhỏ như hạt gạo, tán lá dày, cây có gốc sần sùi làm bằng chứng cho sự từng trải biết bao mùa nắng mưa.

Rồi cô chỉ My cách thay đất làm sao để cho những chậu bon sai không bị gió làm lung lay gốc, ảnh hưởng đến rễ. Bằng cách dùng sợi kẽm uốn cành xuyên qua đáy chậu, cột vào gốc cây nhằm định hình rễ. Nếu như có bất cứ dao động nào từ ngoại cảnh, cọng dây kẽm cũng kềm chặt gốc cây lại. Như vậy, rễ mới yên ổn để phát triển. Bây giờ thì My tin trong lời nói có nguồn năng lượng. Thứ năng lượng ấy như một mệnh lệnh đầy tích cực.

My tập tành làm theo, sản phẩm đầu tay của My là một thân cây bồ đề. Loại cây này thường bám vào mảng tường có chút ẩm ướt để nuôi sự sống. Lá cây nhìn như hình một trái tim màu xanh. Và My thích nhất là sức sống mãnh liệt của chúng. Một chậu bồ đề xanh mướt mắt đặt nơi cửa sổ cũng là ý tưởng thú vị.

Hôm ấy, sau khi trồng xong gốc cây bồ đề, gửi lại mảnh vườn của cô giáo, My xuống nhà thì đã quá trưa. Mồ hôi nhễ nhại, toàn thân có chút ê ẩm bởi lâu rồi cô không làm việc chân tay, và cảm giác muốn ngủ ngay một giấc cho thật ngon. Nhưng My kịp nán lại nơi tờ lịch treo tường, ghi lên ấy dòng chữ: Ngày đầu thất tình, mình trồng một chậu cây!

***

Một buổi sáng, có niềm vui rộn ràng theo từng nhịp đập trong lồng ngực: khi My chạm mắt phải một chiếc lá bé xíu, hình trái tim. Cô giáo cũng vừa lên tới, giọng cô như reo vui lên: "Vậy là cây đã ra rễ rồi nhé!". My hình dung những chiếc rễ trắng, non tơ đang bám thật chặt vào đất, chuẩn bị cho ra những chiếc lá trái tim xinh xinh.

Cô giáo nói với My: "Đợi ít hôm nữa cho cây cứng cáp rồi mang xuống nhà đặt cửa sổ cho đẹp!". Nghe như thể My sắp đón người bạn mới với biết bao thân thương. Cả hai sẽ cùng nhau sống quãng thời gian tươi đẹp.

Có tiếng chuông điện thoại, là một cuộc hẹn phỏng vấn công việc, câu hỏi đầu của họ không phải là: "Em có làm việc được với tập thể không?", mà là: "Em đã sẵn sàng cho công việc mới này chưa?". My dõng dạc trả lời rằng mình đã sẵn sàng. Lần này, My tin mình sẽ chẳng còn nỗi sợ nào như trước nữa. My sẽ như một cái cây, bám thật sâu vào lòng đất để vươn lên những chồi non đầy sức sống, lớn mạnh theo thời gian.

Buổi chiều, hoàng hôn nhuộm đỏ đường chân trời. My pha một tách cà phê lên sân thượng ngắm view "triệu đô". Ở trang mạng xã hội của Hoàng, hiện lên dòng status mới: "Hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em trước đã". My lưỡng lự một chút rồi chọn nút like. Hình như lâu lắm rồi cô mới thực hiện lại thao tác đó, trên trang cá nhân của Hoàng.

Hoàng nhắn tin lại rất nhanh: "Cảm ơn em vì đã không delete anh nhé!".

Nghĩa là, chúng ta vẫn là bạn! My nghĩ và mỉm cười một mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.