Hãy bước ra khỏi phòng lạnh

06/08/2022 06:10 GMT+7

Việc cấp phép xây dựng nhà riêng lẻ tại TP.HCM đang rối vì 'khoảng lùi kiến trúc' lại một lần nữa khơi dậy vấn đề 'làm luật trong phòng lạnh' mà dư luận từng nhiều lần lên tiếng.

Đầu tiên, phải khẳng định quy định khoảng lùi trong xây dựng là quan trọng và cần thiết nhằm đảm bảo diện tích công cộng cho khu vực xung quanh liền kề và đảm bảo tính an toàn của ngôi nhà. Tuy nhiên, tùy vào thực tế, thực trạng, đặc thù của mỗi đô thị, các quy định này cần phải được thiết kế cho phù hợp. Còn “đùng một cái” mang khoảng lùi này áp dụng cho những khu phố, khu dân cư đã tồn tại hàng chục năm sẽ không đáp ứng được tính mục tiêu của khoảng lùi mà còn gây xáo trộn trong đời sống xã hội.

Chúng ta đều biết đặc thù của các đô thị hiện hữu như TP.HCM nói riêng và các đô thị lớn trên cả nước nói chung là nhà phố có diện tích nhỏ. Vì thế, người dân thường tận dụng xây dựng tối đa diện tích để có chỗ sinh hoạt. Thậm chí, ngay cả như vậy, đại đa số người dân đô thị vẫn đang phải sinh sống trong không gian chật chội, tù túng. Trong bối cảnh này mà mang khoảng lùi ra cắt trước gọt sau, khống chế chiều cao... thì đúng là tréo ngoe. Cứ hình dung cả dãy phố, cả khu vực dân cư có vài nhà xây dựng mới hay sửa chữa buộc phải thụt vô thì chẳng những không tạo ra diện tích công cộng, khó đáp ứng yêu cầu an toàn mà còn gây mất mỹ quan chung và thiệt thòi cho chủ hộ. Đó là lý do nhiều người có nhu cầu nhưng không dám xây, sửa nhà mà còn đi thắc mắc, khiếu kiện và chờ đợi... Tất nhiên, quy định này trong trường hợp áp dụng với khu đô thị, khu dân cư mới tạo lập thì hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Nếu cơ quan soạn thảo bám sát thực tiễn, tham khảo ý kiến người dân, phác thảo tính hiệu quả và hệ quả của khoảng lùi xây dựng vào bối cảnh hiện hữu thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

Đáng nói là những quy định gọi nôm na là “đi ra từ phòng lạnh” như thế này vẫn tồn tại khá nhiều. Mới đây, thị trường bán lẻ cũng xôn xao vì “cửa hàng tiện lợi sẽ được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân và đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m” của Bộ Công thương. Nhiều người đặt câu hỏi quy định thế này thì nếu lỡ phục vụ khách mua hàng ngoài phạm vi 500 m, cửa hàng có vi phạm pháp luật và bị xử phạt không? Hay mỗi khách vào mua, chủ cửa hàng không lẽ phải hỏi xem sinh sống ở đâu và đo tọa độ? Trước đó thì ôi thôi, hàng loạt các quy định trời ơi đất hỡi, nào thì ngực lép không được đi xe máy trên 50 cc; bán hàng rong, thức ăn đường phố phải đi khám sức khỏe, phải có đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu; phạt người đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng...

Không chỉ người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải đối mặt với rất nhiều quy định bất khả thi, gây khó trong hoạt động kinh doanh, đầu tư. Đơn cử quy định kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước mà các doanh nghiệp ngành này kiến nghị suốt trong một thời gian dài. Đặc biệt là các quy định kiểm tra chuyên ngành vừa tốn kém, vừa mất thời gian và chồng chéo không cần thiết.

Thế nên điều quan trọng nhất với những người làm luật là hãy bước ra khỏi phòng lạnh, lắng nghe hơi thở của đời sống, diễn biến của thực tế, tiếng nói của người dân - doanh nghiệp thì chính sách mới có tính khả thi và đi vào cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.