Hậu kiểm

11/03/2009 00:44 GMT+7

Mới đây, đi xem vở kịch của một đơn vị sân khấu uy tín, có một chi tiết do một nghệ sĩ ưu tú biểu diễn lại khiến khán giả không khỏi rùng mình. Bởi nó dễ gây liên tưởng tới những điều nhạy cảm.

Người lớn thì không nói làm gì, nhưng trong khán phòng còn có rất nhiều thanh niên thiếu nữ mới lớn, thậm chí cả trẻ vị thành niên, e rằng những vấn đề tế nhị ấy sẽ ảnh hưởng không tốt tới các em. Mà suy cho cùng, chi tiết này cũng không cần thiết cho kịch bản, nên nghệ sĩ đưa vào diễn rõ ràng là khiên cưỡng. Nhiều khán giả lắc đầu ngao ngán…

Hỏi lại các vị trong hội đồng nghệ thuật thì họ khẳng định là lúc phúc khảo vở không hề có chi tiết này. Có nghĩa là, diễn viên đã thêm vào sau đó, chắc chắn là để hấp dẫn khán giả hơn. Liệu có chấp nhận tình trạng này hay không?

Thật ra, ai cũng biết trong nghệ thuật thường có những ngẫu hứng sáng tạo mới mẻ, chúng ta không nên bắt nghệ sĩ dừng lại đúng y như bản dựng ban đầu, hay như khi phúc khảo. Tuy nhiên, điều này cũng cần có biên độ vừa phải. Nếu sáng tạo cái gì không quá xa, không bậy bạ thì mọi người vui lòng bỏ qua. Còn nếu gây phản cảm, hoặc thay đổi tư tưởng tác phẩm, thì rõ ràng là vi phạm, phải xử lý. Nếu không, chúng ta mất công phúc khảo làm gì.

Nhưng làm sao biết được đơn vị sân khấu có vi phạm? Khi phúc khảo đều có quay phim lưu lại để đối chiếu, nhưng ai sẽ đối chiếu phim đó với thực tế sàn diễn khi bán vé? Mấy ai đi xem lại lần thứ hai để so sánh? Còn khán giả dĩ nhiên là không được xem phúc khảo cũng không được xem phim, họ cứ ngỡ đây là bản dựng được duyệt đàng hoàng. Tóm lại, đây là kẽ hở cho các diễn viên “tung tẩy”. Ngay cả tấu hài cũng ngẫu hứng không ít so với bản phúc khảo, và nhiều nhóm hài đã ăn nói thô lỗ, chửi bới nhau trên sân khấu y như cái chợ. Người thiệt thòi là khán giả, bị “ăn” phải thức ăn độc hại, không “an toàn vệ sinh thực phẩm” dù đã dán tem kiểm nghiệm.

Thiết nghĩ, ngoài quy định phúc khảo, chắc còn phải áp dụng thêm quy định hậu kiểm đối với tất cả tác phẩm. Những vị trong hội đồng nghệ thuật, những nhà báo có thể đi xem lại vở diễn bất kỳ lúc nào, có vậy mới phát hiện được những vi phạm. Hoặc khán giả có thể gửi ý kiến lên các tờ báo, nêu rõ những chi tiết gây bức xúc, cũng là cách giúp cho mọi người đối chiếu với bản gốc. Đã đến lúc chúng ta dùng chữ “nghiêm khắc”, bởi gần đây thị trường sân khấu hình như có dấu hiệu khá dễ dãi. Khán giả chấp nhận diễn vui để xả stress nhưng không được diễn “dơ”, vì như thế là hạ uy tín người diễn lẫn người xem.

Thư Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.