Hầu hết học sinh từng trải qua hoặc chứng kiến bạo lực học đường

30/10/2022 06:05 GMT+7

Nghiên cứu của nhóm sinh viên chỉ ra rằng hầu hết học sinh đều nhận diện được các hành vi bạo lực học đường về tinh thần trên mạng xã hội , cũng như từng trải qua hoặc chứng kiến ít nhất một lần.

Muôn kiểu bạo lực

Những ngày gần đây, tình trạng bạo lực học đường đang trở nên đáng quan ngại hơn bao giờ hết khi chỉ trong tháng 10.2022, ghi nhận có hơn chục vụ việc học sinh (HS) đánh hội đồng ở nhiều địa phương, chủ yếu tập trung ở khối THCS. Tất cả bắt đầu chỉ với mâu thuẫn nhỏ như bấm “thích” ảnh trên Facebook hay liếc mắt nhìn nhau, nhưng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là nhập viện, thậm chí có em tử vong.

Học sinh nữ lớp 7 Trường THCS Bình Chánh, xã Bình Chánh, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị đánh hội đồng

cắt từ clip

Trao đổi với một số nạn nhân của bạo lực học đường mới thấy HS có thể dễ dàng “ra tay” thế nào và đôi khi cũng bất lực trong việc tìm kiếm giúp đỡ. Như D.T.M.N (18 tuổi, TP.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cho hay đã bị cả lớp cô lập vì thẳng tính, hay lên tiếng mỗi khi “hội lớp trưởng” gồm những thành viên có quyền nhất lớp bao che lỗi sai cho nhau. “Các bạn lôi bè kéo phái, bôi nhọ em thậm tệ trên nhóm chat và chê bai mỗi khi em làm gì đó trên lớp. Lắm lúc chỉ muốn kết thúc tất cả”, M.N trải lòng.

Hay H.N (13 tuổi, tỉnh Hải Dương) đã bị thả sâu, phá đồ dùng học tập, hất nước... vì xích mích với bạn cùng lớp trên mạng xã hội. “Có lần cô giáo dạy văn thấy em bị bắt nạt, khóc nức nở trong tiết học nhưng vẫn vờ như không thấy gì. Phía nhà trường thì luôn giải quyết theo hướng hoà giải vì gia thế của kẻ bắt nạt”, N. bức xúc. Bản thân người viết cũng từng chứng kiến các nam sinh khối 10 của một trường học tại TP.HCM xô xát nhau trong lớp mà nguyên nhân chỉ là không đồng tình với thái độ của đối phương.

Nhận thức đúng về bắt nạt còn hạn chế

Khảo sát 30 giáo viên (GV), 189 HS tại các trường THPT ngoài công lập ở TP.HCM từ tháng 10.2021 đến tháng 4.2022, theo SV Lê Hoàng Phúc (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), tỷ lệ nhận thức đúng về bắt nạt học đường của GV, HS lần lượt là 67,9% và 60,7%. Như vậy, phần lớn đã có nhận thức ban đầu về hiện tượng này, mặc dù ở một số khía cạnh vẫn rất cần tác động thêm.

“Bắt nạt học đường có thể thông qua sức mạnh thể chất hay tinh thần để đe doạ, tổn thương đến người khác, như nói lớn tiếng hay dùng lời lẽ không tốt để chỉ về nhau. Đây là nguyên nhân một số HS và GV vẫn còn nhẫm lẫn giữa đùa giỡn và bắt nạt, do đó không thể đưa ra hướng xử lý phù hợp”, Phúc chia sẻ.

Một nhóm nữ sinh liên tục dùng tay đấm, tát và dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu một nữ sinh khác tại Trường THCS Nguyễn Du (TX.Buôn Hồ, Đắk Lắk)

cắt từ clip

Tiếp cận bạo lực học đường dưới góc độ tinh thần trên môi trường mạng xã hội, nhóm SV Mai Phạm Bảo Trân, Ngô Thị Kim Yến (Trường ĐH Sài Gòn, TP.HCM) cho rằng hầu hết HS đều nhận diện được các hành vi bạo lực tinh thần trên mạng xã hội một cách rõ ràng. Đồng thời, cho biết bản thân từng trải qua hoặc chứng kiến bạo lực tinh thần trên mạng xã hội ít nhất một lần. Đây là kết quả thống kê dựa trên 304 HS ở 2 trường THPT tại quận 4, TP.HCM.

“Khi khảo sát, có em còn tâm sự với tôi là có ý định tự tử vì bị bạo lực mạng. Rất may em ấy chỉ dừng lại ở suy nghĩ, nhưng điều đó cũng thể hiện rằng vấn đề bạo lực tinh thần trên mạng xã hội có tác động lớn đối với sức khoẻ tâm lý và tinh thần của HS, không những ở thời điểm trước, trong mà ngay cả hậu Covid-19”, Trân khẳng định và cho hay một số em khá dè dặt, không sẵn lòng chia sẻ về bạo lực tinh thần, nhiều em cũng để trống những câu hỏi về tình huống.

Phòng, chống bắt nạt học đường ra sao?

Để phòng, chống bắt nạt học đường, Hoàng Phúc kiến nghị cần đưa nội dung giáo dục phòng, chống bắt nạt học đường cho HS vào mục tiêu, nội dung giáo dục, hướng HS thực hành có cái nhìn đúng hơn về bắt nạt và có thể ứng phó nếu rơi vào tình huống bị bắt nạt. Ngoài ra, cần có những biện pháp nâng cao nhận thức của HS về tầm quan trọng của giáo dục phòng, chống bắt nạt học đường.

Một học sinh bị đánh tới tấp tại lớp học do trêu chọc nhau tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Q.Gò Vấp. TP.HCM)

cắt từ clip

Nam sinh cũng tiến xa hơn trong nghiên cứu khi thiết kế thêm tờ rơi, trang Facebook chuyên đăng tải thông tin liên quan nhằm phòng, chống bạo lực học đường. “Trong thời đại 4.0, cần đánh mạnh vào các sản phẩm truyền thông để môi trường giáo dục có hành vi chuẩn mực hơn”, Phúc chia sẻ và cho hay có đến 81,25% GV, 67,72% HS được khảo sát sẽ sử dụng tờ rơi và trang Facebook.

Để ứng phó với bạo lực tinh thần trên mạng xã hội, Bảo Trân và Kim Yến đề xuất HS có thể dùng một số biện pháp như nhận thức rõ về bản thân, tính toán vấn đề, giả định tình huống. Đồng thời khuyến nghị HS xây dựng sự bảo mật khi sử dụng mạng xã hội, trau dồi kiến thức và hãy chủ động.

Bên cạnh đó, yếu tố gia đình, nhà trường cũng đóng vai quan trọng trong việc thấu hiểu, kết nối với các em vì theo nghiên cứu, hầu hết HS chọn từ chối chia sẻ với gia đình về những khó khăn, vấn đề của riêng mình, cũng như lưỡng lự khi đánh giá mức độ ảnh hưởng của nhà trường trong việc đưa ra biện pháp ứng phó với bạo lực học đường về tinh thần trên mạng xã hội. “Nền tảng mạng xã hội cũng cần siết chặt các quy định sử dụng nhằm làm giảm tình trạng, hành vi bạo lực tinh thần”, Trân kết luận.

Với đề tài nghiên cứu “Giáo dục phòng, chống bắt nạt học đường cho học sinh các trường trung học phổ thông ngoài công lập tại TP.HCM”, Lê Hoàng Phúc (SV khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đạt giải nhì cấp khoa và được trường cử tham gia giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 24 năm 2022.

Còn nhóm SV Mai Phạm Bảo Trân, Ngô Thị Kim Yến (khoa Giáo dục, Trường ĐH Sài Gòn) với đề tài "Biện pháp ứng phó với bạo lực tinh thần trên mạng xã hội của học sinh trung học phổ thông ở quận 4 tại TP.HCM” được đánh giá loại giỏi cấp trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.