Hậu Giang tăng cường hỗ trợ hợp tác xã để nông nghiệp phát triển

01/11/2022 21:25 GMT+7

Từ việc tăng cường hỗ trợ hợp tác xã trong nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và gương nông dân sản xuất giỏi.

Ngày 1.11, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cùng đại diện ngành nông nghiệp địa phương đã đến tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu tại H.Châu Thành. Đoàn công tác có ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang; ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang (trái) tham quan mô hình trồng dưa lưới tại xã Đông Thạnh, H.Châu Thành

TẤN PHONG

Tại xã Đông Thạnh, đoàn đã đến thăm hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thạnh Phước. Thành lập từ năm 1999, đến nay HTX đã phát triển lên diện tích 40 ha, chuyên sản xuất cây giống, bao tiêu chanh không hạt trong và ngoài huyện. HTX hiện có 25 thành viên, do bà Nguyễn Thị Thiết, một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp quốc gia, làm Giám đốc. Nông dân tham gia HTX Thạnh Phước được hỗ trợ phân, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật trồng chanh Vietgap, có đầu ra ổn định với giá bao tiêu cao hơn ngoài thị trường 1.000 đồng/kg. Trước ảnh hưởng của giá vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng doanh thu của HTX 10 tháng đầu năm nay gần 3 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, đánh giá cao hiệu quả của mô hình làm kinh tế tập thể này, khuyến khích nhân rộng để mang đến nhiều hiệu quả thiết thực cho nông dân.

Đoàn cũng có nhiều ấn tượng với quy mô trang trại trồng dưa lưới Ngọc Thành (xã Đông Thạnh). Trang trại có diện tích hơn 6 ha, gồm 8 nhà màng (diện tích 1,2 ha) chuyên sản xuất dưa lưới TL3 và dưa lê hoàng kim theo tiêu chuẩn VietGap. Phần còn lại của nông trại nuôi cá, trồng sầu riêng và nhiều loại cây cao sản khác.

Điểm mới của trang trại là ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, thụ phấn bằng ong mật nên giảm được các chi phí sản xuất, hạn chế tác động của thời tiết. Mỗi năm sản xuất, cung ứng hơn 100 tấn dưa, lợi nhuận từ 20 - 30% trên tổng doanh thu, qua đó tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Hiện, nhu cầu lớn nhất của trang trại này là có điều kiện sản xuất dưa lưới với số lượng lớn, đồng đều để tăng khả năng liên kết với các cơ sở tiêu thụ ở TP.HCM và hướng tới xuất khẩu sang nước ngoài.

Nắm bắt xu hướng này, ông Nghiêm Xuân Thành đề nghị ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và các ngân hàng cần quan tâm hỗ trợ nguồn vốn, khuyến khích nông dân tham gia nhân rộng mô hình, đặc biệt là sớm tạo điều kiện cho nông trại sớm phát triển lên HTX.

Bên cạnh đó, tại TT.Ngã Sáu, mô hình nuôi dê bằng cách sử dụng phụ, phế phẩm từ mít được lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đánh giá sáng tạo, phù hợp, cần được lan tỏa vì khai thác hiệu quả xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn. Nông dân dễ ứng dụng vì tận dụng được nguồn mít dạt, mít xơ đen sẵn có ở địa phương; đồng thời giúp thịt dê nuôi săn chắc, ngon hơn nên bán được giá. Mô hình này được thành lập từ năm 2021 chỉ có 36 con dê giống, nhưng đến nay tổng đàn đã lên đến trên 450 con, 25 thành viên cùng hợp tác làm kinh tế.

Dịp này, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã gửi những phần quà biểu dương tinh thần thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của các hộ dân, HTX. Ông Nghiêm Xuân Thành đề nghị các sở, ngành tăng cường hỗ trợ các cơ sở sản xuất, HTX theo tinh thần Nghị quyết 20 của T.Ư, tạo điểm nhân rộng, lan tỏa cách sản xuất theo hướng liên kết, thuận với tự nhiên cho nông dân trong thời gian tới. Cũng theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, việc hỗ trợ theo Nghị quyết 20 sẽ là động lực thúc đẩy việc sản xuất nông nghiệp phát triển, đặc biệt là từ đây sẽ xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu về tinh thần thi đua, làm ăn hiệu quả, bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.