Hậu duệ của người nổi tiếng - Kỳ 6: Cuộc đời sóng gió của con cháu Einstein

22/04/2012 03:03 GMT+7

Cuộc hôn nhân thất bại, sự đào hoa và tính cách mâu thuẫn của thiên tài Albert Einstein góp phần đẩy các hậu duệ vào nhiều bất hạnh.

Cuộc hôn nhân thất bại, sự đào hoa và tính cách mâu thuẫn của thiên tài Albert Einstein góp phần đẩy các hậu duệ vào nhiều bất hạnh.

>> Kỳ 5: Những đứa con của Napoleon Bonaparte

Nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20 đã trải qua 2 cuộc hôn nhân và một số mối tình ngoài giá thú. Trên giấy tờ, ông có 3 người con với vợ đầu Mileva Maric và không con chung nào với người vợ thứ hai Elsa Einstein, vốn là em họ của ông.

Những người con bất hạnh

Con gái đầu của Einstein và bà Maric mang tên Lieserl ra đời vào khoảng năm 1902, một năm trước khi hai người lấy nhau. Theo tạp chí Discover Magazine, trong một thời gian dài, thế giới không hề biết đến sự tồn tại của Lieserl cho đến khi các chuyên gia phát hiện nhiều bức thư của Einstein vào năm 1986. Trong đó, một vài thư gửi cho bà Maric có nhắc đến người con này. Tuy nhiên, đến nay, số phận Lieserl vẫn là một bí ẩn lớn. Một số chuyên gia cho rằng cô bé chỉ sống được một năm, trong khi có ý kiến khẳng định Lieserl được giao cho một người bạn của bà Maric tên là Helene Savic nuôi nấng và sống đến thập niên 1990.

 
Ảnh tư liệu chụp Albert Einstein cùng con trai Hans Albert và cháu nội Bernhard Caesar

Sau Lieserl, vợ chồng Einstein có với nhau 2 người con trai là Hans Albert (sinh năm 1904) và Eduard (sinh năm 1910). Những bức thư được phát hiện năm 1986 vẽ nên một chân dung đầy mâu thuẫn của thiên tài Einstein trong tư cách một người cha: quan tâm đến các con nhưng đôi khi cũng vô cùng lạnh lùng và khắc nghiệt.

 

Người chồng bội bạc

Cuộc hôn nhân giữa Albert Einstein và Mileva Maric xuất phát từ tình yêu nhưng gần 9 năm sau, ông bắt đầu ngoại tình với em họ Elsa Einstein. Trong một bức thư gửi nhân tình năm 1913, ông mô tả bà Maric là “một sinh vật lạnh lùng và không có óc hài hước”. Theo The New York Times, trong số các bức thư được phát hiện năm 1986, có một bức nhà khoa học thiên tài gửi cho Maric năm 1914 nêu ra những điều kiện duy trì cuộc hôn nhân như: “Bà phải luôn giữ quần áo và drap giường của tôi được thẳng thớm và dọn cho tôi đủ 3 bữa một ngày. Chúng ta sẽ không làm gì chung trừ những lần bắt buộc phải xuất hiện cùng nhau trước mặt mọi người. Bà sẽ không nhận được bất kỳ sự âu yếm nào từ tôi và phải rời khỏi phòng ngay lập tức khi tôi yêu cầu”. Cuối cùng 2 người vẫn ly dị, Einstein lấy em họ Elsa năm 1919 và sống với nhau cho đến khi Elsa mất năm 1936. Vào năm 1952, 3 năm trước khi qua đời, ông viết thư cho bạn và mô tả đời sống gia đình “là một chiến trường”. “Tôi đã sống sót dù trải qua thời Quốc xã và cuộc sống với 2 người vợ”, ông viết.

Người con út Eduard, còn gọi là Tete, được đánh giá là thừa hưởng gien thông minh thiên bẩm của cha và rất giỏi âm nhạc. Tuy nhiên, đến năm 20 tuổi, ông bắt đầu phát bệnh thần kinh và sống phần lớn quãng đời trong viện tâm thần tại Thụy Sĩ trước khi qua đời vào năm 1965. Tuy thường xuyên viết thư cho vợ hỏi han tình hình con nhưng Einstein không hề tới thăm và gặp Eduard thêm lần nào trong suốt 30 năm.

Hans Albert là người con có cuộc đời tương đối bình yên nhất của Enstein. Ông ít khi được gặp cha mà chủ yếu liên lạc qua thư và quan hệ giữa 2 người dần trở nên xa cách. Nhà khoa học thiên tài thường xuyên cho con trai nhiều lời khuyên về sự nghiệp và cuộc sống. Tuy nhiên, ông xem Hans Albert là đứa con mang “gien xấu” trong nhà và không thông minh bằng Eduard. Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi Hans Albert muốn kết hôn với bà Frieda Knecht, hơn mình 9 tuổi, bị chứng lùn bẩm sinh. Còn mẹ của bà có tâm lý không ổn định, bị nghi là hậu quả của chứng cường giáp. Vì thế,

Enstein cực lực phản đối cuộc hôn nhân này vì lo ngại “gien xấu” của cả hai sẽ gây di hại cho thế hệ sau của dòng họ. “Nếu chúng không có con cái thì tôi mới có thể an nghỉ bình yên”, Discover Magazine dẫn một bức thư của cha đẻ thuyết tương đối viết. Bất chấp sự phản đối dữ dội, Hans Albert và Frieda Knect vẫn cưới nhau và sống hạnh phúc đến khi ông qua đời năm 1973. Bản thân Hans Albert cũng là một chuyên gia và giáo sư đại học tương đối có tên tuổi trong ngành thủy lợi và thủy lực.

Cháu nội nuôi hay con rơi?

Hans Albert Einstein có 2 con trai Bernhard Caesar (1930-2008) và Klaus Martin (1932-1938) cùng 1 con gái nuôi tên Evelyn. Đây chính là người thu hút nhiều sự chú ý nhất trong số các hậu duệ sau này của Einstein. Cho đến khi qua đời tại California vào năm 2011 ở tuổi 70 tuổi, bà vẫn luôn khăng khăng rằng mình không phải là cháu nội nuôi mà là con rơi của nhà khoa học thiên tài với một vũ công ba lê. Theo lời kể của bà, để tránh điều tiếng cho cha mình, lúc đó 62 tuổi, ông Hans Albert quyết định nhận nuôi em gái khi Evelyn ra đời năm 1941. Dù vậy, chính bà thú nhận không có chứng cứ nào. Bà ít khi được gặp ông nội nuôi (hay cha?) vì 2 người sống cách xa nhau.

Có vẻ như Evelyn thừa hưởng trí tuệ của Einstein khi bà nói được đến 5 ngoại ngữ và có bằng thạc sĩ về văn chương Trung cổ của ĐH California Berkeley (Mỹ) danh tiếng, theo tờ The New York Times. Cuộc đời của Evelyn bắt đầu xuống dốc sau khi bà ly dị chồng trong thập niên 1970. Sau khi cha nuôi Hans Albert qua đời năm 1973, bà trải qua 3 tháng trời sống lang thang không nhà cửa, phải làm đủ nghề từ nhân viên săn bắt chó đến cảnh sát và thậm chí có lúc phải lục thùng rác kiếm miếng ăn thừa. Sau đó, bà kiếm được một chân bán hàng và dọn đến sống cùng vài người bạn tại Berkeley.

Từ thời gian này, Evelyn bắt đầu nỗ lực góp phần vào các nghiên cứu về Einstein lẫn tranh giành một phần gia tài. Chính nhờ các tài liệu do bà cung cấp mà người ta mới phát hiện những bức thư của ông vào năm 1986. Bà trải qua những năm cuối đời trong bệnh tật và mất khi mang trong mình bệnh tiểu đường cùng các vấn đề tim và phổi.

Đến nay, toàn bộ cháu nội của Einstein đều đã qua đời và 5 cháu cố của ông - con của Bernhard Caesar - sống lặng lẽ tại nhiều nơi trên thế giới. Thomas Einstein (sinh năm 1955) là chuyên gia gây mê tại California; Paul Einstein (1959) là nghệ sĩ đàn violin ở Pháp; Ted Einstein (1961) sống tại Los Angeles; Mira Einstein (1965) là nhạc sĩ ở Israel; và chuyên gia quan hệ công chúng Charly Einstein (1971) định cư tại Thụy Sĩ.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.