Hậu duệ của Martin Luther King

30/01/2016 05:09 GMT+7

Năm 2016 đánh dấu kỷ niệm 30 năm kể từ ngày Martin Luther King, Jr. trở thành ngày nghỉ chính thức của nước Mỹ.

Năm 2016 đánh dấu kỷ niệm 30 năm kể từ ngày Martin Luther King, Jr. trở thành ngày nghỉ chính thức của nước Mỹ.

Để ngày này được chính thức đưa vào danh mục ngày lễ liên bang Mỹ, những người ủng hộ nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại này đã bắt đầu vận động ngay sau hôm ông bị ám sát năm 1968. Trong khi đó, xã hội Mỹ mỗi ngày qua đi lại chứng kiến những phân chia sâu sắc, khiến áp lực đè nặng lên người con gái của MLK khi bà tiếp tục hành trình “Tôi có một giấc mơ” của cha.
Từ đơn độc…
“Người ta không biết tôi. Phản ứng đầu tiên là đánh giá. Có người nghĩ tôi là người khắc kỷ, lạnh lùng xa cách. Có người nói tôi kiêu ngạo. Thật đáng tiếc bởi họ không hiểu trái tim tôi”, mục sư Baptist Bernice King - con gái út của MLK từng chia sẻ. Trong trí nhớ của nhiều người, người phụ nữ 52 tuổi này đã bị “đóng khung” trong hình ảnh cô bé 5 tuổi ngơ ngác ngả người vào lòng mẹ (cũng là nhà hoạt động nhân quyền) tại lễ tang của cha năm 1968. Tấm ảnh này, được trao giải báo chí Pulitzer, vẫn hằn trong ký ức của Bernice King như một khởi đầu đau buồn bởi những mất mát liên tiếp sau đó đã đè nặng lên cuộc đời bà.
Một năm sau ngày cha qua đời, người chú của bà tự dưng bỏ dở chuyến đi nghỉ với gia đình ở Jamaica để rồi được tìm thấy đã tắt thở tại hồ bơi ở quê nhà Atlanta. “Tôi hét lên với mẹ rằng không muốn dự một cái đám tang nào nữa. Nhưng một đứa con gái thì có thể làm gì khác ngoài chuyện nghe lời mẹ. Chú đã thay thế cha tôi. Tôi phải cố tìm hiểu về hai chữ: mất mát”, bà kể lại. Và cái chết cứ ám ảnh gia đình King, từ năm 1974 khi bà nội bị bắn gục bên ngoài nhà thờ đến năm 2006 mẹ qua đời vì ung thư và một năm sau là người chị duy nhất của bà mất vì đột quỵ. Những sợi dây gắn kết gia đình lần lượt đứt, trong đó mẹ là nơi nương tựa về mặt tinh thần, là tấm gương để Bernice King bước tiếp con đường đấu tranh của cha mẹ còn chị gái - một diễn viên - là người giữ mối liên hệ tình anh em trong nhà. “Tôi dựng lên các bức tường vì có lý do. Khi bạn lớn lên cùng với bi kịch như chúng tôi từng chịu đựng, bạn cũng sẽ trở nên thận trọng như chúng tôi”, bà King cho biết.
Nếu đối với mẹ, bà “không tâm sự nhiều bởi mẹ phải gánh vác tránh nhiệm phát triển phong trào nhân quyền nên chỉ biết giữ chặt nỗi sợ hãi cho riêng mình và tự thân nghiền ngẫm” thì đối với chị gái, tình cảm chị em quá bền chặt khiến cái chết của chị trở nên “khó chấp nhận hơn cả sự ra đi của mẹ”. Và từ đó, hố ngăn cách giữa Bernice King và hai người anh trai càng thêm lớn. Họ thường xuyên đưa nhau ra tòa chỉ vì di sản - hái ra tiền, mà cha mẹ để lại. “Tôi là người phụ nữ duy nhất còn sót lại trong gia đình. Tôi gần gũi với mẹ và chị hơn. Phụ nữ và đàn ông rất khác nhau”. Cách đây 3 năm, khi được báo chí hỏi liệu có thể cải thiện mối quan hệ với 2 người anh không thì bà trả lời: “Tôi không biết. Tôi hy vọng là có”. Martin Luther King III, 58 tuổi và Dexter Scott King, 54 tuổi cũng theo nghiệp của cha mẹ.
Hậu duệ của Martin Luther King
… Đến cay nghiệt


Những cột mốc trong cuộc đời của Bernice King
- Năm 17 tuổi, được mời nói chuyện ở Liên Hiệp Quốc.
- Năm 19 tuổi, có bài phát biểu quan trọng ở Chicago.
- Năm 24 tuổi, quyết định trở thành mục sư và lần lượt hoàn tất chương trình thạc sĩ và tiến sĩ thần học.
- Tháng 5.1990 ở tuổi 27, là người phụ nữ thứ hai được phong chức ở Giáo hội Baptist Ebenezer.
- Đầu năm 2012, trở thành CEO của King Center - một tổ chức giáo dục nằm trong khuôn viên di tích quốc gia Martin Luther King, Jr.

Trải qua một tuổi thơ dậy sóng mà lại “không được dạy bảo những kỹ năng đối mặt với đau thương”, bà thừa nhận có lúc đã dùng những lời lẽ “sắc như dao cắt” khi bị “tấn công”: “Tôi có thể giết người khác bằng giọng điệu của mình. Tôi cảm thấy ổn. Nó giống như thể adrenaline đang rần rần trong người bởi tôi cảm giác rằng cuộc sống đối xử quá tệ với tôi. Tôi muốn lấy lại người thân của mình. Vì thế đã khiến người khác đau lòng”.
Dư luận từng kịch liệt chỉ trích con cái nhà King làm tiền từ di sản của cha mẹ, chẳng hạn việc đòi tiền phí cấp phép từ một tổ chức muốn xây dựng tượng đài ông MLK ở Washington Mall, khi đặt ra vấn đề: Tổ tiên của Thomas Jefferson và Abraham Lincoln (những tổng thống của Mỹ - NV) có đòi tiền từ những tượng đài của họ hay không?! Bà Bernice King trả lời: “Nhưng Lincoln đã đi xa hơn 150 năm rồi. Chúng tôi là thế hệ đầu tiên mất cha mẹ của mình, chứ không phải mất ông tổ bà tổ”. Thậm chí, bà còn lên giọng thách thức: “Tại sao các bạn lại khó chịu chuyện này. Chúng tôi đã mất cha. Nếu ông ấy còn sống đến ngày hôm nay thì chả có vấn đề gì. Cha chúng tôi đã đóng góp nhiều cho nước Mỹ”.
Và khi bảo vệ chuyện nội bộ gia đình xào xáo, bà lấy ngay ví dụ về con cái của tượng đài Nam Phi Nelson Mandela: “Những ai không hiểu chuyện, hãy nhìn vào chính gia cảnh của họ. Mỗi gia đình - hãy nghĩ đến gia đình Mandela ngay bây giờ, họ đều sống với thách thức. Chúng tôi không phải miễn dịch. Chúng tôi không phải là siêu nhân”.
Khi Martin Luther King nói với cả thế giới “Tôi có một giấc mơ” thì Bernice King chỉ mới được vài tháng tuổi. Lớn lên với hoàn cảnh “không cha chỉ dạy từ điều nhỏ nhặt như xử lý bọn con trai đến quan hệ nam - nữ trong gia đình”, bà tự nhận mình có thiên hướng trở thành người nâng đỡ cho những đứa trẻ chỉ có cha hoặc mẹ. “Tôi đã trải qua những thăng trầm trong cuộc sống. Tôi đã suýt tự tử. Tôi cũng từng nổi loạn, từng đấu tranh với tình dục và lòng tự trọng”, bà chia sẻ. Với bà, câu nói của mẹ luôn là kim chỉ nam cho cuộc đời bà và cho những người trẻ đang dõi theo bà: “Đấu tranh là một quá trình không có điểm kết thúc. Bạn giành được nó hoặc chiến thắng trong thế hệ của chính bạn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.