Hậu Brexit, nợ Anh leo lên cao kỷ lục từ năm 1964

24/11/2016 14:55 GMT+7

Kinh tế Anh không còn đủ khả năng thặng dư trong năm 2020.

Theo CNBC, cuộc bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU) hay Brexit của Anh sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế, kéo nợ lên mức cao kỷ lục mới. Đây là ước tính chính thức mà Văn phòng Chuyên trách Ngân sách (OBR) công bố hôm 23.11, quanh thời điểm Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond công bố tình hình ngân sách chính phủ lần đầu tiên hậu Brexit.
Đánh giá của OBR chỉ ra rằng kết quả trưng cầu dân ý hồi tháng 6 sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế Anh 2,4 điểm phần trăm trong 5 năm tới. GDP nước này sẽ hạ từ 2,1% năm 2016 xuống 1,4% năm 2017.
OBR cho biết đất nước phải vay thêm 122 tỉ bảng Anh, tương đương 151 tỉ USD, trong cùng giai đoạn so với con số được dự báo lúc đầu. Ông George Osborne, người tiền nhiệm của Hammond, từng đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách 10,4 tỉ bảng trong năm tài chính 2019/2020. Dù vậy, theo văn phòng ngân sách Anh, nước này được cho là sẽ thâm hụt 22 tỉ bảng.
OBR là một cơ quan cung cấp dự báo cho Bộ Tài chính Anh. Họ cho hay chính phủ Anh lựa chọn “không có gói kích thích tài chính lớn trong ngắn hạn và cũng không thắt lưng buộc bụng thêm trong trung hạn”.
Báo cáo của OBR cũng nhấn mạnh rằng tỷ lệ nợ trên GDP có thể tăng đến 90% trong năm 2017/2018, mức chưa từng thấy kể từ năm 1964. Nợ công của Anh từng được ông Hammond mô tả là lớn bất ngờ và đây là mức nợ thuộc hàng cao nhất trong số các nước giàu nhất thế giới. Năm ngoái, nợ công Anh tương đương 84% GDP.
Bộ trưởng Tài chính Anh cho hay chính phủ sắp tới sẽ tập trung vào việc nâng cao mức lương tối thiểu cho công dân, song ưu tiên sẽ xoáy vào đánh giá tài chính công khi đất nước chuẩn bị cho đàm phán Brexit.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.