Hát bội cũng 'vi hành'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
04/11/2019 06:18 GMT+7

Trong bối cảnh nhiều loại hình văn hóa hiện đại quốc tế liên tục được các bạn trẻ tìm hiểu, khám phá, thì bộ môn nghệ thuật truyền thống như hát bội cũng không thể 'nằm im chờ... chết'. Chính sự 'vi hành' trong nhà trường, tìm đường đến với sinh viên - học sinh hiện nay đang nuôi dưỡng sức sống mới cho hát bội.

Sáng 3.11, hội trường lớn ở tầng 1 Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn TP.HCM không còn một chỗ trống. Lần đầu tiên, Nhà hát Nghệ thuật hát bội, Khoa Văn hóa học và Trung tâm tư vấn hướng nghiệp phát triển nguồn nhân lực cùng tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng, thu hút rất đông người trẻ đến thưởng thức.
Nhiều người tin rằng, sức hấp dẫn của hát bội VN vẫn nóng hổi sau 700 năm tồn tại và phát triển.

Lần đầu tận mắt... xem hát bội

Bạn Trần Như Như (học sinh Trường Phổ thông năng khiếu TP.HCM) có mặt từ rất sớm để tìm chọn vị trí ngồi xem ưng ý nhất. “Nhà tôi ở tận Q.Tân Phú nên chiều qua nghe cô giáo thông báo tôi phải nhờ mẹ chở đi. Lâu nay, qua sách báo tôi đã tìm hiểu nhiều về hát bội nhưng tận mắt chứng kiến thì đây là lần đầu”.
Buổi biểu diễn kéo dài liên tục gần 3 giờ nhưng sinh viên Lê Đức Tạo (Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn TP.HCM) chấp nhận... đứng “chôn chân tại chỗ”. Trích đoạn Ôn Đình chém Tá trong vở Sơn Hậu nhận được nhiều tràng vỗ tay từ khán giả. Bất ngờ nhất là lúc Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá, diễn viên thủ vai này quấn sẵn một dải lụa đỏ trên đầu khiến chiếc mũ khi rơi xuống bung một dải lụa đỏ ra như... máu. Sau đó, Khương Linh Tá cúi xuống nhặt lấy mũ gắn lên đầu trong sự hoảng hốt của Ôn Đình và hai tên lâu la, càng cảm nhận được sức mạnh của tính ước lệ trong hát bội. “Hồi còn nhỏ ở An Giang, mỗi khi tới lễ hội Kỳ Yên tôi hay chạy ra đình xem hát. Hôm nay nghe tin có nghệ sĩ đưa các trích đoạn tuồng hay đặc sắc về trường, dù nhiều việc cũng phải tới cho bằng được. Từ sự diễn giải dí dỏm của các nghệ sĩ về điệu bộ, cách đi đứng, ăn nói, biểu cảm của từng dạng nhân vật, tôi có điều kiện hiểu sâu thêm về bộ môn nghệ thuật hát bội truyền thống”, Lê Đức Tạo tâm sự.

Tuy cát sê chỉ mang tính tượng trưng nhưng chúng tôi vẫn “cháy” trên sân khấu dữ dội lắm. Bởi, mỗi khi nhìn xuống thấy khán giả trẻ yêu quý hát bội, anh em làm nghệ thuật cảm động thực sự

Nghệ sĩ Ngọc Giàu

Xen vào chương trình, sau mỗi trích đoạn, NSƯT Hữu Danh cùng MC Lê Hồng Phước lại tung hứng với nhau, giải tỏa các câu hỏi của khán giả: Tại sao hát bội còn có tên gọi hát bộ? Tính tượng trưng, ước lệ và cách điệu trong hát bội như thế nào? Các nhân vật dê xồm, người trung trực, hoặc nịnh hót có nụ cười khác nhau ra sao? Lý do gì Tạ Ôn Đình trong tuồng Sơn Hậu lại hay thở phì phì cho râu bay lên?... kèm theo đó là những trò chơi “khán giả cùng diễn như nghệ sĩ”, mang đến không khí sống động và lý thú, bổ ích cho buổi giao lưu.

Lịch diễn kín mít

Hiện nay, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM có 21 diễn viên tham gia chương trình sân khấu học đường, gồm các NSƯT: Xuân Quang, Hữu Danh, Linh Hiền, Thanh Trang, Linh Phước và nhiều tên tuổi như Ngọc Giàu, Đông Hồ, Minh Khương, Thanh Bình, Hoàng Hà, Bảo Châu, Kiều My, Nhã Thanh, Thu Hà, Anh Thi, Minh Nguyệt, Hoàng Tuấn... “Tuy cát sê chỉ mang tính tượng trưng nhưng chúng tôi vẫn “cháy” trên sân khấu dữ dội lắm. Bởi, mỗi khi nhìn xuống thấy khán giả trẻ yêu quý hát bội, anh em làm nghệ thuật cảm động thực sự”, nghệ sĩ Ngọc Giàu tâm sự.
Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM Đỗ Nguyễn Hoàn cho biết: “Tháng 11 này lịch diễn hầu như kín mít. Sau thành công của vở Sanh vi tướng, tử vi thần, các đơn vị và trường học liên tục có lời mời nên chúng tôi làm không hết việc. Cùng nhiều trích đoạn có sẵn đang được yêu thích như Lê Công kỳ án, Trần Quốc Toản ra quân, Ông già cõng vợ đi xem hội, Trần Hưng Đạo ra quân, Bà huyện đánh ghen, Trần Bình Trọng tử tiết... thời gian tới, nhà hát sẽ tiếp tục dựng một số vở mới như Kim Vân Kiều, Vọng tiền nhân... để biểu diễn cho khách du lịch ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Đền Hùng và tiếp tục “chạy sô” trong trường học”.
Theo NSƯT Hữu Danh, trước đây hát bội thường dùng tiếng Hán khá nhiều, không phù hợp với người trẻ. Bây giờ các kịch bản đều phải chuyển đổi sang Việt ngữ hết cho dễ hiểu. Các loại trang phục màu mè cũng chỉnh sửa từng giai đoạn để khán giả tuổi thanh niên cảm thấy gần gũi. “Sau mỗi đợt diễn, chúng tôi đều có phiếu góp ý của khán giả qua từng vở để thường xuyên cập nhật, bổ sung ngày một hoàn thiện hơn”, NSƯT Hữu Danh chia sẻ.
Đồng tình với việc tự làm mới mình và tiếp tục “vi hành” của nghệ thuật hát bội, PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh, Trưởng bộ môn văn học nước ngoài (Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn TP.HCM), cho rằng: “Khi chưa có điều kiện tiếp cận, các bạn trẻ thường bảo hát bội khó nghe, nhưng khi xem và được giải đáp mọi thắc mắc thì ai cũng sẽ thay đổi quan niệm này. Sự quan tâm và đón nhận của người trẻ đang tạo lối ra tốt cho nghệ thuật truyền thống, như có thêm nhiều đất diễn, tạo chất xúc tác mạnh để các nghệ sĩ gắn bó hơn với nghề và tiếp tục ra đời nhiều vở hay. Làm được điều này, chính người trẻ cũng đã góp phần bảo tồn và phát triển hát bội, một trong những loại hình văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc VN”.
Mỗi năm 140 suất diễn
Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM Đỗ Nguyễn Hoàn cho biết: “Theo kế hoạch, mỗi năm nhà hát sẽ có 140 suất diễn giới thiệu đến khán giả trẻ nhiều vở ca ngợi tấm gương giữ nước và dựng nước, những anh hùng của lịch sử dân tộc và các trích đoạn hay nhất trong nghệ thuật hát bội. Hy vọng qua chương trình giao lưu sân khấu học đường, chúng tôi còn có thêm điều kiện phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ cho nghệ thuật hát bội, nhằm đào tạo lực lượng kế thừa trong tương lai".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.