Hào khí miền Đông: Có một Dầu Tiếng rất xanh

Lương Ngọc Anh
(Bình Dương)
10/09/2023 09:00 GMT+7

Tôi luôn dành một tình cảm rất đặc biệt cho vùng đất Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), nơi tôi đã được sinh ra và trưởng thành. Mỗi khi được nghỉ cuối tuần, tôi đều tranh thủ về quê để được tận hưởng không khí rất đỗi thân quen của thời thơ ấu.

Quãng đường về quê của tôi dài gần 100 km, gần như xuyên suốt từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh. Một chiếc ba lô cùng một con "ngựa sắt" bon bon trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tôi được chứng kiến một Bình Dương phát triển năng động, bứt phá.

Màu xanh bình yên

Dầu Tiếng gần như không có nhiều tuyến đường huyết mạch nhộn nhịp container chạy qua, không có những khu công nghiệp hiện đại mọc lên, không có những tòa nhà cao tầng sầm uất… Nhịp sống của người dân rất đỗi bình dị, mộc mạc.

Hào khí miền Đông: Có một Dầu Tiếng rất xanh  - Ảnh 2.

Hồ Dầu Tiếng

Đỗ Trường

Hồi nhỏ, tôi từng thắc mắc tại sao gọi là "Dầu Tiếng"? Các cụ già người gốc địa phương lý giải rằng "ngày xửa ngày xưa" có một cây dầu rất lớn kế bên sông Sài Gòn, ba người ôm cũng không xuể. Một ngày cây đổ xuống nằm vắt ngang dòng sông làm thành chiếc cầu tự nhiên. Cây "dầu" này bỗng trở nên nổi "tiếng", người dân gọi "dầu tiếng" mãi thành quen. Từ đó địa danh "Dầu Tiếng" ra đời…

Dầu Tiếng chủ yếu là đất xám nâu và đất xám, còn khí hậu ôn hòa, rất ít thiên tai, bão lụt. Chính vì vậy từ hơn một thế kỷ trước (1926), người Pháp đã chọn nơi đây lập nên công ty các đồn điền cao su Michelin. Công ty này là nơi liên tục xảy ra những cuộc đấu tranh của công nhân chống giới chủ. Bởi vậy dân trong vùng hay ngâm nga câu thơ: "Cao su đi dễ khó về/Khi đi trai tráng khi về bủng beo".

Đó là chuyện của thời cũ. Khi đất nước thống nhất đến nay, cao su đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi bộ mặt huyện nhà. Cao su đã mang đến sức sống mới cho vùng đất bị "bom cày đạn xới" năm nào, là miếng cơm manh áo của bà con địa phương, và là sách, là bút, là học phí nuôi tôi suốt chặng đường ăn học. Con đường về quê của tôi trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn nhờ có hàng cao su che chở hai bên đường. Ngành cao su hiện không còn hoàng kim như trước, nhưng cây cao su đã làm tròn sứ mệnh thiêng liêng trên vùng đất quê tôi, đem màu xanh no ấm cho mọi nhà.

Sơn thủy hữu tình

Mỗi khi tết đến xuân về, người dân trong vùng lại nô nức tham quan núi Cậu - hồ Dầu Tiếng. Nơi ấy có gì đó rất hữu tình, linh thiêng mà trẻ con chúng tôi háo hức, mong chờ.

Giữa một vùng đất tương đối bằng phẳng có dãy núi Cậu nhấp nhô kéo dài. Núi Cậu bao gồm 21 ngọn núi lớn nhỏ, ngọn cao nhất là Cửa Ông có chiều cao lên tới 295 m so với mực nước biển. Dân gian truyền rằng tên "núi Cậu" xuất phát từ nhân vật cậu Bảy. Từ thuở khai hoang, người ta đã thấy trên đỉnh núi này có một hang đá, trong đó có miếu thờ. Bên trong ngôi miếu có bức tượng cậu Bảy đứng thủ bộ võ. Dân làng nơi đây luôn kiêng cữ, tôn kính, thường khấn vái "cậu" mỗi khi hữu sự.

Núi Cậu kề bên hồ Dầu Tiếng - hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á. Lần đầu tiên đặt chân đến bờ hồ, tôi từng choáng ngợp trước công trình rộng lớn với nhiệm vụ tưới tiêu cho hàng trăm ngàn héc ta đất ruộng và hoa màu của một vùng rộng lớn từ Tây Ninh đến Bình Dương qua Long An về TP.HCM. Nét hiền hòa, êm ả của dòng nước lòng hồ, bên cạnh bức bình phong hùng vĩ của rừng núi thiên nhiên tự khi nào đã trở thành biểu tượng của vùng đất Dầu Tiếng.

Có địa hình, địa thế rất thuận lợi nên trong kháng chiến, núi Cậu được chọn làm căn cứ địa, bảo vệ, che chắn cho nhiều cán bộ cách mạng bám trụ hoạt động. Mỗi tên đất, tên làng ở vùng đất Dầu Tiếng đều thấm đẫm hào khí cách mạng của cha ông và mãi khắc sâu vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân dân miền Đông anh dũng.

Hôm nay, Dầu Tiếng đã là huyện đạt chuẩn nông thôn mới với những thành tựu đáng khích lệ về mọi mặt, đời sống nhân dân khởi sắc. Còn tôi, thi thoảng lại thoáng có một mong muốn "ích kỷ" rằng: Dầu Tiếng quê mình mãi giữ được cái chất nông thôn với con người, cảnh vật bình dị, chân phương; giữ được mảng xanh giữa lòng tỉnh Bình Dương phát triển mạnh mẽ; và luôn là chốn đi về bình yên của những người con xa quê như tôi. 

Hào khí miền Đông: Có một Dầu Tiếng rất xanh  - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.