Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông buộc Tổng thống Duterte khôi phục VFA với Mỹ?

Văn Khoa
Văn Khoa
16/08/2021 21:50 GMT+7

Giới phân tích cho rằng tình trạng Trung Quốc xâm lấn vùng biển Philippines xem là vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông có thể đã góp phần buộc Tổng thống Rodrigo Duterte khôi phục Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ.

Nhìn lại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ở thủ đô Manila vào ngày 30.7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thông báo Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định khôi phục Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ.
Bộ trưởng Lorenzna cho hay ông không chắc tại sao Tổng thống Duterte đã thay đổi và đưa ra quyết định mới sau khi nhà lãnh đạo Philippines tiếp Bộ trưởng Austin ở Manila vào tối 29.7. Tổng thống Duterte hồi tháng 2.2020 đã ra lệnh hủy VFA, nhưng thỏa thuận này sau đó đã được gia hạn tới 3 lần, đến tháng 12.2021.
Tổng thống Duterte có quyết định trên trong bối cảnh còn khoảng 9 tháng nữa Philippines sẽ bầu lãnh đạo mới và hiến pháp nước này không cho phép ông Duterte tái tranh cử. Hiện có nhiều câu hỏi được đưa ra về việc liệu các chính sách hướng về Trung Quốc của Tổng thống Duterte có mang lại những lợi ích như đã hứa hay không.
Trong khi đó, tình trạng Trung Quốc tăng cường hoạt động ở vùng biển mà Philippines tuyên bố thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này tiếp tục khiến người dân Philippines nổi giận, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Đây là lý do thật sự?

Giới phân tích cho rằng tình trạng Trung Quốc xâm lấn vùng biển Philippines tuyên bố thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này với mối quan hệ quân sự gần gũi giữa Philippines và Mỹ đã buộc Tổng thống Duterte cuối cùng phải duy trì VFA song phương, theo SCMP. Chuyên gia Philippines Jay Batongbacal hồi tháng 2.2020 khẳng định VFA đã ngăn chặn Trung Quốc xây dựng ở bãi cạn tranh chấp Scarborough trên Biển Đông vào năm 2016.
Nhà nghiên cứu Jose Antonio Custodio thuộc Viện nghiên cứu Stratbase ADR (Philippines) mới đây cho hay ông không ngạc nhiên với việc Tổng thống Duterte cuối cùng quyết định giữ lại VFA. “Ngay từ lúc đầu dường như có sự lưỡng lự [trong việc hủy VFA]”, ông Custodio bình luận. Việc hủy bỏ VFA đòi hỏi thông báo trước 6 tháng, nhưng Tổng thống Duterte tạm dừng việc hủy thỏa thuận 3 lần, viện nhiều lý do khác nhau.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Manila vào tối 29.7

Reuters

Giới chuyên gia tin rằng lý do thật sự cho việc trì hoãn hủy VFA là sự kháng cự từ quân đội Philippines, vốn muốn duy trì quan hệ gần gũi với Mỹ. Hai nước có hiệp ước phòng thủ chung 70 năm, quy định hỗ trợ lẫn nhau nếu một trong hai nước bị tấn công.
Trong một bài bình luận đăng trên Hoàn Cầu thời báo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Philippines thuộc Đại học Kị Nam (Trung Quốc) Đại Phạm cho rằng quân đội Philippines chắc chắn không muốn thấy VFA bị hủy nên đã vận động Tổng thống Duterte giữ lại thỏa thuận này.
Được ký vào năm 1998, VFA cung cấp các quy định cho việc luân chuyển hàng ngàn binh sĩ Mỹ đến Philippines để tham gia các cuộc tập trận. Có được khả năng luân chuyển binh sĩ này quan trọng không chỉ đối với việc phòng thủ của Philippines mà còn đối với Mỹ về mặt chiến lược, khi Mỹ muốn đối phó hành vi ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc ở khu vực, theo Reuters.

Chọn Mỹ hay Trung Quốc?

Giới phân tích cho rằng sau khi VFA được khôi phục, những gì đang định hình là một chính sách mà sẽ cho thấy Philippines vẫn duy trì mối quan hệ quân sự với Mỹ trong khi muốn Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng của quốc gia Đông Nam Á này.
Trong đó, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Philippines Đại Phàm cho rằng việc khôi phục lại VFA “không đồng nghĩa Manila sẽ làm việc chặt chẽ với Washington để đối đầu với Bắc Kinh”, theo SCMP. “Dù một tổng thống [Philippines] phê chuẩn những chính sách ủng hộ Mỹ, ông ấy không nhất thiết phải chống Trung Quốc”, ông Đại bình luận.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Manila hồi năm 2018

Chụp màn hình SCMP

Tiến sĩ Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) thì cho rằng việc khôi phục VFA cung cấp cho Manila một lớp bảo vệ ở Biển Đông và việc này gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng lá bài Mỹ vẫn sẽ được dùng tới nếu tình hình trở nên tồi tệ, nhưng Philippines vẫn cần Trung Quốc để khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Ông Koh dự đoán vấn đề Biển Đông và chính sách hướng tới Bắc Kinh của Tổng thống Duterte có thể trở thành những chủ đề quan trọng trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Ngoài ra, trong bài viết cho tổ chức theo dõi tình hình Biển Đông SCSPI thuộc Đại học Bắc Kinh, Chủ tịch Hiệp hội Philippines nghiên cứu Trung Quốc Rommel Banlaoi cho rằng Trung Quốc là “một láng giềng lớn sát bên có thể cung cấp các cơ hội kinh tế lớn cho Philippines mà Mỹ không còn có thể mang lại nữa. Dù Mỹ có thể cung cấp nhu cầu an ninh của Philippines, tình hình an ninh hiện nay buộc Manila không chọn Trung Quốc là láng giềng gần gũi và cũng không chọn Mỹ là họ hàng xa… Chính phủ Philippines muốn tận dụng những lợi thế từ hai phía khác nhau cùng lúc để thúc đẩy các lợi ích quốc gia của Philippines”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.