Hành trình xuyên đại dương của internet hiện đại ra sao?

01/06/2020 18:46 GMT+7

Mọi người thường nghĩ dữ liệu được chuyển và lưu trữ trên các “đám mây” (cloud) nhưng thực tế không phải vậy. Đại dương mới là ngôi nhà thực sự của internet và dữ liệu.

Internet gồm vô vàn Bit lập trình chuyện động quanh thế giới không ngừng, chạy xuyên suốt qua những sợi dây chỉ mảnh như sợi tóc dưới các đáy đại dương. Trên thế giới có hơn 1,2 triệu km cáp đang hoạt động để kết nối các lục địa với nhau, phục vụ nhu cầu liên lạc, giao tiếp và giải trí không giới hạn của con người.
Về phía các công ty, họ tập hợp nguồn lực trong các dự án cáp dưới đáy biển, như một xa lộ để tất cả cùng chia sẻ với nhau.
“Người ta thường nghĩ dữ liệu ở trên mây nhưng không phải vậy. Dữ liệu đang dưới đáy đại dương”, Jayne Stowell - chuyên gia giám sát việc triển khai dự án cáp dưới biển của Google cho hay.
Việc đưa cáp xuống biển là cả một quá trình đòi hỏi sự chính xác và tiêu tốn thời gian. Sẽ có những con tàu phụ trách công việc này ngoài đại dương, nhưng trước đó, các sợi cáp sẽ được sản xuất bởi hàng loạt máy móc chuyên dụng trong những nhà máy có đủ chuyên môn.
Sợi cáp biển có lõi là cụm sợi nhỏ bằng vật liệu thủy tinh. Thông qua “con đường” bằng thủy tinh này, tín hiệu laser đẩy dữ liệu xuống các luồng với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng nhờ công nghệ sợi quang. Sau khi tới đất liền và kết nối vào một mạng lưới có sẵn, lượng dữ liệu cần thiết (để đọc email hay mở trang web) sẽ được đưa vào thiết bị của người dùng.
Ngày nay, đa phần người dùng trải nghiệm internet thông qua kết nối không dây (Wi-Fi hay mạng dữ liệu di động) thì các hệ thống này cuối cùng vẫn liên kết với những sợi cáp đang mang thông tin đi khắp các châu lục hay đại dương.
Để đảm bảo an toàn, cáp quang biển được bao bọc bởi nhiều lớp vật liệu siêu chịu lực khác nhau và có kích thước không giống nhau, tùy thuộc vào nơi đặt cáp thiết kế. Mỗi tuyến cáp sẽ cần khoảng một năm để lập kế hoạch nhằm tránh hoặc giảm thiểu các rủi ro dưới đáy biển. Tuy vậy, cáp vẫn phải chịu tác động ngoại quan như dòng chảy, trượt đá, động đất hay tai nạn do tàu đánh cá gây ra (thả lưới hoặc neo tàu trúng cáp…). Tuổi thọ thiết kế của mỗi sợi cáp là khoảng 25 năm.
Durable là một trong những tàu kéo cáp biển chuyên dụng, dài gần 140 mét. Chiếc tàu này có thể mang khoảng 6.437 km cáp, với trọng lượng toàn tải khoảng 3.500 tấn. Bên trong tàu, các công nhân quấn cáp vào bể chứa. Dù họ làm việc không ngơi tay, phải mất khoảng 4 tuần thì công nhân mới xếp đủ hết số cáp cần thiết để Durable có thể ra khơi làm nhiệm vụ.

Durable, một trong những con tàu thi công cáp biển đang hoạt động

Ảnh: John Regan

Con tàu này có tới 53 phòng ngủ, 60 phòng tắm và sức chứa tối đa 80 thủy thủ. Cả đội chia làm 2 ca làm việc kéo dài 12 giờ. Nhu yếu phẩm trên tàu mang theo trong mỗi chuyến hải trình đủ dùng tối thiểu 60 ngày, gồm 200 ổ bánh mì, gần 380 lít sữa, nhiều nghìn trứng tươi, hơn 360 kg thịt bò, 550 kg thịt gà và gần 820 kg gạo. Trên tàu có khoảng 300 cuộn giấy thường, 500 cuộn giấy vệ sinh, 700 bánh xà phòng và hơn 270 kg bột giặt (hoặc nước giặt). Tất nhiên toàn bộ đồ uống có cồn đều bị cấm đưa lên tàu.
Thời tiết luôn là vấn đề của mỗi chuyến ra khơi và bão tố là điều khó tránh khỏi. Bão biển với những con sóng cao tới hơn 60 mét ập tới sẽ khiến thuyền trưởng phải yêu cầu cắt đoạn cáp đang triển khai để tàu có thể di chuyển tới vùng nước an toàn hơn. Khi thời tiết cải thiện, con tàu sẽ trở lại vị trí cũ, kéo lại sợi cáp đã cắt lên phao nổi và đội thợ sẽ tiến hành nối lại trước khi tiếp tục thả những mét cáp khác xuống biển.
Công việc trên tàu có thể nói là chậm chạp và nặng nề. Con tàu sẽ phải lênh đênh trên biển nhiều tháng trời, di chuyển với tốc độ gần 10 km/giờ vì phải vừa đi vừa thả cáp xuống đúng kế hoạch. Càng gần phía bờ, nguy cơ hư hại càng cao nên một loại “máy cày” dưới biển sẽ được sử dụng để chôn cáp dưới thềm đại dương.
Công nghệ truyền tín hiệu không dây và vệ tinh được phát minh và sử dụng từ mấy thập kỷ, nhưng cáp vẫn là phương thức cho tốc độ nhanh, hiệu quả, ổn định và ít tốn kém nhất để đưa thông tin xuyên qua các đại dương.

Tàu thi công tuyến cáp quang tốc độ cao nối Singapore và Pháp

Ảnh: AFP

Trong khoảng một thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ bắt đầu nắm kiểm soát một số tuyến cáp biển. Google đã hỗ trợ ít nhất 14 tuyến cáp toàn cầu. Amazon, Facebook, Microsoft cũng đầu tư vào nhiều tuyến khác, kết nối trung tâm dữ liệu ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Phi, theo dữ liệu từ công ty khảo sát TeleGeography.
Nhiều quốc gia xem tuyến cáp biển là cơ sở hạ tầng quan trọng và các dự án trở thành điểm sáng trong tranh chấp địa chính trị. Năm 2018, Úc can thiệp để ngăn công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc xây dựng tuyến cáp nối Úc với quần đảo Solomon vì lo sợ việc này sẽ cấp cho Bắc Kinh một lối vào mạng lưới của họ.
Theo The New York Times, nhu cầu sử dụng cáp quang dưới biển tăng vì ngày càng nhiều vấn đề phụ thuộc vào dịch vụ điện toán đám mây. Các công nghệ hiện đại với sức mạnh to lớn hơn như trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự hành… sẽ đòi hỏi tốc độ truyền dữ liệu cao hơn. Nhiều khu vực chưa từng tiếp cận internet thì nay cũng bắt đầu truy cập vào mạng lưới dữ liệu toàn cầu. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, hiện có hơn một nửa dân số toàn cầu đã trực tuyến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.