Hành trình vì biển đảo quê hương

17/05/2010 22:11 GMT+7

Nhiều bạn trẻ tham gia “Hành trình vì biển đảo quê hương năm 2010” đã chụp hình, quay phim biển, đảo thật nhiều để đưa lên internet giới thiệu với bạn bè thế giới.

“Hành trình vì biển, đảo quê hương năm 2010” do T.Ư Đoàn tổ chức diễn ra trong 10 ngày, hành quân qua 8 điểm đảo, nhà giàn thăm hỏi và giao lưu với quân dân ở đảo, để lại ấn tượng khó phai trong lòng mỗi bạn trẻ về Trường Sa.

“Sau 40 giờ 16 phút lênh đênh trên biển, tàu HQ 957 cập đảo Trường Sa Lớn - điểm dừng chân đầu tiên của chuyến hành trình, vào lúc bình minh”. Mai Thị Yến Oanh - Q.Bình Thạnh, TP.HCM cẩn thận lưu lại khoảnh khắc này trong máy điện thoại di động để làm kỷ niệm khi đặt chân tới Trường Sa và khi trở về sẽ giới thiệu cho nhiều bạn bè biết về biển, đảo quê hương.

Chia sẻ kỷ niệm sâu sắc nhất trong chuyến hành trình, Oanh say sưa kể về một bữa cơm tự tay chuẩn bị cho các chiến sĩ ở một tiểu đoàn hải quân trên đảo Trường Sa Lớn. Thức ăn hôm ấy chỉ có cá và rau muống. Gia vị không phong phú như ở nhà, nhưng Oanh đã khéo léo chia nhỏ số thức ăn thành hai phần khác nhau, mỗi loại chế biến theo hai khẩu vị, mặn cho người miền Trung và miền Bắc, còn vị ngọt dành riêng cho người miền Nam. Thành viên dự bữa cơm hôm ấy ai cũng rưng rưng cảm động trước cử chỉ ân tình, chu đáo này. Thời gian lưu lại đảo không nhiều, Oanh kịp ghi chép lại địa chỉ đơn vị, số điện thoại của những người lính chuẩn bị về đất liền nghỉ phép. Công tác truyên truyền về biển, đảo hiệu quả nên bắt đầu từ những nhân vật, câu chuyện sinh động và có thật. Chính vì thế, Oanh sẽ mời họ tham gia giao lưu, chia sẻ câu chuyện về thời gian công tác trên quần đảo Trường Sa cho thanh niên trong quận.

Dịp này, Báo Thanh Niên đã trao tặng cho tập thể cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa 11 bộ máy in, tổng trị giá hơn 50 triệu đồng.

Cũng trong chuyến hành trình, Phạm Thị Xuân - Tiên Lãng, Hải Phòng, là người hạnh phúc nhất. Ở điểm đảo nào, Xuân cũng có đồng hương, đặc biệt nhất là cuộc hội ngộ bất ngờ với Hoàng Thế Thuấn đang làm nhiệm vụ tại đảo Tốc Tan. Một năm trước, Xuân trực tiếp động viên chàng trai này trước giờ lên đường nhập ngũ. Gặp bất kỳ ai, Xuân lấy máy ảnh chụp lại chân dung từng người, trở về nhà sẽ phóng ảnh mang tặng thân nhân lính đảo. Cử chỉ tuy nhỏ nhưng cô gái đất cảng này tin rằng, những bức hình chụp từ nơi đảo xa sẽ làm ấm lòng người hậu phương. Bên cạnh đó, bộ sưu tập ảnh này sẽ là tư liệu sinh động về ý chí của những người lính hải quân bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. “Thông qua hành trình, thanh niên Việt Nam muốn khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước với bạn bè thế giới; thể hiện sự đồng hành của tuổi trẻ với khu vực khó khăn của đất nước”, Xuân nói.

Là người từng đưa rất nhiều đoàn công tác ra thăm Trường Sa, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân - đại tá Đinh Gia Thật cực kỳ ấn tượng với đoàn đại biểu “Hành trình vì biển đảo quê hương năm 2010”, bởi tinh thần nhiệt tình, sôi nổi ở mỗi bạn trẻ. Theo ông Thật, đây là đoàn hành trình sở hữu danh hiệu “ba nhất”: tuổi đời trẻ nhất (thành viên trẻ tuổi nhất mới 19 tuổi - PV); có nhiều tỉnh, thành tham gia nhất; hoạt động với tinh thần sôi nổi và quyết tâm cao nhất.

Cũng theo ông Thật, không phải thanh niên nào cũng hiểu được tầm quan trọng của biển đảo. Công tác tuyên truyền cho giới trẻ cần thiết phải đổi mới, góp phần tạo ra sức mạnh đoàn kết, tập thể góp phần bảo vệ và gìn giữ chủ quyền biển, đảo. “Ngoài sự thăm hỏi, động viên, thanh niên nên bắt đầu từ những việc làm cụ thể, nuôi dưỡng ước mơ hoài bão, sẵn sàng gánh vác việc lớn, làm cho đất nước giàu hơn từ biển, mạnh hơn từ đảo”, ông Thật nhắn nhủ.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh mong muốn: “Đại biểu tham gia hành trình là những thanh niên ưu tú, trở về địa phương họ sẽ là những báo cáo viên, tuyên truyền viên tích cực làm thay đổi nhận thức của thanh niên về ý nghĩa, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam”. 

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.