Hành trình trở về từ cửa tử của bệnh nhân nhiễm Covid-19

24/08/2021 11:00 GMT+7

“Lúc đã về đến nhà, nhìn thấy chồng và hai con, mình mới tin là đã đi qua cửa tử. Cả gia đình chúng tôi vừa đi qua một trải nghiệm nhớ đời”, chị N.T.T nói sau khi vượt qua được dịch bệnh Covid-19 .

Ngày 12.7, trong đợt xét nghiệm cộng đồng, chị N.T.T phát hiện mình là F0. Sau đó, hai con là Q.T, 12 tuổi (Bun) và T.V, 9 tuổi (Bo) cũng được công bố nhiễm dịch bệnh Covid-19. Chị T. được đưa đi điều trị 26 ngày tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với 14 ngày thở oxy, còn Bun, Bo điều trị ở Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2, Thủ Đức.

Những ngày mê man, may mắn có ... “ánh sáng”

Chiều ngày 17.7, chị T. được nhân viên y tế đưa tới bệnh viện khi tình hình trở nặng, sốt 40 độ, ho ra máu, cơ thể mệt mỏi, khó thở và mất vị giác. Lúc này, Bo là con trai thứ hai của chị cũng sốt cao, đau đầu và xuất hiện vài cơn ho kéo dài.

Kết quả âm tính với Covid-19 chị T. được ra viện

“Tôi ngồi trên cái ghế nhựa gần cửa, cố gắng mặc đồ bảo hộ vào nhanh chóng. Bun đứng chân cầu thang nhìn mẹ, rồi lại quay sang nhìn em đang mê man trên giường nhỏ cạnh bên. Lúc đó, tôi chỉ muốn chạy lại ôm chầm lấy hai đứa, nhưng không thể…”, chị T. nhớ lại.
Không khí nặng nề ở buồng bệnh, khu A, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, khiến chị lo lắng với nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải thở máy, đầy dây dở xung quanh. “Tôi phần vừa mệt, vừa sợ những gì đang xảy ra trước mắt, phần nữa nhớ, lo cho hai con ở nhà nên người cứ run lên. Bác sĩ dường như cảm nhận được sự sợ hãi nên nhẹ nhàng trấn an, động viên”, chị kể.
Thêm vào đó, chị T. cùng lúc nhiễm sốt xuyết huyết nên cạn kiệt sức dần. Ba ngày sau khi vào viện, chị được chỉ định thở oxy và phải sử dụng bỉm vì không còn đủ sức di chuyển. Mỗi ngày với chị trở nên dài hơn, nỗi nhớ con, cùng những cơn ho, khó thở kéo dài đã khiến chị đi vào nhiều cơn mê sảng. Thế nhưng, nghị lực của một người mẹ đã không cho phép chị bỏ cuộc, chị cố gắng luyện tập hít thở theo sự hướng dẫn của bác sĩ, cố gắng ăn, uống thuốc đầy đủ để có thể mau chóng trở về chăm sóc cho các con.
“Trong những cơn mê, tôi tưởng mình đã chết, chỉ đến khi được gọi, vỗ vào người mới biết mình vẫn còn… sống. Chồng tôi báo tin đã về được Sài Gòn, hai con cũng đã ổn dần, và nhìn thấy nghị lực của các bệnh nhân khác, đặc biệt là sức mạnh tinh thần từ các y bác sĩ, họ không bỏ rơi bất kỳ một bệnh nhân nào. Tất cả như những viên vitamin khổng lồ, khiến tôi càng không cho phép mình bỏ cuộc”, chị nhớ lại.

Cảm phục tấm lòng y đức

26 ngày ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị Covid-19 là những ngày chị khó có thể quên hình ảnh của các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ở đây là khu vực bệnh nhân nặng, do đó bị hạn chế sự hỗ trợ của các ban ngành khác, lực lượng y tế một mình gánh vác. Họ vừa chữa bệnh, vừa kiêm luôn nhiệm vụ hỗ trợ bệnh nhân, dọn dẹp phòng.
“8 giờ mỗi sáng, các bác sĩ, y tá trong nhiều lớp bảo hộ sẽ thăm khám, chích thuốc cho bệnh nhân ở buồng chúng tôi và cả các buồng khác. Không chỉ thế, họ còn giúp bệnh nhân lấy cơm, vứt rác, thậm chí, nhiều bệnh nhân nặng phải cần thay tã bỉm, dọn dẹp vệ sinh, họ đều làm hết”, chị T. nói.
“Khi bắt đầu thở oxy và phải sử dụng bỉm vì không đủ sức để di chuyển. Trong lúc mê man, có một người mang bỉm tới, loáng thoáng nghe thấy hỏi có cần giúp mặc không, tôi lắc đầu, cũng chẳng kịp nói cảm ơn, dáng người nhỏ bé ấy mờ dần. Khi ổn hơn, tôi mới biết chính bác sĩ điều trị Covid-19 là người đã mang bỉm vào cho mình, cùng những cảnh này, tôi không thể kìm được nước mắt, các y bác sĩ quá tuyệt vời”, chị cho biết thêm.
Trong khoảng thời gian ấy, không ít lần chị vô tình nghe được những tiếng thở dài sau lớp màn chắn giọt bắt, khẩu trang, mọi người đều rất mệt, thế nhưng chẳng một lời than vãn hay cáu gắt với bệnh nhân Covid-19. Chỉ cần tín hiệu có ca trở nặng, họ nhanh chóng chạy tới và nhiều người cũng bỏ quên hộp cơm của mình, đợi khi bệnh nhân đã ổn, mới có thể dùng bữa cơm đã nguội.

Gia đình chúng tôi đã bình an trở về

Nhờ sự tận tình của các bác sĩ, cùng nghị lực của mình, tình trạng sức khỏe của chị T. ổn định dần, các cơn sốt, ho giảm bớt. Ngày 3.8 chị không còn phải phụ thuộc máy thở, đây là kết quả đáng mừng trong hành trình chiến đấu với Covid-19 của chị.
Sau 8 ngày được tiếp tục theo dõi, chăm sóc tại bệnh viện, chị T. được các bác sĩ cho ra viện khi kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với Covid-19, sức khỏe tiến triển tốt.
“Lúc đó, tôi nghĩ ngay đến cảnh được ôm hai con vào lòng sau những ngày chiến đấu với Covid-19 để trở về bình an. Tôi và các con đều đã rất dũng cảm, và sự dũng cảm đó cũng nhờ rất nhiều vào sự động viên, chăm sóc của các y bác sĩ”, chị nói.
Trước đó 10 ngày, hai bé Bun và Bo đã được về nhà với bố, các con đều đã hết các triệu chứng bệnh và được xét nghiệm âm tính. Giờ đây, cả gia đình chị đã được ở cùng nhau trong chính ngôi nhà của mình. Còn 5 ngày nữa là hết 14 ngày tự cách ly theo hướng dẫn của bác sĩ, ước mong được ôm các con của chị sẽ trở thành hiện thực. Ba mẹ con chị đã chiến thắng trong trận chiến Covid-19 khi không có người thân chăm sóc cạnh bên.
“Tôi chỉ hy vọng nếu các bạn có bị nhiễm Covid-19, thì hãy bình tĩnh, đừng bi quan, lo lắng quá mức. Điều cần thiết, các bạn cần ăn uống đủ chất, không được bỏ bữa. Sau hành trình này, tôi cảm nhận được rõ tấm lòng y đức, sự quan tâm của chính quyền đến mỗi người dân. Và tôi cũng biết Bun và Bo trưởng thành hơn, các con có thể chăm sóc tốt cho nhau khi không có ba mẹ bên mình”, chị bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.