Hành trình trở lại của những cuốn nhật ký

06/02/2024 15:38 GMT+7

Cuộc hội kiến ngày 11.9.2023 giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Joe Biden đã chứng kiến lãnh đạo Hội Cựu chiến binh, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Mỹ trao tặng các kỷ vật chiến tranh giữa hai bên.

Hành trình cuốn nhật ký về với chủ nhân

Trong buổi lễ trao tặng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện (khi đó 77 tuổi) đã nhận lại cuốn nhật ký của mình sau 56 năm thất lạc. Ông Thiện từng thuộc biên chế Đại đội 2, Tiểu đoàn Phòng không 56, Trung đoàn Pháo binh 69 (Đoàn Pháo binh Biên Hòa).

Hành trình trở lại của những cuốn nhật ký- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Joe Biden chứng kiến lãnh đạo Hội Cựu chiến binh, Bộ Quốc phòng Việt Nam và phía Bộ Quốc phòng Mỹ trao tặng các kỷ vật chiến tranh giữa hai bên ngày 11.9.2023

Đậu Tiến Đạt

Từ ngày 6.10.1965, ông Thiện lúc đó 17 tuổi, bắt đầu viết những trang nhật ký đầu tiên trên đường hành quân vào Nam. Tên cuốn nhật ký cũng đơn giản chỉ 4 chữ "Nhật ký - Lương Thiện". Vì để giữ bí mật nên ông chỉ viết những dòng ngắn gọn, không nêu địa điểm hay diễn biến sự kiện cụ thể.

Năm 1967, tại Tây Ninh, trong một trận càn (ở xã Suối Dây, H.Tân Châu, Tây Ninh ngày nay) mà phía Mỹ gọi là chiến dịch Junction City, ông Thiện đã bị thất lạc cuốn nhật ký. Một người lính Mỹ đã nhặt được nó vào ngày 25.3.1967 và theo quy định, người này phải nộp lại cho chỉ huy để đưa về nước.

Hơn nửa thế kỷ sau, cuốn nhật ký được trả về cho tác giả nhờ vào manh mối duy nhất, đó là trang nhật ký về người đồng đội Nguyễn Văn Xuân đã hy sinh vào năm 1966. Trong một nghiên cứu về thời chiến, nhóm chuyên gia của Đại học Harvard (Mỹ) đã nỗ lực sử dụng kỹ thuật hiện đại để khôi phục các trang giấy bị hư hại theo thời gian và truy xuất nguồn gốc của cuốn nhật ký. Cuối cùng, qua đối chiếu dữ liệu, họ đã tìm được địa chỉ rồi về đến tận quê nhà của liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân.

Người con gái của liệt sĩ đã cho nhóm chuyên gia biết cuốn nhật ký này là của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện. Sau đó, nhóm nghiên cứu tiến hành xác minh thêm với Hội Cựu chiến binh H.Tiền Hải (Thái Bình) và đến phỏng vấn ông Thiện vào năm 2022.

Lúc bấy giờ, người cựu chiến binh kể lại hoàn cảnh viết trang nhật ký với nội dung: "Ngày 19.2, tức 24.1 âm lịch, một ngày đau khổ nhất vì một người anh, một người đồng chí của tôi hy sinh trên bước đường công tác. Anh Nguyễn Văn Xuân, thôn Đông Quách, xã Nam Hà, H.Tiền Hải, Thái Bình". Ông Thiện cho biết thêm trung đội trưởng Nguyễn Văn Xuân là người cùng quê, cùng lên đường nhập ngũ và cùng "vào sinh ra tử". Đến nay, mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân vẫn chưa được tìm thấy. "Trong một lần làm nhiệm vụ ở Kon Tum, anh Xuân không may bị sốt rét ác tính rồi ra đi, tôi không kịp nhìn mặt lần cuối", ông Thiện xúc động nói.

"Cả đêm sau khi nhận lại cuốn nhật ký, tôi đã không ngủ được và hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu ở chiến trường. Đối với tôi, kỷ vật chiến trường của cựu binh hay liệt sĩ đều là sự thiêng liêng còn lại mà không thể diễn tả bằng cảm xúc", ông chia sẻ.

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Harvard, việc trao trả lại cuốn nhật ký cho ông Thiện sau 56 năm không chỉ mang lại ý nghĩa lớn về mặt tinh thần đối với tác giả và gia đình mà còn góp phần thúc đẩy quá trình hàn gắn giữa Việt Nam và Mỹ. Đặc biệt hơn, cuốn nhật ký có thể được xem là nguồn cứ liệu để các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu nhằm cung cấp thông tin về nơi chôn cất của liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân.

Kỷ vật duy nhất còn lại của liệt sĩ

Một cuốn nhật ký khác cũng được trở về với gia đình liệt sĩ sau 56 năm lưu lạc. Đó là buổi sáng 5.3.2023, cựu binh Peter Mathews có mặt tại UBND xã Kỳ Xuân (H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để trao trả kỷ vật cho gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất. Lễ tiếp nhận kỷ vật của liệt sĩ Tuất do UBND H.Kỳ Anh chủ trì phối hợp với ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh và người thân của liệt sĩ.

Hành trình trở lại của những cuốn nhật ký- Ảnh 2.

Cựu binh Peter Mathews trao tận tay cuốn nhật ký cho thân nhân liệt sĩ Cao Văn Tuất ngày 5.3.2023

Phạm Đức

Cuối năm 1967, ông Mathews tham gia chiến dịch ở Đăk Tô (Kon Tum) và tìm thấy cuốn sổ nhỏ trong ba lô của chiến sĩ bộ đội Việt Nam dưới chân đồi 724. Ông quyết định giữ lại mà không nộp cho chỉ huy như quy định.

"Khi mở cuốn nhật ký ra, tôi rất ấn tượng trước những trang đầy hình ảnh minh họa đủ màu sắc, âm nhạc và thơ ca. Nghĩ rằng đây cũng chỉ là một cuốn sổ ghi chép thông thường, không có giá trị về tình báo, nên tôi quyết định mang về nhà", người cựu binh chia sẻ.

Khi trở về Mỹ, đã có lúc ông Mathews muốn đốt cuốn nhật ký do những ám ảnh về cuộc chiến. Tuy nhiên, ông quyết định bảo quản nó trong một chiếc hộp cùng với bộ quân phục và những tấm huân chương. "Từng có người muốn mua lại cuốn nhật ký, nhưng tôi cảm thấy mình không có quyền bán. Tôi tự xem mình như một người chăm sóc, có trách nhiệm bảo quản cuốn nhật ký để một ngày nào đó trả lại cho chủ nhân thực sự", ông cho biết.

Trong dịp đến nhà một người bạn và nhìn thấy chiếc nón lá Việt Nam, ông Mathews chợt nhớ tới cuốn nhật ký dày 100 trang được cất giữ nhiều thập niên qua. Lúc đó, người cựu binh bỗng nhiên muốn tìm một người gốc Việt để dịch nội dung cuốn nhật ký.

"Nhờ vậy, tôi mới biết những trang nhật ký này nói về gia đình, mối tình của liệt sĩ Cao Văn Tuất, nhiều bài thơ mà anh ấy viết cho thấy lòng yêu nước thiết tha của người bộ đội. Trong một bài thơ, liệt sĩ Tuất viết: "Đất nước tươi đẹp, núi non, chim hót, chờ xuân mà ngủ bên súng". Hiểu được nội dung, tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải trả lại cuốn nhật ký", cựu binh Mỹ xúc động chia sẻ.

Trong nhật ký có ghi tên của người viết là Cao Văn Tuất, quê H.Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Dựa vào thông tin này và sau nỗ lực xác minh của mình cùng sự giúp đỡ của nhiều người, ông Peter Mathews đã có thể xác định chủ nhân kỷ vật mà ông giữ hơn nửa thế kỷ qua là liệt sĩ Cao Văn Tuất. Đầu tháng 3.2023, ông cùng vợ đến Hà Tĩnh để tận tay trao trả cho gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất.

Không giấu được sự xúc động, bà Cao Thị Nồng (79 tuổi, em gái liệt sĩ Tuất) bồi hồi chia sẻ "nhìn thấy kỷ vật cuốn nhật ký như nhìn thấy anh trai trở về", còn người cựu binh Mỹ bày tỏ: "Tôi cảm thấy rất nhẹ lòng, nhẹ nhõm khi thực hiện được sứ mệnh của mình là trao trả lại cuốn nhật ký cho gia đình liệt sĩ. Kể từ khi đặt chân tới Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, tôi cảm thấy rất ấn tượng vì một đất nước hòa bình, đang phát triển hòa bình và rất hiếu khách".

Đến nay, gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất vẫn chưa tìm thấy mộ ông nên cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của liệt sĩ. "Thông qua những gì viết trong cuốn nhật ký, tôi nghĩ rằng gia đình liệt sĩ có thể cảm nhận được những điều ông ấy đã trải qua", ông Mathews chia sẻ.

Xây dựng lòng tin từ ký ức

Trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9.2023, hai bên hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ trong khắc phục hậu quả chiến tranh, coi đây là ưu tiên trong quan hệ hai nước, giúp xây dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Trao trả các kỷ vật của cựu binh, liệt sĩ cũng là một phần trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, đồng thời là yếu tố giúp kéo hai nước lại gần nhau hơn, hàn gắn một số vết thương trong chiến tranh giữa hai dân tộc.

Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, việc trao tặng các kỷ vật chiến tranh giữa hai bên là hành động có tính biểu tượng và nhân văn sâu sắc. Hai bên cùng nhất trí nỗ lực hàn gắn hậu quả chiến tranh và thảo luận về tầm quan trọng tiếp tục công việc này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.