'Đại sứ nhân dân' Hàn - Việt:

Hành trình hy vọng và tri ân Việt Nam của Chủ tịch Trường Quốc tế Hàn Quốc

22/05/2023 12:02 GMT+7

Đối với ông Choi Bundo, Việt Nam là mảnh đất của hy vọng, của sự hồi sinh, phát triển và thịnh vượng, là nơi gia đình ông thuộc về và tri ân.

Nhờ vào sự giới thiệu của Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM, PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với ông Choi Bundo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) tại miền Trung và miền Nam Việt Nam. Ông hiện là Chủ tịch Trường Quốc tế Hàn Quốc (Q.7, TP.HCM) và là tổng giám đốc PTV Group chuyên về các dịch vụ hải quan, kho bãi, vận chuyển, tư vấn xuất nhập khẩu. 

Ít ai biết, cách đây hơn 20 năm, ông Choi từng đối mặt với thách thức lớn nhất của đời mình.

Đến Việt Nam với 10.000 USD

Ông Choi kể lại nhân duyên với Việt Nam bắt đầu từ năm 1995, thời điểm ông ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị chữa cháy cho một công ty con của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro. Nhờ sự liên hệ đó, ông không ít lần đến Việt Nam. Cùng năm, Hàn Quốc bắt đầu manh nha các dấu hiệu khủng hoảng kinh tế và đỉnh điểm chính là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Quốc gia Đông Á nằm trong số những nước hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khủng hoảng này. Ông Choi cảm thấy vô cùng bất lực khi nhận ra chẳng còn cách nào khác để vực dậy công việc kinh doanh ở Hàn Quốc.

Ông Choi Bundo trên cương vị Chủ tịch Trường Quốc tế Hàn Quốc

NVCC

Trong tình thế ngặt nghèo đó, nhờ vào trực giác nhạy bén, ông Choi cho rằng có lẽ Việt Nam là lối thoát duy nhất. Năm 2002, lúc 35 tuổi, ông quyết định đưa gia đình đến Việt Nam tìm kiếm một khởi đầu mới. Với vỏn vẹn 10.000 USD, ông quay lại công việc quen thuộc là kinh doanh thiết bị chữa cháy xuất xứ Hàn Quốc. Trong khi mọi thứ vẫn chưa kịp khởi sắc, các sản phẩm Trung Quốc bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở thị trường Việt Nam, với chi phí thấp hơn sản phẩm cùng loại mà ông cung cấp. Công việc của ông Choi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, buộc ông đưa ra quyết định khó khăn là ngừng hẳn việc kinh doanh sản phẩm này vào cuối năm 2003.

Bị đẩy vào tình thế gần như trắng tay, ông Choi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc và quay về Hàn Quốc. Thế nhưng, vợ con ông không đồng ý và cương quyết ở lại Việt Nam. Trong lúc tình cảnh éo le, ông Choi bất ngờ phát hiện hướng đi mới và chuyển sang cung cấp dịch vụ hải quan, vận chuyển, hậu cần cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư vào thị trường Việt Nam lúc đó. Tháng 8.2004, công ty PTV được thành lập ở TP.HCM, mở đường cho sự phát triển ngày càng lớn mạnh của PTV Group sau này. Hiện PTV có khoảng 400 - 500 khách hàng lớn từ Hàn Quốc, và mở rộng sang các lĩnh vực như thương mại, dịch vụ chuyển hàng, tư vấn dịch vụ, bảo hiểm.

Trải nghiệm độc nhất vô nhị

Trong quá trình đầu tư và phát triển ở Việt Nam, ông Choi không thể nào quên chuyến đi đầy sóng gió đến cửa khẩu Lạng Sơn. Lúc đó vào cuối năm 2009 đầu năm 2010, ông tiếp nhận đơn hàng đưa hóa chất dễ cháy nổ từ Thượng Hải đến nhà máy của khách hàng ở miền Nam trong thời gian ngắn nhất để kịp thời đưa vào dây chuyền sản xuất. Phương án vận chuyển đường biển lẫn đường hàng không đều không khả thi trong trường hợp này. Ông chỉ còn cách chọn vận chuyển bằng đường bộ và đích thân ông dẫn theo các tài xế của công ty lên đường đến điểm hẹn ở biên giới Việt - Trung.

Khi xe tải ở phía Trung Quốc vận chuyển hàng đến cửa khẩu Lạng Sơn, ông Choi không dự tính được nơi này không có thiết bị để chuyển hàng từ xe này sang xe khác. Trời thì mưa tầm tã, nền đất ở cửa khẩu lại ướt nhoẹt. Trong tình cảnh gian nan, một lần nữa ông nhanh chóng đưa ra đối sách là thuê thêm một xe để làm trung gian chuyển hàng và... đã thành công.

Người ươm mầm tương lai Hàn-Việt - Ảnh 4.

"Người lao động Việt có lợi thế hơn so với khu vực", ông Choi đánh giá

Sau khi thở phào nhẹ nhõm, ông và các tài xế lên đường về TP.HCM. Thế nhưng, một lần nữa sự cố phát sinh. Đến địa phận Đà Nẵng, xe không thể leo đèo do trọng tải quá lớn. Chiếc xe chỉ có thể nhích từng chút và mất nhiều thời gian để có thể vượt đèo. Vấp phải nhiều trở ngại gây trì hoãn, đoàn của ông Choi phải mất đến 80 tiếng mới đến TP.HCM thay vì 50 tiếng như dự kiến trước đó. May mắn là hàng cũng được giao kịp đến nhà máy của đối tác trước 2 tiếng so với thời gian ấn định trong hợp đồng.

"Ước tính mỗi ngày giao trễ phía nhà máy sẽ tổn thất khoảng 600.000 USD. Đó là chưa kể chi phí xử lý khoảng 200.000 USD trong trường hợp xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất trên đường đi", ông Choi nhớ lại. Thế nhưng, cũng thông qua chuyến đi này, ông tự hào có được trải nghiệm độc nhất vô nhị trong cộng đồng người Hàn ở Việt Nam. "Nhờ thế, tôi cũng nghiên cứu và nắm rõ đường đi nước bước từ Lạng Sơn đến TP.HCM", ông kể.

Người ươm mầm tương lai Hàn-Việt - Ảnh 6.

Ông Choi Bundo đảm nhận vai trò Chủ tịch KOCHAM tại miền Trung và miền Nam Việt Nam

NVCC

Lao động Việt là chìa khóa của thành công

Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, là nơi quy tụ đông đảo cộng đồng Hàn Quốc, với khoảng 150.000 người Hàn trên toàn quốc. Ông Choi tiết lộ Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm chung về văn hóa và đời sống. Trong gia đình, con cái kính trọng cha mẹ, còn cha mẹ dành mọi thứ cho con cái, xem trọng sự giáo dục đối với đời sau. Văn hóa cũng thể hiện qua bữa cơm gia đình với những nét tương đồng của cả 2 dân tộc.

Ông Choi cũng đề cập một yếu tố thú vị khác về người Việt mà ông quan sát được. Mỗi ngày, ông thấy người Việt đã thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng, chăm chỉ, cần mẫn với công việc, giống như hình ảnh của người Hàn Quốc. Sau chiến tranh, đất nước Hàn Quốc lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhiều người phải thức dậy từ rất sớm và tìm kiếm mọi cơ hội việc làm. Nhờ vào sự kỷ luật và ý chí kiên định, người Hàn cùng nhau nỗ lực để vực dậy đất nước và đạt được phép màu kinh tế. Và giờ đây ông lại thấy hình ảnh này tái hiện ở người Việt.

Việt Nam là nơi vực tôi dậy, là nơi có những bàn tay chìa ra với tôi trong lúc khó khăn, là nơi mang đến sự ấm áp, là nơi ươm mầm nhiệt huyết cho tôi.

Ông Choi Bundo

Bên cạnh đó, ông Choi đánh giá người lao động Việt có lợi thế hơn so với khu vực. Theo nhận định của ông, lao động Việt có thói quen quan sát và rút kinh nghiệm trong lúc làm việc, từ đó dẫn đến năng suất cao hơn và có trách nhiệm hơn với việc mình đang làm. Người Việt cũng có tiềm năng và tố chất, nhờ vào sự xem trọng đầu tư vào giáo dục con cái trong mỗi gia đình.

Một điểm khác là người Việt rất cởi mở trong việc đón nhận cái mới, với tâm thái rộng rãi, hào sảng và công nhận sự khác biệt của dân tộc khác. Người Việt tiếp nhận cái mới và dễ dàng dung nạp sự mới mẻ. Có thể nói, đối với người Việt, không hề có rào cản trong việc tiếp nhận những người khác biệt.

"Tôi muốn gửi tặng món quà cho các thế hệ tương lai"

Bên cạnh việc làm ăn kinh doanh của bản thân, ông Choi muốn đóng góp cho cộng đồng và trả ơn mảnh đất đã cưu mang gia đình mình hơn 20 năm qua. Ông tiếp nhận vị trí Chủ tịch KOCHAM tại miền Trung và miền Nam Việt Nam từ đầu năm 2023, hiệp hội có khoảng 800 thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Trên vai trò này, ông kết nối giữa chính quyền địa phương và giới doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, tháo dỡ những vướng mắc và tạo điều kiện cho hai bên cùng có lợi.

Còn lý do ông tiếp nhận vị trí Chủ tịch Trường Quốc tế Hàn Quốc là muốn xây dựng ngôi trường Hàn với văn hóa khác biệt hơn. Trường đặt mục tiêu cung cấp chất lượng giáo dục của Hàn Quốc, mang theo bản sắc Việt và tạo ra những công dân toàn cầu. "Bản thân ngôi trường chính là cầu nối giữa hai nền văn hóa. Nếu làm tốt, hòa quyện tốt, chúng tôi sẽ có thể tạo nên nguồn cung cấp nhân lực cho cả hai xã hội Việt - Hàn", ông nói.

Một điều cần lưu ý là khoảng 40% số học sinh theo học Trường Quốc tế Hàn Quốc là con cái gia đình Hàn - Việt. Khuôn viên trường hiện tại không đủ tiếp nhận thêm khoảng 200 em có nhu cầu nhập học. Cùng với Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc ở TP.HCM, ông Choi đặt mục tiêu mở rộng diện tích trường, sau khi thuyết phục được một nhà hảo tâm hiến mảnh đất kế bên. Nếu mở rộng thành công, trường có thể tiếp nhận thêm 600 em/năm.

"Việt Nam là nơi vực tôi dậy, là nơi có những bàn tay chìa ra với tôi trong lúc khó khăn, là nơi mang đến sự ấm áp, là nơi ươm mầm nhiệt huyết cho tôi. Vì thế những gì tôi làm, chẳng hạn như dốc sức vào ngôi trường này, là món quà mà tôi muốn gửi tặng cho các thế hệ tương lai, với hy vọng góp được sức mình để xây dựng một xã hội ấm áp hơn", ông kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.