Hành trình đưa nước sạch đến người dân

02/10/2020 07:05 GMT+7

Trong một lần đi thực tế cho môn học, nhóm sinh viên phát hiện tại TP.HCM có nhiều nơi nước nhiễm phèn nặng. Nhóm bạn liền đưa kiến thức từ giảng đường ra thực tế để làm một hành trình đưa nước sạch đến người dân .

Chủ nhân của dự án là Vũ Hồng Phước Lộc, Nguyễn Trung Thái và Hồ Thị Hồng Yến (cùng là sinh viên Khoa Địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM).
Với những ý nghĩa thiết thực mang lại cho nhiều hộ dân, dự án “Sinh viên thành phố Bác và hành trình mang nước sạch đến người dân” của nhóm đã giành được giải ba tại cuộc thi Dự án tình nguyện 2020 do T.Ư Đoàn tổ chức.
Hành trình đưa nước sạch đến người dân

Dự án đã được đưa vào các chiến dịch Mùa hè xanh của trường để mang nước sạch về cho người dân

Ảnh: NVCC

Ám ảnh giặt áo trắng thành màu vàng

Nhìn thấy cảnh người dân một số nơi ở Q.9 TP.HCM phải hằng ngày sống chung với nước nhiễm phèn nặng, nhóm bạn trẻ trên đã ngay lập tức nghĩ đến ý định phải làm điều gì đó để giúp người dân.
“Đó là trong lần đi thực tế về môn học tại Q.9, tụi mình ngỡ ngàng vì không ngờ được cũng là một quận ở TP.HCM nhưng một số nơi lại phải chịu cảnh chất lượng nước bị nhiễm phèn rất nặng, đặc biệt là phèn sắt (pH=3.5 - 4.0). Đời sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn”, Lộc nói và cho biết các thành viên trong nhóm cứ ám ảnh mãi hình ảnh người dân ở đây giặt áo trắng vài ngày thành áo vàng vì nước nhiễm phèn quá nặng.
Lộc kể những vùng như: Trường Thạnh, Phú Hữu, Long Phước của Q.9, người dân chủ yếu sử dụng nước giếng hoặc nước bơm trực tiếp từ sông lên, chứ chưa tiếp cận được với nước máy do đường nước chưa kéo vào được và cũng có trường hợp không có đủ điều kiện kinh tế để tiếp cận với nguồn nước sạch.
“Người dân chưa tiếp cận được nguồn nước sạch do ở quá xa. Có những hộ dân ở P.Phú Hữu mà muốn đi được vào nhà phải lội bộ hơn 1 km đường đất vừa nhỏ vừa sình lầy, rồi cây cầu bắc qua nhà mà cứ thủy triều lên là ngập, ngập đến nỗi tụi mình đi trên cầu, nước cũng ngập lên hơn đầu gối, nên người dân ở đây chấp nhận sử dụng nước nhiễm phèn bao nhiêu năm nay”, Hồng Yến nhớ lại.
Nhóm đã khảo sát, tiến hành lấy mẫu và phân tích thành phần, đặc tính của nước tại khu vực để biết được tình trạng nhiễm phèn tại địa phương, sau đó đưa ra mô hình lọc nước và lắp đặt cho phù hợp với tính chất nước của khu vực.

Mong muốn nhân rộng mô hình

Thái cho biết trong môn học về xử lý nước chỉ được học về kiểm định chất lượng nước, nên để làm được mô hình máy lọc nước này, nhóm phải mất hơn 1 năm nghiên cứu, hoàn thiện.
“Lúc khảo sát, tụi mình thấy nhiều hộ sáng chế lọc nước bằng cách cho cát, sỏi vào chum nước, cũng có hộ dân dùng thêm than… nhưng lọc xong nước vẫn đóng phèn nhiều. Vì thế, tụi mình mới suy nghĩ ra những vật liệu có thể kết hợp và khử được phèn hiệu quả hơn”, Thái chia sẻ.
Điều mà nhóm bạn đặt lên hàng đầu là làm thế nào hệ thống lọc có thể đơn giản, ít tốn chi phí nhưng mang lại chất lượng nước và hiệu suất cao. Sau quá trình nghiên cứu, nhóm sáng chế được hệ thống lọc gồm các bộ phận như khay nhựa, ống nước, van nước, lưới, sỏi thạch anh giúp giữ cặn, lấy nước; than hoạt tính có tác dụng khử mùi, màu, độc tố…
Về quy trình để làm hệ thống lọc nước, Thái cho biết đầu tiên là khoan lỗ cho các khay nhựa, bước thứ 2 là chà nhẵn cái lỗ vừa khoan, tiếp đến lắp ống dẫn nước ra vào khay sỏi, rồi rửa vật liệu, xếp lưới vào các khay, sau đó cho vật liệu vào khay và cuối cùng là sắp xếp các khay vật liệu thành hệ thống.
Sau lần đầu thử nghiệm, mẫu nước khi được lọc xong đã được nhóm đưa đến Viện Pasteur để kiểm nghiệm trước khi mang hệ thống lắp đặt cho hộ dân sử dụng.
“Lúc đầu tụi mình chỉ mang công trình xuống lắp cho một hộ dân, sau đó Đoàn trường thấy mô hình khá hay và hiệu quả nên nhân rộng trong các chiến dịch Mùa hè xanh. Qua 3 mùa hè, tụi mình đã lắp đặt được 27 hệ thống máy lọc nước hoàn toàn miễn phí cho người dân”, Yến kể.
Điều nhóm mong muốn là có được nguồn tài trợ để có thể nhân rộng mô hình: “Vì không chỉ Q.9 mà các huyện như: Nhà Bè, Củ Chi ở TP.HCM vẫn có nhiều hộ đang sống chung với nước nhiễm phèn nặng. Khi nhìn những gương mặt rạng ngời và ngỡ ngàng đến tột độ của người dân khi lần đầu được sử dụng nước sạch thì tụi mình lại càng muốn sớm nhân rộng được mô hình này hơn nữa”, Lộc giãi bày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.