Hành trình dài đầy cảm xúc của Danh Trần trong 'Paris những mùa yêu'

28/05/2022 15:38 GMT+7

Tại Đường Sách TP.HCM, sáng 28.5.2022 đã diễn ra buổi giới thiệu tác phẩm mới Paris những mùa yêu , viết về cuộc sống xa xứ của người Việt trên đất Pháp và giao lưu cùng tác giả Danh Trần.

Trời Sài Gòn - TP.HCM se se lạnh khiến Danh Trần - một cựu du học sinh Pháp - cây viết trẻ sinh năm 1990, bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên anh đặt chân đến nước Pháp xinh đẹp, mười năm trước. Dưới bầu trời cuối hạ đầu thu của Paris năm ấy, anh đã bắt đầu một hành trình dài đầy cảm xúc với vô vàn thử thách. Những kỷ niệm đó là chất liệu quý giúp anh viết nên tác phẩm đầu tay Paris những mùa yêu.

MC Liêng Nguyễn dẫn chương trình rất duyên dáng.

Phạm Thiên Tín

Ca sĩ Bùi Thái Hòa đến chia vui cùng tác giả Danh Trần

Phạm Thiên Tín

Buổi giao lưu diễn ra dưới sự dẫn dắt duyên dáng của MC Liêng Nguyễn cùng sự góp mặt của các khách mới, gồm: Viện trưởng Viện trao đổi văn hoá với Pháp Nguyễn Ngọc Lan, dịch giả Nguyễn Tấn Đại (Tổ chức đại học Pháp ngữ khu vực phía Nam) và anh Phan Cao Hoài Nam - Đại diện NXB Kim Đồng.

Tám câu chuyện viết từ năm 20 tuổi là những kỷ niệm có thật của 'những người sống quanh tôi' cùng tác giả. Trong mười năm, anh đã sửa chữa bản thảo nhiều lần, tự đánh giá và thay đổi văn phong theo sự phát triển tư duy, thế giới quan của bản thân. Tác phẩm này đã cùng Danh Trần lớn lên theo dòng chảy cuộc sống.

Thời gian đi du học Danh Trần sinh sống tại nhiều thành phố ở Pháp. Anh từng làm Chủ tịch hội du học sinh tại đây. Nhờ việc sống, học tập và gặp gỡ con người ở nhiều địa điểm khác nhau mà anh có một cái nhìn tổng quan hơn về cuộc sống xa xứ của người Việt trên đất Pháp. Dưới những câu chuyện tình, Danh Trần đã lột tả nhiều hơn về các mặt cắt khác của cuộc sống.

Tình yêu giữa đồng hương xa quê và cả... tình yêu đồng tính

Trong tác phẩm này, người đọc sẽ thấy tác giả khắc họa nhiều về cuộc sống du học. Từ những khủng hoảng văn hóa, ngôn ngữ ở giai đoạn đầu du học, đến giai đoạn làm quen và phát triển mà mỗi du học sinh đều phần nào phải trải qua. Hành trình thanh xuân này cho người trẻ nhiều thử thách và trải nghiệm tươi đẹp. Tuy nhiên, Danh Trần còn cho cho ta thấy có một Paris rất khác.

Nhắc đến Paris người ta nghĩ ngay đến các miêu tả về một kinh đô ánh sáng, kinh đô thời trang, hàng hiệu cùng sự lãng mạn, thanh lịch. Nhưng trong những câu chuyện của Danh Trần có một Paris, vẫn hoa lệ như vậy nhưng không chỉ là sự lãng mạn, lơ đãng dưới tháp Eiffel hay trên dòng sông Seine, mà dưới nó là tầng tầng lớp lớp những khía cạnh “đời” hơn.

Danh Trần dùng cụm từ “Métro, Boulot, Dodo” - bắt tàu điện, đi làm, đi ngủ, để nói chính xác về khía cạnh này.

Cuộc sống ở Paris cũng có sự tất bật hối hả như bao thành phố lớn khác, đôi khi còn khốc liệt hơn. Vẫn có đó vô vàn những con người chạy theo “cơm, áo, gạo, tiền”. Ngoài những mộng mơ, Paris còn là một môi trường thực tế đòi hỏi con người ta những kỹ năng, năng lực để làm việc và sinh tồn.

Ở một trong tám câu chuyện, tác giả nhắc đến vấn đề giao thoa hòa nhập văn hóa tạo rào cản cho các sinh viên Việt Nam. Đôi khi nặng nề như sự tiêu cực của nạn phân biệt chủng tộc. Các xung đột của cuộc sống xảy ra và người trẻ không nhận được sự bảo vệ. Nhưng rồi bản thân tác giả đã phải học cách chấp nhận để hướng tới sự hòa nhập cuộc sống, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Tác giả Danh Trần (trái) - Dịch giả Nguyễn Ngọc Đại (phải)

Tác phẩm Paris những mùa yêu

Phạm Thiên Tín

Ở một đoạn khác là câu chuyện về sự hướng nghiệp. Tác giả gửi đi thông điệp theo đuổi ước mơ thông qua câu chuyện có thật của một cậu bé muốn trở thành phi công quân sự. Cha mẹ cậu bé ngăn cấm và hướng cho con đến một môi trường làm việc an toàn hơn, nhưng cuối cùng cậu bé đã bỏ qua sự ngăn cấm và thành công đậu vào trường quân sự mà cậu hằng mơ ước.

Tuổi trẻ thường đứng trước nhiều sự lựa chọn, nhưng sẽ chỉ hạnh phúc khi lựa chọn được con đường mơ ước của mình. Ta phải biết cân nhắc và nhìn nhận đúng đắn về những thứ mình mong muốn”, Danh Trần tâm sự.

Trong những mẩu chuyện về những cuộc tình dang dở, tác giả có gởi gắm tâm tư của mình về quyết định trở về quê hương sau thời gian dài học tập. Anh chia sẻ: “Không thể nói là không có hối tiếc. Con người khi từ bỏ thứ gì thì luôn có những suy nghĩ và trăn trở. Nhưng đó là sự lựa chọn của tuổi trẻ. Trở về và bắt đầu với những trải nghiệm, thử thách mới. Ta đang sống trong hiện tại và chỉ có tương lai phía trước. Paris bốn mùa luân phiên trôi đi. Dù có hối tiếc hay buồn bã về sự lựa chọn thì thời gian cũng sẽ làm vơi đi tất cả và ta phải tiếp tục sống hướng về tương lai”.

Nói về tình yêu, tác giả có cái nhìn bao dung. Anh tiết lộ anh có cài cắm vấn đề LGBT trong hai mẩu truyện. Anh xây dựng Paris những mùa yêu thành một sự tổng hòa hết tất cả loại tình yêu trong cuộc đời. Tình yêu giữa đồng hương xa quê, giữa gia đình, giữa tình bạn, giữa nam nữ và cả... tình yêu đồng tính.

Tác giả không đặt ranh giới, anh xem nó bình đẳng như mọi loại cảm xúc yêu thương trên đời. Đối với anh quan trọng là chúng ta sống như thế nào, yêu ra làm sao, vì cuối cùng nó sẽ theo ta đến hết cuộc đời.

(Từ trái qua) MC Liên Nguyễn, tác giả Danh Trần, anh Phan Cao Hoài Nam - đại diện NXB Kim Đồng, dịch giả Nguyễn Ngọc Đại tại buổi ra mắt sách

Phạm Thiên Tín

Trước câu hỏi về mong muốn của anh đối với công chúng, anh chia sẻ: “Đề tài mình viết kén bạn đọc. Mong độc giả ủng hộ nhiều hơn đối với các tác giả trẻ, những người dám viết và những người dám xuất bản, để ta có thể duy trì văn hóa đọc, duy trì ý nghĩa tốt đẹp về mặt giáo dục”.

Cuối cùng khi được hỏi về các tác phẩm trong tương lai, Danh Trần tiết lộ hiện anh đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, giảng dạy quản trị kinh doanh. Với công việc tư vấn tài chính, anh đã gặp nhiều người giàu và đang nung nấu viết về chân dung người giàu ở Sài Gòn từ những trải nghiệm trong công việc của mình.

Muốn có một góc nhìn nhẹ nhàng, sâu lắng về cuộc sống, tình yêu, tình đồng hương của những người Việt xa xứ, những du học sinh dưới một “bầu trời" Paris rất khác, độc giả sẽ cảm thấy hài lòng khi đọc hết Paris những mùa yêu của tác giả Danh Trần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.