Hành trình cao su Việt ở Campuchia: Những 'đại gia' ở làng cao su

Đình Phú
Đình Phú
17/09/2023 08:00 GMT+7

Kinh tế - xã hội Campuchia ngày càng phát triển ổn định. Ở thủ đô Phnom Penh, nhiều tòa nhà cao tầng xuất hiện ngày càng nhiều, ô tô đi lại trên đường phố nhiều hơn xe máy. Và có một điều rất đặc biệt, ngay cả những cộng đồng cao su ở vùng sâu vùng xa trên xứ sở Chùa Tháp giờ đây cũng đã xuất hiện nhiều “đại gia” với điều kiện kinh tế khá giả.

Theo ông Trần Công Kha, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), trong hành trình cao su Việt ở Campuchia, 16 công ty thành viên VRG không chỉ tập trung chăm sóc, phát triển vườn cây, mà còn đặc biệt chú trọng đến đảm bảo phúc lợi cho công nhân lao động, an sinh xã hội tại vùng dự án cao su ở 7 tỉnh của Campuchia: Kampong Thom, Kratie, Rattanakiri, Odor Mean Chey, Preah Vihea, Siem Reap và Mondulkiri. Điều này đã góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người lao động, góp phần thay đổi diện mạo địa phương nơi cao su đứng chân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 đất nước, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Hành trình cao su Việt ở Campuchia: Những 'đại gia' ở làng cao su - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm, làm việc tại tỉnh Kampong Thom và các công ty cao su trực thuộc VRG

ẢNH: ĐÌNH PHÚ

Không chỉ người lao động của các công ty cao su mà gia thuộc và người dân địa phương đều được thụ hưởng những phúc lợi từ các dự án cao su xây dựng. Xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp với địa phương nơi đứng chân, hằng năm các công ty đã có nhiều đóng góp vào hoạt động cộng đồng, an sinh xã hội, cùng với địa phương thay màu áo mới cho dân cư sinh sống quanh vùng dự án.

Tính đến nay, các công ty đã đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội với tổng giá trị 60 triệu USD, gồm: hơn 1.200 km đường giao thông phục vụ dân sinh trị giá 20 triệu USD. Hệ thống điện, hơn 1.000 giếng nước sạch trị giá 6 triệu USD. Trạm y tế trên 5.000 m²; trường học trên 5.000 m²; nhà ở tập thể cho công nhân với tổng diện tích 120.000 m², trị giá 17 triệu USD. Các công trình tôn giáo trị giá hơn 1 triệu USD. Các công ty còn tham gia ủng hộ địa phương các hoạt động chính trị, xã hội, y tế, giáo dục gần 6 triệu USD…

Minh chứng của sự hợp tác gắn bó giữa 2 đất nước

Ở Kampong Thom, VRG có các công ty cao su: Chư Sê K (2 công ty), Tân Biên K, Phước Hòa K, Bà Rịa K, Mê Kông, Tây Ninh Siem Riep và C.R.C.K (Chư Păh). Ngày 22.11.2022, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia và dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 43, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Kampong Thom và các công ty cao su trực thuộc VRG trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá về các dự án cao su nói riêng của VRG, Phó tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom Nhek Ban Kheng thông tin với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Trải qua 15 năm, vượt qua mọi khó khăn kể cả việc đi lại, đời sống sinh hoạt, quan hệ cộng đồng với sự quyết tâm cao của các công ty phát triển cao su tại Kampong Thom đã đạt được những thành quả rất đáng tự hào. Đặc biệt là, các công ty trực thuộc VRG đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Kampong Thom qua việc tạo công ăn việc làm cho người dân xung quanh dự án. Qua đó, đã làm giảm bớt một phần việc di dân. Bên cạnh đó, các công ty cũng hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng giúp cải thiện đời sống người dân. Những thành quả phát triển của công ty cao su đã thể hiện sự thống nhất, đồng lòng cao giữa người sử dụng lao động và người lao động trong việc đề ra kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch".

Hành trình cao su Việt ở Campuchia: Những 'đại gia' ở làng cao su - Ảnh 2.

Cửa hàng tạp hóa của vợ chồng Hen Huao

ẢNH: ĐÌNH PHÚ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đặc biệt ấn tượng khi được báo cáo về kết quả các công ty cao su Việt Nam có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế tỉnh Kampong Thom cũng như kinh tế của đất nước Campuchia. Góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho bà con người Khmer và người gốc Việt tại Campuchia. "Đi qua những cánh rừng cao su xanh mát, bạt ngàn của các Công ty cao su Tân Biên, Phước Hòa, Bà Rịa…, tôi thấy rõ sự tươi tốt ấy là minh chứng sống động cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác gắn bó giữa 2 đất nước", Chủ tịch Quốc hội vui mừng.

Oknha của làng

Ở Kampong Thom mùa này đang bước vào cao điểm khai thác mủ cao su. Trở lại các làng cao su nơi đây, tôi thật sự bất ngờ trước những đổi thay của các gia đình công nhân. Nhà nào cũng có xe máy mới, nhiều nhà có ô tô, nhiều đứa trẻ chào đời dưới những mái nhà cao su, trường học ngày càng đông học sinh các lớp…

Người đưa tôi đi vào các làng cao su là anh Bouchan Sochieth, 43 tuổi. Mẹ anh là người Việt, bố người Campuchia và 2 người gặp nhau trong thời Khmer Đỏ, ông chạy giặc trốn sang Bình Dương. Sochieth nhớ như in ngày 15.11.2009 - ngày vào làm ở Công ty CP cao su Chư Sê - Kampong Thom (diện tích hơn 16.000 ha với hơn 3.200 lao động, là cánh chim đầu đàn của cao su Việt ở Campuchia) "vì đó là kỷ niệm khó quên được".

Vợ của Sochieth là bác sĩ, làm việc chung công ty, lo chăm sóc sức khỏe cho công nhân. Anh chị có 3 đứa con, đứa đầu đang học ở Mỹ, 2 đứa sau đang học cấp 2 ở Siem Riep. "Con trai đầu trước đây học ở Thái Lan, nhờ học giỏi nên có học bổng sang Mỹ học tiếp phổ thông", Sochieth kể khi đi chung với tôi.

Hành trình cao su Việt ở Campuchia: Những 'đại gia' ở làng cao su - Ảnh 3.

Yem Dương là hộ gia đình công nhân khá giả ở làng cao su

ẢNH: ĐÌNH PHÚ

Yem Dương (36 tuổi) và vợ Xay Xóc Lon (35 tuổi) là một trong những đại gia của làng cao su. Hai vợ chồng anh làm công nhân 7 năm, nhận cạo 8 ha cao su. Tôi khá "choáng" khi thấy trước nhà anh đậu 1 chiếc Toyota Highlander V6 và 2 chiếc xe máy cày. "Toyota đó đời 2004, mình mua 16.000 USD (khoảng 350 triệu đồng) để đi lui đi tới khi cần. 2 xe máy cày thì mỗi chiếc 35.000 USD để ủi cỏ, cắt lùm bụi, phun thuốc vườn cây… Mình mua bằng tiền tích lũy, có vay 15.000 USD. Với xe máy cày, đã thu hồi vốn 1 chiếc, chiếc còn lại khoảng đến tháng 3.2024 sẽ thu hồi vốn và khi đó cũng sẽ hết nợ ngân hàng", Yem Dương kể.

Nghe Yem Dương chia sẻ vậy, Sochieth nói vui: "2 - 3 năm nữa sẽ là oknha (người giàu có, uy tín và đóng góp cho cộng đồng - PV) thứ thiệt của làng cao su!".

Nhờ Sochieth phiên dịch tiếng Khmer, cuộc trò chuyện của tôi với vợ chồng anh Hen Huao (39 tuổi) và chị Sol Mrekaeroa (chủ một cửa hàng tạp hóa lớn tại làng cao su) cũng rất vui vẻ. Tôi được vợ chồng anh nhiệt tình mời 1 lon bò húc sản xuất tại Campuchia, thức uống mà tôi cũng hay dùng khi ở Sài Gòn. Vợ chồng anh Hen Huao có nhà cửa ở Siem Riep và 2 đứa con của anh chị cũng học ở Siem Riep. Trong nhà anh ở làng cao su, có 1 chiếc xe bán tải hiệu Chervolet mới cứng. "Một ngày tiệm mình bán được bao nhiêu?", tôi hỏi. Hen Huao bảo: "Hỏi vợ mới biết"…

Vợ chồng Hen Huao là người địa phương, năm 2010 đến ở làng cao su và được Công ty CP Cao su Chư Sê - Kampong Thom cho mượn đất mở cửa hàng tạp hóa để cùng hợp lực với công ty tạo thêm dịch vụ tiện ích cho công nhân. Đây là cửa hàng bình ổn giá, với hàng trăm mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt và bữa cơm gia đình. Cạnh cửa hàng của Hen Huao có một cửa hàng khác, quy mô cũng lớn tương tự. Tôi hỏi, 2 cửa hàng sát nhau vậy thì có cạnh tranh nhau không, thì Hen Huao cười: "Không cạnh tranh. Ai mua bên nào cũng được. Quen bên nào mua bên đó. Hàng bên này không có thì mua bên kia. Ở làng cao su đều biết rõ mặt nhau hết".

Vợ chồng Hen Huao còn chia sẻ về mong muốn ở lại làng cao su lâu dài, mở rộng quy mô buôn bán to hơn vì sinh kế ở làng ngày càng ổn định, đi lên… (còn tiếp)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.