Hành trình 17 ngày đạp xe xuyên Việt của cô giáo trẻ

27/06/2022 18:39 GMT+7

Vừa trở về từ hành trình đạp xe xuyên Việt , cô giáo Lê Thị Thùy Vân cảm thấy hài lòng khi vượt qua những trở ngại, khó khăn và quan trọng nhất là chiến thắng chính bản thân.

Tập luyện 2 tháng trước khi đạp xe xuyên Việt

Là giáo viên Trường THPT Bamboo (H.Hóc Môn, TP.HCM), cô Lê Thị Thùy Vân (28 tuổi) chơi nhiều môn thể thao như chạy bộ và leo núi… Cách đây hơn 2 tháng, cô quyết định thử sức với xe đạp.

Ban đầu, cô mua xe và chỉ định đạp xe đi làm để tiết kiệm chi phí trong lúc giá xăng tăng cao. Sau đó, cô quyết định thử thách bản thân bằng cách đạp xe xuyên Việt.

TP.HCM là điểm xuất phát trong hành trình đạp xe xuyên Việt của cô Vân

NVCC

Nhà ở H.Củ Chi (TP.HCM) nhưng đi làm và ở trọ tại Q.12, cô giáo này chọn cách đạp xe đi và về giữa 2 nơi như sự tập luyện trước khi lên đường đi xuyên Việt cùng một người bạn thân.

Vào ngày 27.5, Vân cùng bạn thân xuất phát từ TP.HCM, di chuyển qua các cung đường khác nhau, đi qua những tỉnh ven biển miền Trung như: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… và điểm dừng chân cuối cùng ở Thủ đô Hà Nội.

“Mỗi ngày, chúng tôi đi qua 1 tỉnh. Những địa điểm có cảnh đẹp như mũi Kê Gà hoặc các chân đèo, tôi đều nghỉ chân, cắm trại và tự nấu ăn. Chúng tôi ghé vào những cây xăng ở dọc đường để vệ sinh cá nhân”, Vân chia sẻ.

Trong hành trình đi xuyên Việt, cô đạp xe khoảng 100 km/ngày, tăng dần lên 130 km/ngày và 180 km/ngày, sáng đạp và tối dựng lều nghỉ ngơi. Cô Vân chia sẻ: “Nhờ trước đó tôi đã chơi thể thao, có nền tảng thể lực nhất định nên có thể hoàn thành hành trình xuyên Việt. Càng đạp nhiều, tôi càng thấy khỏe và đoạn gần cuối, tôi đã gửi đồ bớt về nhà cho xe nhẹ hơn nên mới đạp xa được như vậy”.

Vượt qua nhiều thử thách

Kể về kỷ niệm trong hành trình, Vân chia sẻ đó là những lần đạp xe dưới mưa hàng giờ ở Nha Trang, vượt cái nóng của gió Lào ở Quảng Trị, leo đèo Vĩnh Hy trong cái mệt khó tả. Thậm chí có ngày Vân và bạn vá xe đến 3 lần.

"Trên đường đến Nha Trang khi trời tối, tôi còn được chủ cây xăng cho nước, cho tiền. Đoạn đèo cực nhất với tôi chắc có lẽ là đèo Vĩnh Hy. Lúc đó, không chuẩn bị nên thiếu nước, thức ăn, đèo dốc nhưng tôi không có ý định bỏ về mà chỉ biết ráng đạp, cuối cùng cũng vượt qua được", Vân kể.

Đối với Vân, chuyến đi được xem như là "cho thanh xuân được một lần thử thách", giúp bản thân trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và thắng cảnh khắp Việt Nam, gặp được thêm những bạn đồng hành khác trong suốt hành trình. Đó là những bài học đáng giá khi Vân chọn cho mình một thử thách khác biệt.

Trong hành trình 17 ngày, Vân có được nhiều trải nghiệm đáng nhớ

NVCC

Ngày 12.6, Vân cũng hoàn tất hành trình với điểm đến cuối cùng ở Hà Nội. Khi đó, cô chia sẻ bản thân cảm thấy nhẹ nhàng vì đã hoàn thành chặng đường dài và được bạn bè chào đón.

Sau 17 ngày "dầm mưa dãi nắng" đạp xe xuyên Việt khiến làn da bị đen sạm, Vân cho rằng: "Tôi nghĩ rằng việc đạp xe không phải là điều quá khó. Tất cả mọi người đều có thể đạp xe mỗi ngày, vừa tăng cường sức khỏe vừa tiết kiệm một khoản chi phí và bảo vệ môi trường".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.