Hành tinh 'luyện ngục', lõi chứa đầy kim cương

09/12/2022 10:20 GMT+7

Cách trái đất khoảng 40 năm ánh sáng, hành tinh 55 Cancri e được giới khoa học đặt cho không ít tên, nhưng biệt danh dễ nhớ nhất và cũng được gọi nhiều nhất chính là “hành tinh luyện ngục”.

Mô phỏng 55 Cancri e

Nasa

55 Cancri e là một siêu trái đất, chỉ hành tinh đá nhưng có trọng lượng nặng hơn gấp 8 lần và bề ngang gấp đôi địa cầu. Hành tinh này đặc biệt nóng vì bao phủ bề mặt của nó là cả đại dương dung nham mênh mông, với nhiệt độ lên đến gần 2.000 độ C.

Ngược lại, lõi của nó có thể chứa đầy kim cương.

Hành tinh nóng đến nỗi được các nhà thiên văn học so sánh như thế giới Mustafar đầy rẫy dung nham, nơi diễn ra trận chiến giữa hai nhân vật chính Anakin Skywalker và Obi-Wan Kenobi trong phim Chiến tranh giữa các vì sao. Sau này, trùm phản diện Darth Vader cũng chọn Mustafar là nơi đặt lâu đài Fortress Vader.

55 Cancri e có tên chính thức là Janssen, xoay quanh sao trung tâm Copernicus. Khoảng cách giữa nó và sao trung tâm gần đến nỗi chỉ mất khoảng 17,5 giờ của trái đất để hoàn thành chu kỳ xoay.

Quỹ đạo bị nén chặt như thế là nguyên nhân dẫn đến nhiệt độ siêu nóng trên bề mặt Jassen. Ban đầu các nhà thiên văn học cũng nghi ngờ khả năng tồn tại của một hành tinh ở khoảng cách gần đến thế so với sao trung tâm.

Đội ngũ chuyên gia của Đại học Yale (Mỹ) phát hiện, vào những ngày đầu tiên, Janssen là một hành tinh có nhiệt độ thấp hơn và ở trên quỹ đạo xa hơn. Theo thời gian, thiên thể này dạt vào gần sao Copernicus và hậu quả là bị sao trung tâm khóa chặt vào quỹ đạo chết chóc như hiện nay.

Các chuyên gia đã công bố phát hiện mới trên chuyên san Nature Astronomy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.