Hạnh phúc khi tự tay gói và nấu bánh chưng, bánh tét

21/01/2023 09:24 GMT+7

Những ngày giáp tết, nhiều bạn trẻ quây quần cùng gia đình gói bánh chưng, bánh tét chào đón năm mới.

Bánh chưng, bánh tét luôn là hương vị quen thuộc trong những ngày tết, nhiều người cho rằng, có bánh chưng, bánh tét mới gọi là tết. Với bạn trẻ, những ngày cuối năm được quây quần cùng gia đình gói bánh, nấu bánh là những trải nghiệm tuyệt vời.

Văn Cương (bên trái) tham gia vào công việc chung của gia đình ngày cận tết

TUYẾT CẨM

Cả một bầu trời kỷ niệm

Là thế hệ thứ tư trong gia đình có hơn 50 năm truyền thống gói bánh chưng, bánh tét ngày tết, Nguyễn Văn Cương (24 tuổi) ngụ thôn Ngô Xá Thanh Lê, Xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã tham gia vào công việc gói bánh từ những ngày còn bé.

Trong những lần ngồi gói bánh cùng gia đình, Văn Cương được ông bà, cậu dì kể cho nghe những câu chuyện vui khiến Cương thêm phần thích thú. “Gói bánh chưng, bánh tét những ngày cận tết đối với mình là cả một bầu trời kỷ niệm. Mình nôn đến ngày này dữ lắm vì gia đình được ngồi lại cùng nhau vừa gói bánh vừa chuyện trò. Hồi còn bé, mình chỉ phụ lau lá và ngồi nhìn mọi người gói, lớn hơn chút nữa thì buộc lạt, giờ thì mình đã tự tay gói được những chiếc bánh để chào đón năm mới, cảm thấy hạnh phúc vô cùng”, Văn Cương bày tỏ.

Cả gia đình cùng nhau gói bánh

TUYẾT CẨM

Bánh chưng, bánh tét là hương vị không thể thiếu của gia đình Văn Cương mỗi khi tết đến xuân về. Dịp này, gia đình anh gói tổng cộng 6 cặp bánh chưng, 25 đòn bánh tét và 40 cặp bánh tày để cúng tổ tiên, mang biếu và mang bày mâm cỗ ngày xuân. Chia sẻ về trải nghiệm gói bánh, Văn Cương kể: “Lúc nhỏ mình nghĩ để gói được một chiếc bánh là siêu khó và sau nhiều năm học công thức của ông bà ngoại, nên 3 năm nay mình đã có thể tự tay gói từng chiếc bánh chưng vuông vức và đẹp mắt”.

Văn Cương cho biết, các công đoạn gói bánh chưng không phức tạp như trước đó anh nghĩ. “Trước hết là xếp vài lớp lá, sau đó rải gạo, đặt nhân đỗ, thịt lợn đã ướp sẵn, rải thêm một lớp gạo nữa, gói bánh lại và buộc lạt. Để chiếc bánh được đẹp mắt thì nên chọn lá chuối có hình dáng vừa và có màu xanh đẹp, không chọn lá quá nhỏ. Lúc vo nếp có thể thêm chút muối để bánh chín được ngon hơn”, Văn Cương nói.

Ngồi canh bếp nấu bánh là giây phút vui vẻ nhất

Với Trần Thị Mỹ Linh (21 tuổi), ngụ ấp Kiến Bình 2, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thì gói bánh chưng, bánh tét còn mang theo mong ước một năm đủ đầy, no ấm cho gia đình. “Dù còn bé thơ hay đã khôn lớn, khi cùng nhau gói bánh, mình luôn cảm nhận rõ niềm hạnh phúc sum vầy ngày tết. Tết trọn vẹn và đủ đầy hơn khi cùng gói bánh bên gia đình”, Mỹ Linh tâm sự.

Dịp tết, gia đình Mỹ Linh chủ yếu gói bánh tét với số lượng 20 đòn bánh. Với kinh nghiệm 2 năm gói bánh, Mỹ Linh cho hay, để bánh được đẹp, người gói bánh phải thật khéo tay. “Dây bánh không nên buộc quá chặt cũng không được quá lỏng vì chặt quá thì bánh khi chín sẽ bị đứt dây, dây bánh lỏng quá thì nước sẽ vào trong bánh. Khoảng cách của các đường dây buộc phải đều nhau”, Mỹ Linh nói.

Mỗi người đảm nhiệm một công việc khác nhau, người lau lá, người gói, người buộc lạt…

TUYẾT CẨM

Hoàn thành công đoạn gói bánh, Mỹ Linh sẽ cùng ba nấu bánh tét vào đêm giao thừa. Cô thủ thỉ: “Ngồi canh bếp nấu bánh là giây phút vui vẻ nhất. Canh bếp với ba sẽ được thưởng thức nhiều món ngon như khoai nướng, trứng nướng… Mình cực kỳ thích hương thơm của bánh khi bánh chín, vừa mở nắp nồi, khói bánh tỏa ra khắp một vùng”.

Theo Mỹ Linh, để bánh không bị khét, khi nấu nên lót một lớp lá dưới đáy nồi. “Nước trong nồi phải ngập bánh để bánh được xanh và đẹp. Thường nấu bánh bằng củi sẽ có lọ nồi nên trước khi nấu mình thường bôi lớp xà bông rửa chén phần ngoài đít nồi để sau khi nấu sẽ dễ chà rửa”, Mỹ Linh tiết lộ.

Đạo Linh cảm thấy hào hứng khi được ngồi canh nồi bánh

NVCC

Tương tự, năm nào gia đình ba thành viên của Trương Thị Đạo Linh (23 tuổi), ngụ thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cũng ngồi lại cùng nhau gói bánh chưng và bánh tét để cúng đầu năm. “Ngày tết gói bánh chưng, bánh tét để thờ cúng ông bà tổ tiên và cũng là dịp để gia đình sum vầy, cùng nhau gói bánh và nấu bánh, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của tết Việt”, Đạo Linh cho hay.

Đặc biệt, được ngồi canh nồi bánh khiến Đạo Linh rất vui và hạnh phúc, bếp lửa ấm áp đã xua tan đi không khí se lạnh ngày tết. Cô nàng cho rằng, người ngồi canh nồi bánh rất quan trọng, phải canh lửa cho vừa vặn, khi nước cạn phải thêm nước vào nồi, tránh để bánh bị cháy…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.