Hạnh phúc của nhân dân: Mệnh lệnh của cuộc sống

18/05/2023 08:15 GMT+7

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề nhân quyền như một thứ vũ khí để chống phá chúng ta.

Chủ trương của Đảng là tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người

Hằng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra Báo cáo nhân quyền thường niên quốc gia với những nội dung không chính xác về tình hình dân chủ, nhân quyền tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới đã cố tình xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nội dung trong báo cáo là phiến diện, mang tính quy kết khi họ cố tình xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền ở nước ta.

Các thế lực thù địch cho rằng "tình hình nhân quyền Việt Nam hết sức tồi tệ, hay xuống cấp nghiêm trọng". Họ còn vu cáo, xuyên tạc Đảng, Nhà nước vi phạm quyền con người trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc, cho rằng "Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam là tạo cơ sở pháp lý để đàn áp, bóp nghẹt tôn giáo".

Các thế lực thù địch còn triệt để khai thác những vấn đề nhạy cảm, phức tạp như tham nhũng, khiếu kiện, đình công, tệ nạn xã hội, tình hình dịch bệnh Covid-19, việc bắt, xử lý các đối tượng chống phá chính trị… để vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Họ tùy tiện áp đặt các "chuẩn mực" nhân quyền đối với Việt Nam. Mục đích của họ là phủ nhận những thành quả của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hạnh phúc của nhân dân: mệnh lệnh của cuộc sống - Ảnh 1.

Cấp phát thuốc miễn phí cho công nhân, người lao động. Đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền được chăm sóc y tế, là một thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam

C.T.V.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã minh chứng rõ quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng là tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh soạn thảo, đã khẳng định mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Như vậy, độc lập dân tộc, hạnh phúc, tự do của người dân chính là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, thực hiện được mục tiêu dân tộc độc lập, thì mới giải phóng nhân dân khỏi thân phận nô lệ, mang lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Xây dựng chủ nghĩa xã hội để đạt mục tiêu giải phóng con người khỏi cái đói, cái rét, cái dốt, cái lạc hậu, đem lại cho con người tự do, hạnh phúc.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: "Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân"; đồng thời, coi nhân dân là trung tâm và là chủ thể của chiến lược phát triển đất nước. Các giá trị dân chủ, nhân quyền mà Việt Nam hướng đến là hạnh phúc, ấm no của người dân, không phải là dân chủ quá trớn hay lợi dụng dân chủ để vi phạm dân chủ, xâm phạm chủ quyền quốc gia - dân tộc. Dân chủ, nhân quyền phải phù hợp, hài hòa với sự phát triển chung của xã hội, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Đặc biệt, đến Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng đã chỉ rõ: "Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu". Hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu của Đảng, của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện được mục tiêu, định hướng nêu trên, Đảng đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó: "…nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam". Có thể khẳng định, hạnh phúc của nhân dân là điểm nhấn trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thể hiện tính con người, tính nhân văn đậm nét.

Hạnh phúc của nhân dân: mệnh lệnh của cuộc sống - Ảnh 2.

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam thuộc nhóm cao của thế giới

Nhật Thịnh

Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam

Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng cho việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật bảo đảm quyền con người trong thực tế. 

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Hiến pháp năm 2013 cùng với các luật, bộ luật được ban hành tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Đặc biệt, đến Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng đã chỉ rõ: "Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu". Hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu của Đảng, của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện được mục tiêu, định hướng nêu trên, Đảng đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó: "…nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam". Có thể khẳng định, hạnh phúc của nhân dân là điểm nhấn trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thể hiện tính con người, tính nhân văn đậm nét.

Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được thực hiện một cách tích cực trong các chương trình, chính sách quốc gia, như: bảo đảm quyền thoát nghèo; quyền về việc làm, thu nhập; quyền sở hữu; quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe; quyền được học tập, giáo dục; quyền được tham gia vào đời sống văn hóa. Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, đời sống nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả những vùng đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện rõ rệt; nhiều quyền đã được bảo đảm với các chi phí phù hợp. "Xã hội cơ bản ổn định, đời sống của nhân dân ngày được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo từ 58% năm 1993 giảm xuống 9,88% năm 2016 và hiện còn dưới 3%"; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam thuộc nhóm cao của thế giới (0,704 năm 2019).

Năm 2022, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, tại phiên bỏ phiếu của Đại hội đồng khóa 77 diễn ra tại New York (Mỹ) là minh chứng cụ thể khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước, gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, cũng khẳng định những thành tựu to lớn chúng ta đã đạt được trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.

Từ quan điểm, đường lối của Đảng, đến thành tựu của thực tiễn đổi mới đất nước, đã minh chứng: Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận. Không chỉ vậy, những kết quả đó còn đóng góp vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người nhằm bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.