Hạnh phúc của cặp vợ chồng mắc bệnh Down

02/05/2014 06:00 GMT+7

Một cơ sở nhân đạo, từ thiện ở Hải Phòng đã tác thành cho hai người mắc bệnh Down kém phát triển về trí tuệ.

Một cơ sở nhân đạo, từ thiện ở Hải Phòng đã tác thành cho hai người mắc bệnh Down kém phát triển về trí tuệ.

 
Vợ chồng anh Hạnh - chị Thêm đang sàng ngô làm nguyên liệu trồng nấm linh chi - Ảnh: V.N.K

Đến thăm trung tâm Thiện Giao, ở tổ 8, P.Ngọc Xuyên, Q.Đồ Sơn, TP.Hải Phòng, chúng tôi gặp chị Ngô Thị Thêm, 25 tuổi và anh Bùi Văn Hạnh, 35 tuổi đang sàng ngô làm nguyên liệu trồng nấm linh chi. Cặp đôi đặc biệt này cùng quê ở H.Yên Hưng, Quảng Ninh, đều mắc bệnh Down. Chị Thêm còn bị câm điếc bẩm sinh.

Bà Trần Thị Thanh Hương, 64 tuổi, quản lý trung tâm cho biết Hạnh và Thêm là con của những cựu chiến binh thời chống Mỹ, được nuôi dưỡng tại cơ sở này cách đây gần 10 năm. Bà Hương cũng chính là người đã se duyên cho họ thành “vợ chồng” từ tháng 9.2011. Bà chia sẻ, đó là quyết định rất khó khăn, lúc đầu còn gặp sự phản đối của phụ huynh cô dâu - chú rể.

“Nhìn ánh mắt chúng nó tình tứ với nhau, tôi thấy tội lắm, không lẽ họ lại không được sống như một người bình thường”, bà Hương kể. Tình cảm của họ được phát hiện khi 2 người ôm ấp nhau ngoài vườn rau và khiến bà lo lắng, lỡ để họ “yêu” quá giới hạn thì lại thêm gánh nặng cho xã hội nên lúc đầu bà phải cách ly 2 người.

Cả hai sau đó bỏ ăn, tỏ ra buồn bã, bà Hương đành phải mời họp 2 bên gia đình, nhờ luật sư tư vấn, xin ý kiến của địa phương để họ được lấy nhau. Trong lễ cưới, chị Thêm được mặc váy, anh Hạnh mặc áo sơ mi trắng. Chiếc váy làm Thêm thích quá, mặc suốt 1 tuần. Trung tâm mổ 2 con lợn làm cỗ mời khách. “Thương lắm, nhưng chúng tôi vẫn phải cho các cháu đi triệt sản”, bà Hương nói. Cặp vợ chồng được ở một căn phòng 15 m2 có giường đệm đàng hoàng.

Bà Hương cho biết: Đêm tân hôn, chú rể Hạnh vẫn tè bậy trong nhà. Hôm sau, anh bị vợ phát hiện và cầm chổi đuổi đánh. Ngược lại, Hạnh biết ghen nếu vợ có ai trêu đùa. Cả hai nhanh nhẹn, ý thức hơn, biết đi vệ sinh đúng chỗ và làm tốt hơn các công việc ở trung tâm. Công việc của họ là sàng ngô bột để làm nấm linh chi và nấu cám cho lợn. Theo bà Hương, phải hơn 5 năm vào trung tâm họ mới biết làm những việc này. Công việc là phương tiện để họ cải thiện trí tuệ và cũng tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân.

Ngoài Hạnh-Thêm, Thiện Giao còn có 2 cặp đôi tàn tật nữa. Là một cơ sở thiện nguyện tư nhân, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.Hải Phòng, Thiện Giao hiện đang quản lý, nuôi dưỡng 25 người nhiễm chất độc da cam, thiểu năng và tồn tại bằng việc trồng nấm. Bản thân bà Hương cũng là một người thiệt thòi vì không có gia đình.

Từ một nữ thanh niên xung phong, bà Hương cưu mang những đứa con của đồng đội nhiễm chất độc da cam và lập nên trung tâm Thiện Giao này. Cơ sở vốn là một khu đất 5.000 m2 thuê của một hộ dân cách đây 10 năm. Ngày đầu, bà dựng mấy túp lều, vét ao nuôi cá, làm chuồng nuôi lợn, trồng rau để nuôi mình và “các con”, vốn là con quân nhân nhiễm chất độc da cam, hoặc cha mẹ đã chết, gia đình thuộc diện hộ nghèo…

Theo bà Hương, chính vì những hoạt động thiện nguyện, có kết quả của trung tâm mà có rất nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ công sức để giúp trung tâm trong nhiều hoạt động và hỗ trợ tiền bạc và vật chất để trung tâm duy trì hoạt động.

Vũ Ngọc Khánh

>> Bệnh Down có di truyền không?
>> Thử máu mẹ, xác định thai nhi bệnh Down
>> Iraq: Kẻ đánh bom là người bệnh down
>> Phát hiện mới về bệnh Down
>> Phát hiện gien thiểu năng
>> Thiếu năng lực hay vô trách nhiệm?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.