Hạnh phúc của anh chàng rời Hà Nội về quê, sống cùng ông bà ở bìa rừng

20/06/2022 10:38 GMT+7

Bỏ tất cả mọi thứ ở Hà Nội để về lại quê, sống cùng ông bà ở bìa rừng với điều kiện thiếu thốn, nhưng anh Nguyễn Văn Linh (31 tuổi) chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Ngược lại, chàng trai có những ngày tháng hạnh phúc nhất cuộc đời cùng ông bà và thiên nhiên.

“Nhiều người nói tôi điên rồ!”

Chia sẻ hình ảnh, clip về cuộc sống “bỏ phố” lên mạng xã hội và trang Building Life LT (Bỏ Phố Về Rừng) chàng trai hy vọng có thể lưu giữ lại những khoảnh khắc cùng ông bà, cũng như lan tỏa tình cảm yêu thương gia đình đến mọi người. Anh được cư dân mạng đón nhận, đặc biệt là nhiều người nước ngoài cũng thích thú những clip của anh. “Tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình, ngược lại còn thấy may mắn. Tôi sẽ ở cùng với ông bà ở mảnh đất này, đến khi nào không thể nữa, thì thôi”, anh bày tỏ.

Anh Linh dẫn nước sạch từ suối về

NVCC

Anh Linh có công việc ổn định về nghề điện tử ở Hà Nội, dịch Covid-19 ập tới anh đã bỏ tất cả để trở lại quê Thanh Hóa sống cùng với ông bà. Chàng trai tâm sự, ông bà nội của anh sống trong một căn nhà nhỏ cạnh bìa rừng ở xã Hóa Quỳ, H.Như Xuân. Căn nhà đó, điều kiện thiếu thốn, nhất là thiếu điện, nước sạch. Trước đó nhiều năm, bố mẹ và mọi người trong nhà đã chuyển đến nơi có đông dân cư hơn, điều kiện cũng tốt hơn cách chỗ ông bà khoảng 12 km.

“Mọi người trong nhà cũng mong muốn và hết lời mong ông bà chuyển về sống cùng gia đình, nhưng ông bà không chịu vì đó là mảnh đất mà ông bà sống cả đời người. Với ông bà tôi, nơi đó chan chứa kỷ niệm, gắn liền như máu thịt”, anh Linh tiếp lời.

Thấy ông bà vui, anh cũng hạnh phúc theo

NVCC

Về quê thăm ông bà, anh nhận ra mình không còn là một đứa trẻ líu ríu theo ông bà như những ngày nhỏ. Nhìn mái tóc bạc trắng, anh biết khoảng thời gian mình được sống bên họ không còn nhiều nên quyết định sống cùng ông bà. Thêm vào đó, anh thích cuộc sống bình yên và không khí mát lành ở quê, giữa vùng rừng núi, nên không đắn đo. Gia đình phản đối quyết liệt, nhiều người bạn cũng cho đó là “điên rồ”. Nhưng anh đã cố gắng thuyết phục và dùng hành động để chứng minh đó không phải là suy nghĩ nông nổi, nhất thời.

“Còn ông bà, khi biết tôi muốn ở cùng thì cứ ngỡ tôi nói đùa, hỏi tôi sống mấy ngày, 2 - 3 ngày, hay một tuần không? Tôi dõng dạc khẳng định cháu ở với ông bà luôn!”, anh cười nhớ lại.

Thấy vui, hạnh phúc vì làm cho ông bà tươi hẳn lên

Cuộc sống ngay bìa rừng không chỉ tươi đẹp như chàng trai tưởng tượng. Những ngày đầu phụ ông bà công việc đồng áng, nương rẫy, anh Linh “đuối” vì chưa quen. Thêm vào đó, cuộc sống thiếu điện, thiếu nước, không ti vi, không bạn bè… khiến anh bị sốc vì mọi thứ thay đổi “180 độ”. Anh vẫn quyết tâm thích nghi, ngoài việc giúp ông bà công việc hằng ngày, vào rừng lấy mật ong, anh cũng mở một trang trại nhỏ để nuôi gà, vịt và trồng rau, cố gắng tự cung tự cấp. Hiện trang trại nhỏ có 50 con vịt, 30 con gà, 20 con ngan…, dùng thức ăn có sẵn trong tự nhiên để nuôi chúng. “Tất nhiên, lâu lâu tôi vào khu vực thị trấn để mua thực phẩm thiết yếu, cũng ghé thăm bố mẹ”, anh kể.

Anh Linh phụ ông bà các công việc đồng áng

NVCC

Từ ngày ở cùng ông bà, thấy họ vui vẻ, cười nói nhiều hơn trước, anh thấy vui, hạnh phúc vì làm cho ông bà tươi hẳn lên và bản thân anh cũng tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Anh Linh còn tìm cách dẫn nước sạch từ suối về nhà, cải thiện nguồn nước sinh hoạt để nâng cao chất lượng cuộc sống. “Trước giờ ông bà mình dùng nước giếng, nhưng giếng cũ quá rồi, nước cũng không tốt nên mình tìm cách dẫn nước về. Thời gian tới, mình đang dành dụm kinh phí để hiện thực ý tưởng nối điện về nhà. Mình tin là khi có điện, cuộc sống của gia đình mình sẽ tốt hơn”, chàng trai dự định.

Thời điểm đầu, quyết định của anh Linh vấp phải sự phản đối của gia đình

NVCC

Ông Văn Cương (76 tuổi, ông anh Linh) tâm sự từ ngày cháu trai về sống, hai vợ chồng ông thấy vui vẻ hẳn. “Mới đầu tôi cũng không tin cháu nó về ở với vợ chồng tôi lắm đâu, nhưng không ngờ nó quyết tâm ở, tính tới giờ cũng gần 2 năm rồi. Có nó thì đỡ lắm. Bên con cháu mình sao mà không vui cho được”, cụ ông bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.