Hành chính vì dân: Tiến tới công dân số

29/03/2024 06:06 GMT+7

Trong năm 2024, TP.HCM sẽ triển khai app (ứng dụng) công dân số, sử dụng định danh điện tử VNeID, người dân có thể nộp hồ sơ qua app thay vì vào trang web để đăng ký.

Đây là khẳng định của bà Võ Thị Trung Trinh (ảnh), Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số (CĐS) TP.HCM, trong cuộc phỏng vấn với Báo Thanh Niên về CĐS trong hoạt động hành chính của TP.HCM. Trung tâm CĐS TP.HCM chính thức ra mắt ngày 30.1 và là trung tâm CĐS cấp tỉnh đầu tiên cả nước.

Hành chính vì dân: Tiến tới công dân số- Ảnh 1.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM

NGUYÊN VŨ

* Sau gần 2 tháng ra đời, Trung tâm CĐS TP.HCM hiện nay ra sao, thưa bà?

- Bà Võ Thị Trung Trinh: Hiện trung tâm đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục để vận hành một đơn vị mới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các công việc của Trung tâm công nghệ TT-TT (thuộc Sở TT-TT TP.HCM) trước đây trong công tác vận hành, phát triển các hệ thống dùng chung của TP.HCM, trong đó tập trung cho Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Trong kế hoạch CĐS, cải cách hành chính và cải cách TTHC, Trung tâm CĐS đảm nhận giải quyết các bài toán vận hành nền tảng số dùng chung của TP.HCM. Các hệ thống riêng của sở ngành, quận, huyện thì vẫn do các đơn vị triển khai. Trung tâm giải quyết bài toán đấu nối hệ thống của sở, ngành với Trung ương; của sở, ngành với quận, huyện cho đồng bộ. Hệ thống chuyên ngành ứng dụng cho công tác quản lý của mình các quận huyện vẫn làm, còn đội ngũ kỹ thuật của trung tâm sẽ đảm bảo nền tảng chung cho họ kết nối.

Đơn giản hóa biểu mẫu

* Bà có thể nói rõ hơn về những điểm mới trong kế hoạch CĐS cũng như ứng dụng CĐS vào cải cách TTHC của TP.HCM năm nay?

- Trong 3 kế hoạch CĐS, cải cách hành chính và cải cách TTHC của TP.HCM đều chú trọng đến việc sử dụng dữ liệu sao cho hiệu quả.

Đầu tiên là giúp cho người dân, doanh nghiệp (DN) làm dịch vụ công cả trực tuyến lẫn trực tiếp đều thuận lợi hơn. Hiện trung tâm tập trung khai thác tối đa dữ liệu căn cước công dân (CCCD). Về mặt kỹ thuật, Văn phòng UBND TP.HCM sẽ làm mạnh mẽ trong vấn đề tái cấu trúc quy trình TTHC. Các TTHC do bộ, ngành ban hành nên TP.HCM không thể thay đổi nhưng có thể tái cấu trúc biểu mẫu cho dễ làm trên môi trường điện tử.

Nếu như trước đây người dân phải điền thông tin ngày tháng năm sinh, quê quán các kiểu thì sắp tới chỉ cần nhập số CCCD và chọn những thông tin cần điền. Như vậy sẽ tiết kiệm thời gian nhập dữ liệu.

Trung tâm đang phối hợp Sở Tư pháp và Văn phòng UBND TP.HCM chuẩn hóa một bộ hồ sơ liên quan đến lĩnh vực hộ tịch (các thủ tục như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con nuôi). Người dân làm thủ tục này đều dùng dữ liệu từ CCCD. Sau khi chuẩn hóa biểu mẫu, người dân thao tác và ký số, không phải nộp thêm giấy tờ khác. Đây sẽ là cải tiến lớn cho người dân khi thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử.

* Còn với DN thì sao, thưa bà?

- Vừa rồi, Bộ KH-ĐT có văn bản hướng dẫn UBND TP.HCM cung cấp lại dữ liệu đăng ký kinh doanh của DN và hộ cá thể. Trung tâm đang kết nối các dữ liệu này về kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM, đồng thời phối hợp cùng Văn phòng UBND TP.HCM, Sở KH-ĐT tái cấu trúc lại các bộ TTHC theo hướng sử dụng dữ liệu đăng ký kinh doanh của DN và hộ kinh doanh cá thể để đơn giản các biểu mẫu và tăng tính tiện ích cho DN khi thực hiện các TTHC tại TP.HCM.

Có thể hiểu đơn giản là thay vì phải nhập thông tin DN A địa chỉ ở đâu, mã số đăng ký kinh doanh, tổng vốn, ngành nghề kinh doanh… thì chỉ cần gõ mã số kinh doanh đã được xác thực thì hệ thống sẽ tự liệt kê ra. Trong năm nay, trung tâm sẽ cùng các đơn vị cụ thể hóa nội dung này.

Hành chính vì dân: Tiến tới công dân số- Ảnh 2.

TP.HCM sẽ triển khai app công dân số, người dân có thể làm hồ sơ trực tuyến ngay trên điện thoại giống như ứng dụng VNeID của Bộ Công an

SỸ ĐÔNG

Mình phải có hướng dẫn cụ thể cho người dân, DN những thông tin nào được xác thực rồi thì không phải kê khai, thông tin nào phải đăng ký thì chỉ cần ký số trên đó. Hiện nộp hồ sơ trực tuyến phải làm nhiều công đoạn như điền thông tin xong, tải biểu mẫu về in ra ký tay, sau đó tải lên hệ thống nộp. Hoặc thủ tục nào có yêu cầu bản sao đăng ký kinh doanh thì chỉ cần mã số đăng ký kinh doanh là được, giống như hiện nay mình không cần bản sao CCCD là vì vậy.

CĐS trong TTHC là làm cho thủ tục đơn giản hơn, người dân tương tác dễ hơn trên môi trường điện tử.

Tái sử dụng kết quả giải quyết

* Lãnh đạo TP.HCM đang yêu cầu số hóa kết quả giải quyết TTHC và tái sử dụng dữ liệu, việc này nhằm mục đích gì?

- Điều này được hiểu là hồ sơ chỉ nộp một lần và sử dụng nhiều lần. Đơn cử như hiện nay TP.HCM đã hoàn tất số hóa dữ liệu hộ tịch, người dân đăng ký trích lục, nhận bản điện tử. Sau đó, người dân tạo hồ sơ cá nhân trên cổng dịch vụ công thì dữ liệu này có thể dùng trên mọi hệ thống thông tin trên toàn quốc. Thứ hai là tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC để người dân không phải cung cấp lại khi làm thủ tục khác.

Như vậy, ở đây có sự tương tác 2 chiều, cả nhà nước và người dân, DN cùng chia sẻ dữ liệu để sử dụng cho những lần giao dịch sau. Năm nay, TP.HCM triển khai hệ thống chứng thực điện tử sẽ là công cụ pháp lý để người dân yên tâm sử dụng.

Hiện nay người dân đang làm nhiều thủ tục về lý lịch tư pháp nên trung tâm sẽ ưu tiên triển khai thí điểm lĩnh vực này. Cụ thể, sau khi phiếu lý lịch tư pháp được cấp rồi thì số hóa thành bản điện tử, cho phép người dân sử dụng nhiều lần.

* Hiện ứng dụng VNeID của Bộ Công an có thể nộp hồ sơ trực tuyến, TP.HCM có định làm một app tương tự?

- Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP.HCM sử dụng VNeID là định danh điện tử. Người dân sử dụng VNeID là đăng nhập vào hệ thống này để thực hiện các TTHC trực tiếp và trực tuyến.

App công dân số TP.HCM là ứng dụng để cung cấp các tiện ích, dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ hành chính công cho người sinh sống và làm việc tại TP.HCM. App này sử dụng VNeID để định danh người dùng.

Hiện nay xu thế của người dân là dùng các thiết bị di động. Do vậy, người dân có thể cài ứng dụng này trên điện thoại và làm dịch vụ công trực tuyến với tất cả thủ tục có trên cổng dịch vụ công TP.HCM, cũng như khai thác những thông tin về bệnh viện, trường học, giao thông của TP để cuộc sống được thuận tiện hơn.

Kết nối, tích hợp dữ liệu

* Câu chuyện chữ ký số vẫn chưa thống nhất dẫn đến cùng cơ quan hành chính nhưng có nơi thì chấp nhận kết quả điện tử, nơi thì đòi bản giấy, vậy có cách nào để giải bài toán này?

- Đây là điều có thật và cũng không khó để giải quyết. Cụ thể, quy chế vận hành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP.HCM sắp ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật. Quy chế đó có nội dung yêu cầu mọi đơn vị phải chấp nhận sử dụng kết quả điện tử.

Song song đó, quy trình thủ tục cần tái cấu trúc để người dân, DN ký số trên hệ thống, cán bộ công chức nhìn vô là đồng ý. Hiện nay DN sử dụng chữ ký số nhiều nhưng người dân thì vẫn còn ít, vì nhu cầu sử dụng chữ ký số không thường xuyên. Do vậy, các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng nên đưa ra các gói phù hợp với nhu cầu, như tính phí theo lần sử dụng, giao dịch. DN cũng cần chi phí để vận hành, nếu miễn phí hoài thì không ổn.

* Các quận, huyện lo ngại lãng phí các dữ liệu cũ, trung tâm có giải pháp nào để tránh lãng phí?

- Nếu các đơn vị tuân thủ kiến trúc chính quyền điện tử mà TP.HCM đã ban hành thì chắc chắn không hề lãng phí. Bởi lẽ hệ thống thông tin mà TP.HCM triển khai lâu nay vừa tập trung vừa phân tán. Tập trung là tập trung những nền tảng số dùng chung của thành phố, và phân tán là cho từng bài toán cụ thể của đơn vị chứ không mặc đồng phục giống nhau cho các đơn vị.

Năm nay, trung tâm sẽ đẩy mạnh tích hợp và kết nối. Thực tế, TP.HCM đã kết nối nhiều hệ thống như đất đai, cấp phép lái xe, lý lịch tư pháp. Riêng với các quận, huyện, TP.HCM đẩy mạnh chia sẻ để các quận, huyện kết nối về sử dụng.

* Theo bà, để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì cần những gì?

- Đầu tiên phải là sự tiện ích, mình dùng dữ liệu để người dân thấy thuận tiện. Thứ hai là các đơn vị phải thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ nộp trực tuyến, để người dân thực sự tin tưởng nộp trực tuyến cũng được xử lý đúng hẹn. Thứ ba là phải từng bước rút ngắn thời gian xử lý bởi hồ sơ đã làm trực tuyến rồi. Để hình thành thói quen thì phải mang lại tiện ích, giảm lệ phí, rút ngắn thời gian, tiện dụng.

* Xin cảm ơn bà!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.