Hàng vạn cột điện 'có vấn đề': Đừng đổ lỗi cho… ông trời!

31/07/2016 10:45 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết Hàng vạn cột điện “có vấn đề” đăng trên Thanh Niên số ra ngày 30.7.

Lạ quá !
Cơn bão đi qua tỉnh Nam Định với sức gió không phải mạnh, ấy vậy mà hàng vạn cột điện ở tỉnh này bị gãy đổ. Đó là một điều rất bất thường, rất lạ. Lạ hơn nữa là trước đó, người dân ở tỉnh này đã kịch liệt phản đối nhóm thi công đang trồng cột điện do làm không đúng kỹ thuật. Điều này cho thấy nguyên nhân trụ điện gãy hàng loạt là do đâu. Tất nhiên, đó không phải do ông trời gây ra mà là do con người. Lỗi ở khâu nào thì cần phải có sự thanh, kiểm tra mới kết luận được, tuy nhiên chắc chắn có tiêu cực trong việc “trồng” các cột điện này.
Nguyễn Thị Thúy Hồng
(P.Hoa Lư, TP.Pleiku, Gia Lai)
Phải tìm ra nguyên nhân
Ở Nam Định, đến cột điện 500 kW còn gãy đổ bất ngờ thì huống chi là cột điện trung, hạ thế. Để có kết luận và quy trách nhiệm cho ai đó, cơ quan nào đó thì cần phải thành lập hội đồng giám định nguyên nhân. Không thể cứ người này đổ lỗi người kia, cơ quan này đùn đẩy cơ quan khác để cuối cùng là lỗi do… trời (?!). Ông bà ta nói “cháy nhà ra mặt chuột”, nếu không có bão thì không thể “lòi” ra được vụ hàng vạn cột điện gãy đổ bất thường như thế. Do đó phải quyết liệt tìm rõ nguyên nhân và xử lý đến nơi đến chốn nếu có sai phạm.
Ngô Ngọc Mai
(Q.Bình Tân, TP.HCM)
Làm rõ để rút kinh nghiệm
Khi thi công xây dựng cột điện thì phải tính toán đến trường hợp gió bão. Thông thường, các cột điện trung, hạ thế… được thiết kế trụ có thể chịu đựng được các cấp gió bão ở từng địa hình cụ thể. Công trình điện quốc gia được thiết kế chịu được gió bão cấp cao nhất. Thế mà hàng loạt trụ điện ở Nam Định lại ngã dù sức gió chưa đạt mức cao nhất. Như vậy lỗi ở khâu thiết kế, thi công hay cả hai? Vấn đề này phải làm rõ để rút kinh nghiệm ở những công trình điện sau này.
Vũ Hoàng Minh Nhật
(Q.6, TP.HCM)
Ai chịu trách nhiệm ?
Nói thật là tôi không tin vụ việc này được làm sáng tỏ bởi như một vị quan chức của tỉnh này đã nói, lý do tại… lịch sử, tức do trụ điện cũ quá, được làm từ lâu nên gãy đổ là đúng rồi. Hơn thế, những người có trách nhiệm trong thi công công trình điện bị ngã đổ này giờ hoặc đã về hưu, hoặc đã lên làm thủ trưởng thì việc truy trách nhiệm cũng khó. Nói tóm lại thì trụ điện ngã đổ hàng loạt là do… ông trời. Như vậy là khỏe nhất, không ai phải chịu trách nhiệm cả.
Huỳnh Minh Tâm
(TP.Phan Thiết, Bình Thuận)
Nhiều thiệt hại
Không chỉ Nam Định mà ở tỉnh Thái Bình hàng loạt cột điện cũng ngã đổ, gây mất điện trên diện rộng, thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng. Trước mắt, người dân phải sống trong cảnh không có điện, đó là thiệt thòi lớn nhất. Bên cạnh thiệt hại của ngành điện thì thiệt hại về kinh tế, xã hội do mất điện kéo dài là rất lớn. Phải rất lâu nữa ngành điện mới khắc phục xong những hậu quả này. Hy vọng sau sự cố này ngành điện sẽ tăng cường kiểm tra các cột điện còn lại của các tỉnh thành khác. Nếu phát hiện cột điện chưa đáp ứng yêu cầu thực tế thì sớm thay để tránh hậu quả đáng tiếc khi có giông bão.
Đậu Hoàng Hùng
(Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng)
Nguyễn Anh Thư
Cột điện gãy đổ hàng loạt sẽ ảnh hưởng đến công trình, nhà cửa, cây trồng và quan trọng hơn là tính mạng, sức khỏe của con người. Tại Nam Định, có 3 người chết do đâm phải cột điện bị ngã trong cơn bão vừa qua. Vì vậy, khi thi công xây dựng các cột điện, hãy làm đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng của mỗi cột điện. Có như thế, tính mạng của người dân mới không bị đe dọa.
Nguyễn Anh Thư 
(TP.Huế, Thừa Thiên-Huế)
Nguyễn Như Anh Tú
Xét cho cùng, thi công cột điện cũng là thi công công trình công cộng, tiền từ ngân sách nhà nước. Mà công trình công cộng luôn là “chùm khế ngọt” nên mỗi khâu xà xẻo một ít. Tư vấn, thiết kế qua loa, công tác kiểm tra, nghiệm thu sau khi thi công cũng... đại khái. Cứ thế thì trụ điện gãy đổ dù gió nhẹ là điều dễ hiểu.
Nguyễn Như Anh Tú 
 (Q.Tân Phú, TP.HCM)
T.T - Duy Khang
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.