Hàng triệu người dân cần có nhà ở

Đình Sơn
Đình Sơn
20/08/2019 06:26 GMT+7

Cứ 5 năm lại tăng hơn 1 triệu dân, theo khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện TP có gần 500.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân.

Nhu cầu nhà ở quá lớn

Mới đây trong một hội thảo về trật tự xây dựng, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND H.Bình Chánh (TP.HCM), cho biết dân số hiện nay trên địa bàn TP, đặc biệt là các quận, huyện ngoại thành như Bình Chánh quá đông và ngày càng tăng nhanh. Dân số Bình Chánh hiện đã tương đương với dân số 1 tỉnh ở khu vực miền núi phía bắc. Riêng dân số ở hai xã là Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện này bình quân khoảng 12.000 dân.

Được xem là một “siêu đô thị” lớn nhất cả nước, nhưng diện tích nhà ở bình quân của TP năm 2018 chỉ đạt 19,75 m2/người, trong khi con số này trên cả nước là 25 m2/người

 
Cũng vì lượng dân nhập cư đổ về đây mỗi ngày một đông khiến địa phương này luôn phải đối mặt với tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây nhà, mua bán nhà ở trên đất nông nghiệp bất chấp quy định của pháp luật. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đồng mua bán đất nông nghiệp, nhà xây dựng trái phép bằng giấy tay đã qua 5 - 7 đời chủ. Điều này khiến giá nhà đất ở khu vực này tăng cao chóng mặt dù chỉ là những mảnh giấy mua bán viết tay, không có giá trị pháp lý.
Tại các quận huyện: 9, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi..., thì tình trạng phân lô bán nền, xây dựng nhà trái phép vẫn tiếp tục bùng nổ để đáp ứng nhu cầu quá lớn của người dân và các nhà đầu tư đất đai. Điều này khiến các đồ án quy hoạch bị phá vỡ, bộ mặt đô thị bị băm nát.
Theo thống kê, tính đến tháng 4.2019, dân số TP.HCM xấp xỉ 8,9 triệu người thường trú (bao gồm cả người có đăng ký tạm trú trên 6 tháng).
Tuy nhiên, con số Công an TP.HCM đưa ra lại cao hơn nhiều, lên đến 10 triệu người đăng ký hộ khẩu và hơn 3 triệu người nhập cư. Đó là chưa tính đến số người đến du lịch, làm việc hoặc “quá cảnh” tại TP.HCM. Ước tính trung bình mỗi năm TP.HCM “gánh thêm” từ 180.000 - 210.000 người.

Phát triển đô thị vệ tinh

Được xem là một “siêu đô thị” lớn nhất cả nước, nhưng diện tích nhà ở bình quân của TP năm 2018 chỉ đạt 19,75 m2/người, trong khi con số này trên cả nước là 25 m2/người.
Theo khảo sát của Sở Xây dựng, TP có gần 500.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ). Trong đó, khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa có nhà ở; 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội; khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư. Nếu tính theo quy chuẩn bình quân một hộ là 4 người, thì đến nay TP.HCM có khoảng 2 triệu người dân cần có nhà ở.
Một khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM mới đây cho thấy có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Hàng triệu người cần có nhà, nhưng thực tế thì tồn kho bất động sản vẫn nhiều, thậm chí nhà tái định cư cũng không dùng hết. Lý do theo một nguyên lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc là cung chưa gặp cầu. Vì thế, theo vị này, cần tập trung vào phân khúc nhà bình dân, nhà ở xã hội để người dân có thể mua được. Hiện nay quy hoạch 1/2.000 và quy hoạch chung TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh, các khu đô thị dọc các tuyến metro, các tuyến đại lộ, các trạm giao thông... doanh nghiệp có thể đầu tư để kéo dân về ở, sử dụng hiệu quả các phương tiện giao thông công cộng nhằm tránh ùn tắc, kẹt xe.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, dẫn chứng hơn 30 năm trước, TP.HCM đã định hướng đúng đắn về phát triển các khu đô thị vệ tinh, như khu đô thị mới Nam Sài Gòn khoảng 2.600 ha, khu đô thị mới Thủ Thiêm 730 ha, khu đô thị - cảng biển Hiệp Phước khoảng 3.600 ha, khu đô thị Tây Bắc khoảng 6.000 ha...
Đây là mô hình tối ưu, nhưng để làm được TP cần phát triển hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn để kết nối như metro, monorail, xe buýt. Khi đó sẽ hình thành các khu nhà ở thương mại cao cấp dành cho tầng lớp thượng lưu, nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, tạo điều kiện để các tầng lớp dân cư sống cùng nhau...
Một mô hình vệ tinh khác theo ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh, là các địa phương trong “vùng TP.HCM” như huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (tỉnh Long An); Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương); Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai)... với tốc độ đô thị hóa nhanh đã thu hút một lượng lớn người dân từ TP.HCM về đây an cư, lập nghiệp. Do vậy, TP.HCM chủ động phối hợp với các tỉnh trong việc tái cơ cấu sản xuất và tái bố trí dân cư, để giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân TP và làm giảm bớt áp lực của dòng người nhập cư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.