Hàng trăm bức tranh quý của các danh họa Việt lần đầu ra mắt công chúng

Lucy Nguyễn
Lucy Nguyễn
12/04/2019 20:36 GMT+7

Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn lần đầu công bố hàng trăm bức tranh quý của các danh họa Việt cùng cuốn sách Sưu tập Trần Hậu Tuấn vào ngày 12.4.

Sáng 12.4, tại tư gia riêng của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn tại TP.HCM, công chúng yêu nghệ thuật không khỏi trầm trồ trước bộ sưu tập hàng trăm bức tranh quý giá của các họa sĩ tên tuổi nhất Việt Nam được trưng bày.
Với những tác phẩm của các tên tuổi lớn trong nền mỹ thuật Việt như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Trần Trung Tín, Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ..., bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn trải suốt chiều dài 100 năm phát triển của hội họa Việt Nam.
Người yêu nghệ thuật trầm trồ trước các tác phẩm quý thuộc bộ sưu tập Trần Hậu Tuấn Ảnh: Lucy Nguyễn
Đặc biệt số tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm được trưng bày không dưới 30 tác phẩm.
Với khối lượng tác phẩm tranh đồ sộ, chất lượng và đầy đủ tính hệ thống theo các giai đoạn, từ Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945); Mỹ thuật thời chiến và bao cấp (1945- 1985); Mỹ thuật miền Nam trước 1975; Mỹ thuật đổi mới (1985-2000) và Mỹ thuật đương đại sau đổi mới (từ 2000 đến nay), bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn được đông đảo giới mỹ thuật, giới phê bình và giới sưu tầm mỹ thuật đánh giá là bộ sưu tập hàng đầu Việt Nam hiện nay, với trị giá ước tính trên 30 triệu USD (hơn 600 tỉ đồng), chưa tính các tác phẩm điêu khắc.
Hơn 30 bức tranh Bùi Xuân Phái thuộc bộ sưu tập Trần Hậu Tuấn Ảnh: Lucy Nguyễn
Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho biết ngoài việc sưu tập các tác giả thành danh, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn còn tự mày mò, phát hiện ra các tên tuổi mới. Quá trình sưu tập suốt 40 năm qua của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn từng trải qua không ít gian khổ. Thậm chí ông từng không ngần ngại bán cả chiếc xe đạp (vốn được coi là một tài sản lớn thời gian khó) chỉ để đủ tiền mua một bức tranh.
“Làm sưu tập nghệ thuật là làm một sự nghiệp văn hóa, chứ không phải là việc gom góp một số hàng, một số hiện vật. Nếu có những người sưu tập như ông Trần Hậu Tuấn thì giá trị của văn hóa Việt Nam được phát triển lên. Chứ không phải là giá tranh Việt cao thì giá trị văn hóa Việt mới cao”, họa sĩ Nguyễn Quân khẳng định.
Tranh sơn mài Vườn xuân của Nguyễn Gia Trí thuộc bộ sưu tập Trần Hậu Tuấn Ảnh: Lucy Nguyễn
Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cũng đánh giá: “Sưu tập Trần Hậu Tuấn là kết tủa đời sống nghệ thuật hơn 40 năm của một người tự giác ngộ ra một sứ mạng văn hóa của cá nhân, nhìn thấy - yêu - hiểu hội họa nước nhà”.
Từng quen thuộc với công chúng yêu nghệ thuật qua nhiều cuốn sách phê bình mỹ thuật có giá trị cao, với cuốn sách Sưu tập Trần Hậu Tuấn dày khoảng 400 trang, in bằng 2 ấn bản tiếng Việt và tiếng Anh lần này, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn lại một lần nữa đưa người đọc trở lại với hành trình sống với nghệ thuật cùng các danh họa Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Trần Trung Tín, Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Đinh Cường, Nguyễn Trung…, và rất nhiều họa sĩ khác.
Bìa sách Sưu tập Trần Hậu Tuấn (NXB Hội Nhà văn) Ảnh: Lucy Nguyễn
Chia sẻ về niềm đam mê nghệ thuật của mình, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn nói: “Từ các họa sĩ, tôi học thêm được nhiều bài học quý giá. Thời ấy, việc sưu tầm tranh là cả một nỗ lực. Một mặt vì đời sống chung ai cũng khốn khó, duy chỉ có tình yêu nghệ thuật là dồi dào và sâu thẳm, nên mỗi bức tranh có được đều là niềm hạnh phúc sâu thẳm và bài học thẩm mỹ…”.
Những tác phẩm quý giá trong bộ sưu tập Trần Hậu Tuấn đều là những lời nhắn gửi từ khát khao thẩm mỹ và những ước muốn đời thường của nhiều thế hệ nghệ sĩ và cũng là của ông gửi lại cho con và các thế hệ tiếp theo rằng: Cái đẹp là vĩnh hằng, và cuộc đời dẫu vô vàn khổ nạn, vẫn luôn đẹp đẽ và tràn đầy hi vọng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.