Hàng rong ngoài cổng trường: Lương tâm hay trách nhiệm?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
04/12/2022 13:15 GMT+7

Căn tin, bếp ăn trong nhà trường thường xuyên được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phòng tránh các nguy cơ mất vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm, đe doạ bữa ăn an toàn của học sinh. Vậy hàng rong ngoài cổng trường thì sao?

Hàng rong ngoài cổng trường cũng là nỗi lo của nhiều phụ huynh

thúy hằng

Sau sự cố khiến hàng trăm học sinh, giáo viên trường học tại Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm, có 1 học sinh tử vong, hàng loạt các địa phương trong cả nước càng tăng cường, đốc thúc hơn công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các tổ kiểm tra, các hoạt động kiểm tra hoạt động không chỉ thường xuyên mà đột xuất, kiểm tra các khâu của quá trình chế biến món ăn trong trường học hoặc bếp ăn công nghiệp bên ngoài. Các căn tin bán đồ ăn nhẹ, nước giải khát cho học sinh cũng càng được tăng cường khâu quản lý, kiểm soát tất cả xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa được bán ra cho học sinh cũng như quy trình chế biến các món ăn ra sao.

Tuy nhiên, đó là trong trường học. Còn ngoài cổng trường, bấy lâu nay có vấn đề khác khiến phụ huynh đau đầu không kém, đó là hàng rong, xe bán thực phẩm lưu động, cũng nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao.

Tại các cổng trường các cấp học ở TP.HCM không khó để thấy các xe bán hàng rong, quà vặt cho học sinh các giờ tan học. Phổ biến là các loại nước ngọt, bánh tráng trộn, cá viên chiên, há cảo chiên, các loại xiên que…

Một xe bán cá viên chiên ngoài cổng trường học ở Q.3, TP.HCM

thúy hằng

Nhiều xe bán cá viên chiên mà màu dầu mỡ trong chảo đã đen sì, chảo mỡ cáu bẩn, người bán đồ ăn không đeo bao tay, khẩu trang khi chế biến, nhưng mỗi giờ tan học vẫn đông nghịt học sinh vây quanh để mua. Kiểm soát an toàn thực phẩm rõ ràng không thể chỉ dùng mắt quan sát, thế nhưng có thể yên tâm được không khi chỉ dùng mắt đã thấy thực phẩm cổng trường đầy bất an?

Mới đây ở Tây Ninh, hàng loạt học sinh phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, trước đó các em đã mua đồ ăn từ xe bán sushi lưu động cổng trường. Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, lấy các mẫu đồ ăn từ các xe lưu động để kiểm nghiệm.

Từ đây cơ quan chức năng mới phát hiện ra cơ sở kinh doanh đồ ăn nhanh KTT Fastfood chuyên cung cấp các loại sushi, bánh sandwich… tới các xe lưu động ở cổng trường vi phạm hàng loạt quy định về điều kiện kinh doanh thực phẩm như không có giấy phép kinh doanh; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; không có giấy khám sức khoẻ, giấy cam kết kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho chủ và nhân viên bán hàng; sản phẩm không được bảo quản trong tủ kính); người trực tiếp kinh doanh thực phẩm không mang khẩu trang, không trang bị tạp dề; không thực hiện chế độ lưu mẫu theo quy định.

Đặc biệt, cơ sở kinh doanh những sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng (lấy sản phẩm tại cơ sở của bà Trần Thị Trân không có hoá đơn, chứng từ)…

Hàng rong ngoài cổng một trường tiểu học tại TP.HCM

thúy hằng

“Cháy nhà mới ra mặt chuột”. Nếu không có vụ hàng loạt học sinh ngộ độc thực phẩm, thì cửa hàng kia và còn tiếp tục phục vụ các “thượng đế” bằng thực phẩm mất an toàn, không đảm bảo điều kiện kinh doanh đến bao giờ? Và thử hỏi không chỉ ở Tây Ninh, mà ở khắp các địa phương khác, nếu đột xuất kiểm tra các xe bán hàng lưu động, các xe hàng rong, xe bán đồ ăn vặt cho học sinh trước cổng trường và cả các cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhanh, bao nhiêu địa điểm là hợp lệ và tuân thủ hết các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm?

Bao nhiêu người kinh doanh đặt trách nhiệm và lương tâm của mình lên trên hết để bán ra thực phẩm sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn cho học sinh - thế hệ con em của mình - cũng là tương lai của đất nước?

Học sinh mua đồ uống từ một xe nước trước cổng trường

thúy hằng

Mỗi địa phương đều có ban Quản lý an toàn thực phẩm. Thời gian qua ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã rất nỗ lực trong kiểm soát, quản lý tình hình an toàn thực phẩm, trong các trường học, bếp ăn công nghiệp nói riêng cũng như tình hình an toàn thực phẩm từ các chợ đầu mối, siêu thị. Nhưng rõ ràng ở đô thị lớn nhất Việt Nam như TP.HCM, việc kiểm soát, quản lý an toàn thực phẩm càng thách thức khó khăn hơn rất nhiều lần. Đặc biệt là hàng hóa, thực phẩm từ các chợ tạm, vỉa hè, hàng rong…

Bên cạnh góc độ tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm từ các cơ quan chức năng, có lẽ mỗi gia đình, nhà trường cũng cần là người giáo dục hành vi tiêu dùng thông minh tới các học sinh. Không cho con tiêu tiền quá sớm, không cho học sinh mang tiền đến trường khi còn quá nhỏ, khi các con chưa ý thức được hàng hóa mình sẽ mua là gì, có đảm bảo an toàn hay không. Thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo trẻ nhỏ về những thực phẩm nên và không nên ăn...

Mọi việc kiểm tra, xử phạt những người bán hàng rong cổng trường, kinh doanh thực phẩm không an toàn sẽ là vô nghĩa nếu như người bán và người mua đều bất chấp, đặt tính mạng con người phía sau lợi nhuận và nỗi ham "ngon, bổ, rẻ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.