Hàng nghìn bạn trẻ khám phá, trải nghiệm cổ phục Việt

24/04/2023 11:19 GMT+7

Lần thứ 3 tổ chức, Tóc xanh vạt áo đã khẳng định vị thế của một ngày hội Việt phục với quy mô lớn nhất tại phía nam, thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham gia khám phá, trải nghiệm.

Ngày hội Tóc xanh vạt áo năm nay (diễn ra từ 8 giờ đến 21 giờ ngày 23.4 tại Trường ĐH KHXH & NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, đa phần là người trẻ, trải nghiệm ở 18 gian hàng của 15 đơn vị làm văn hóa, trải dài trên các lĩnh vực: sưu tầm cổ vật, phục dựng/phỏng dựng cổ phục của các triều đại, thư pháp chữ Nho và chữ Quốc ngữ, văn hóa đình làng Việt Nam, phát triển nghệ thuật làm tranh truyền thống miền Bắc, các boardgame đặc sắc mang âm hưởng văn hóa Việt, đồ gốm xưa và nay, cổ phục Chăm Pa...

Nô nức ngày hội Tóc xanh vạt áo 3

BTC

Những đơn vị tham gia đều có những lĩnh vực chuyên môn riêng, tạo nên bức tranh đa màu sắc trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Ban tổ chức cho biết, bên cạnh những đơn vị tại phía nam, Tóc xanh vạt áo lần đầu tiên đón tiếp các đơn vị tại Hà Nội và Huế vào giao lưu, tạo nên sự đa sắc và đặc sắc cho mùa 3 này.

Hàng nghìn bạn trẻ khám phá, trải nghiệm cổ phục Việt  - Ảnh 2.

Biểu diễn trong ngày hội, ca sĩ Hoàng Duyên cho biết cô mong muốn truyền tải giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam thông qua các sản phẩm âm nhạc bằng ngôn ngữ và góc nhìn từ thế hệ của mình

Thiên Anh

Không gian ngày hội bừng sáng với những tà áo dài, những dạng thức trang phục truyền thống của người Việt, đại đa số đều đến từ các bạn sinh viên. Các bạn có cơ hội khám phá, trải nghiệm, tham gia giao lưu cùng nhiều chương trình đặc sắc tại khu vực sân khấu chính. Trong đó đáng chú ý là tọa đàm Hành trình hồi hương cổ vật Việt Nam (khách mời: nhà sưu tầm cổ vật Lê Gia) và diễn đàn Việt phục: Tầm nhìn tương lai.

Không chỉ được lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhiều bạn trẻ thẳng thắn đặt câu hỏi để làm sáng tỏ các vấn đề xoay quanh câu chuyện Việt phục.

Trích đoạn kịch nói Ai Tư Vãn, tác phẩm nổi tiếng của Lưu Quang Vũ, từng được chuyển thể trên Sân khấu kịch Hồng Vân, được tái diễn tại đêm gala

Thiên Anh

Ngày hội kết thúc bằng đêm gala tổ chức tại Hội trường Văn Khoa, với sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn, nhiều nghệ sĩ mà sản phẩm âm nhạc của họ hướng đến giới trẻ bằng những nét đẹp khai thác từ văn hóa truyền thống của người Việt, KOLs, influencer... Điểm nhấn của đêm gala là talkshow Đi tìm quốc phục Việt với các diễn giả: tiến sĩ Phan Thanh Hải (Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế), họa sĩ Nguyễn Đức Bình (Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt), anh Tôn Thất Minh Khôi (đồng sáng lập và đồng trưởng ban tổ chức ngày hội Tóc xanh vạt áo).

Hàng nghìn bạn trẻ khám phá, trải nghiệm cổ phục Việt  - Ảnh 4.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Phó chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế (giữa) gửi niềm tin vào thế hệ trẻ trong việc lan tỏa, giữ gìn bản sắc văn hóa người Việt

Thiên Anh

Các diễn giả đã thẳng thắn chia sẻ những góc nhìn, quan điểm về nhiều vấn đề: câu chuyện “Quốc phục” tại Việt Nam; những điều đáng khích lệ và các mặt cần cải thiện của phong trào “phục hưng” áo dài những năm qua; chia sẻ những giải pháp và hành động với mục đích lan rộng hình ảnh chiếc áo dài; đề án Huế - Kinh đô Áo Dài hay sự bắt tay giữa Sở VH-TT 3 thành phố lớn TP.HCM - Huế - Hà Nội trong việc tổ chức Lễ hội áo dài lần lượt theo mốc thời gian tháng 3 - tháng 6 - tháng 10 trong năm...

"UNESCO từng khẳng định, di sản chỉ có giá trị khi nó mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho cuộc sống đương đại. Vì vậy, các giá trị truyền thống cũng phải tương thích, phù hợp và phát huy được giá trị để mang lại lợi ích cho cộng đồng; nếu không, nó sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội. Điều này đặt ra cho chúng tôi - những nhà quản lý và cho chúng ta - những người yêu mến, nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống phải vượt qua được áp lực, những khó khăn của sự phát triển khoa học kỹ thuật, áp lực từ xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa, phổ quát hóa các giá trị. Quá trình này đòi hỏi tầm nhìn, bản lĩnh và quyết tâm của những người làm văn hóa chỉn chu, nghiêm túc…”, tiến sĩ Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Phó chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại ngày hội.

Hàng nghìn bạn trẻ khám phá, trải nghiệm cổ phục Việt  - Ảnh 5.

"Rất hy vọng những kỳ tới sẽ hoành tráng và chuyên nghiệp hơn, thậm chí có sự kết nối với các 'đầu cầu' tại Hà Nội và Huế”, anh Tôn Thất Minh Khôi - đồng sáng lập và đồng trưởng ban tổ chức ngày hội Tóc xanh vạt áo nói

Thiên Anh

Ông Hải cũng chia sẻ thêm rằng, "Câu chuyện phục hồi chiếc áo dài được khởi xướng từ cố đô Huế đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng, nhất là trong giới trẻ. Áo tứ thân, áo ngũ thân ngày càng được sự yêu mến của nhiều bạn trẻ. Các bạn trẻ thực hiện nhiều hoạt động góp phần khẳng định giá trị của Việt phục và bảo tồn, phát triển chiếc áo truyền thống của dân tộc. Tôi gửi gắm niềm tin của mình vào thế hệ trẻ, các bạn sẽ lan tỏa, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc...".

Tóc xanh vạt áo mùa 3 là sự kiện trọng điểm mở màn Tuần lễ văn hóa Sóng Đôi được tổ chức từ ngày 23.4 - 28.4, với 5 hoạt động chính: Lễ khai mạc tuần lễ và ngày hội Việt phục Tóc xanh vạt áo; Tuần lễ điện ảnh Phim Việt nhân văn; Triển lãm mỹ thuật Dòng chảy đôi mươi; Cuộc thi ảnh trên mạng xã hội Nét Việt; Lễ bế mạc tuần lễ và chương trình Thường thức trăm năm. Tuần lễ Văn hóa Sóng Đôi là hoạt động trọng điểm của Đoàn trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM trong công tác giáo dục đạo đức lối sống cho thanh niên - sinh viên trường.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.