Hàng ngàn người tiễn đưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Xin nguyện sống trọn vẹn, mắt thương nhìn cuộc đời

29/01/2022 06:27 GMT+7

Sáng sớm nay 29.1, hàng ngàn tăng ni phật tử, người dân đã có mặt tại chùa Từ Hiếu để tham dự lễ Trà Tỳ Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Sáng nay 29.1 (nhằm ngày 27 tháng Chạp), mọi ngã đường dẫn đến chùa Từ Hiếu đều có đông tăng ni phật tử đến tham dự lễ Trà Tỳ Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Đệ tử của Thiền sư Thích ngồi thiền bên Kim quan của ngài trước giờ Cung tiễn

ảnh Lê Hoài Nhân

Vượt ngàn dặm đến Huế, tiễn đưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong im lặng

Chương trình lễ Trà Tỳ bắt đầu từ 6 giờ với lễ Cung tiễn và Phát hành. Buổi lễ có đông đảo chư tôn đức giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, phật tử chúng đệ tử của Thiền sư.

Chư tôn đức giáo phẩm tham dự lễ Cung tiễn Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Lê Hoài Nhân

Tăng thân đệ tử của Thiền sư tại Lễ cung tiễn

Lê Hoài Nhân

Theo chương trình, sau lễ Cung tiễn và Phát hành, Ban tang lễ sẽ cung tuyên tiểu sử Thiền sư, sau đó đại diện môn đồ pháp quyến sẽ đọc lời cảm tạ.

Đúng 7 giờ 30: lễ Thiên Quan (rước Kim Quan đến địa điểm Trà Tỳ) tại Công Viên Vĩnh Hằng – Vườn Địa Đàng.

Từ 9 giờ: lễ Trà Tỳ Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ chính thức bắt đầu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Ông xuất gia vào năm 16 tuổi ở chùa Từ Hiếu (nay P.Thủy Xuân, TP.Huế), thọ giáo với Hòa thượng Thanh Quý.

Nơi nào không có bùn thì không có sen. Cũng như thế khổ đau và hạnh phúc nương vào nhau mà phát hiện. Chạy trốn khổ đau để đi tìm hạnh phúc thì cũng như đi tìm hoa sen ở nơi không có bùn.

Sen và bùn cũng như trái và phải, hễ cái trái có đó là cái phải có đó cùng một lượt. Nhờ tiếp xúc được với khổ đau, lắng nghe khổ đau thì ta mới làm phát hiện được cái hiểu biết và cái thương yêu. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trong cuốn sách Thế giới Phật giáo (The Buddhist World) của GS.TS Phật học John Powers (một học giả Phật học người Úc), Thiền sư Thích Nhất Hạnh được chọn là một trong 13 vị thầy đã góp phần vào sự hình thành và phát triển của đạo Phật (Bụt) trên toàn thế giới trong suốt quá trình 2.500 năm lịch sử của Phật giáo.

Trong sách này, GS.TS Phật học John Powers chọn Đức Phật Thích ca Mâu ni là vị thầy đầu tiên và Thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị thầy thứ 10, vị thầy thứ 11 kế sau đó là Hòa thượng Ấn Thuận (Master Yinshun); 12 là Đức Đạt Lai Lạt Ma và 13 là Buddhadãsa Bhikkhu. Đây là công trình mang tính hàn lâm, rất quy mô do các vị học giả Phật học nổi tiếng thế giới hiện nay thực hiện.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 22 tháng 01 năm 2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), trụ thế 97 tuổi và 72 hạ lạp tại Tổ đình Từ Hiếu, TP.Huế.

Sống trong giây phút hiện tại là một phép lạ. Phép lạ không phải là đi trên mặt nước. Phép lạ là đi trên hành tinh xanh xinh đẹp này trong giây phút hiện tại, biết trân quý sự bình an và vẻ đẹp có sẵn ngay bây giờ.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Một người nước ngoài đến tiễn đưa Sư ông Làng Mai

Lê hoài nhân

Trong bức thư ngày 26.10.2018 được Tăng thân Làng Mai công bố có đoạn "Sứ mệnh hoằng pháp độ sinh cho cả Đông Tây đã phần nào được thành tựu. Vòng tròn giờ đây đang khép lại, tôi thấy rằng, đã đến lúc tôi cần trở về Tổ đình để chung sống cùng chư huynh đệ trong những năm tháng này. Ao ước được trở về nơi đất Tổ và xây dựng nề nếp tu học tại Tổ đình là thao thức thâm sâu nhất của tôi trong suốt những năm qua. Do đó, tôi đã quyết định trở về Việt Nam, để được sống nơi đất Tổ, có mặt cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ đình cho đến ngày tôi chuyển bỏ hóa thân này. Không những thế, giờ đây chúng ta đã có hàng triệu con cháu của Tổ đình Từ Hiếu từ những quốc gia khác nhau khắp nơi trên thế giới. Vì lòng thương tưởng đàn hậu học, tấm lòng lân mẫn đến những thế hệ tương lai, tôi muốn nhập diệt tại chốn Tổ để con cháu Tổ đình có gốc rễ và nơi chốn quay về nương tựa".

Kim quan của Thiền sư rời Tổ đình Từ Hiếu đến Công Viên Vĩnh Hằng – Vườn Địa Đàng

lê hoài nhân

Thầy Thích Chân Pháp Ấn, đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cung đọc Tiểu sử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

6 giờ 40: Thượng tọa Thích Từ Đạo, giám tự Tổ đình Từ Hiếu thay mặt môn đồ, pháp quyến đọc lời cảm tạ.

Sau đó, các nghi thức triệt linh sàng, rước bát nhang, bài vị, di ảnh và Kim quan ra xe để đưa lên Nghĩa trang Vĩnh Hằng Vườn Địa Đàng (P.Thủy Bằng, TP.Huế) để làm lễ Trà Tỳ.

Trên suốt đoạn đường rước Kim quan từ chùa Từ Hiếu ra xe, tăng ni phật tử đều im lặng xếp hành hai bên tuyến đường chắp tay cung tiễn Thiền sư.

Những lời chia buồn từ cộng đồng quốc tế:

Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Thiền sư đã sống một cuộc đời thực sự ý nghĩa. Ngài đã phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam bằng những phương tiện ôn hòa, ủng hộ nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King, cũng như nỗ lực hết sức để giúp cho mọi người thấy nếp sống chánh niệm và từ bi không những góp phần đem lại sự bình an nội tại cho từng cá nhân, mà còn đóng góp vào nền hòa bình cho thế giới”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In: Là một nhà hoạt động, Thiền sư luôn thể hiện tình thương yêu đối với nhân loại qua hành động của mình. Những lời dạy về nghệ thuật sống hạnh phúc của Ngài đã chạm đến trái tim và trở thành ánh sáng soi đường của rất nhiều người. Bước chân chánh niệm và lời dạy của Thiền sư sẽ luôn được tiếp nối.

Trong suốt cuộc đời tu tập của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh không ngừng góp phần làm mới đạo Bụt. Người không những chỉ làm cho danh từ “đạo Bụt dấn thân” được biết đến rộng rãi mà còn thực sự sống trong tinh thần ấy. Trong hơn nửa thế kỷ, trên bình diện quốc tế, Người đã vận động không mệt mỏi cho hòa bình dựa trên nền tảng bình đẳng và công bằng xã hội.

Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh dành cả cuộc đời để nói lên tiếng nói cho hòa bình. Người dạy chúng ta vượt lên trên sự chia rẽ bằng cách nuôi dưỡng lòng cảm thông, bao dung và cái thấy về sự gắn kết sâu sắc giữa con người với nhau”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh không né tránh những thử thách mà toàn thế giới đang phải đối diện. Là tác giả của hơn 100 cuốn sách, là một trong những người tiên phong trong việc bảo vệ trái đất gắn liền với tâm linh, Thiền sư đã tổ chức các hội nghị quốc tế cũng như có những bài viết về sinh thái và biến đổi khí hậu từ đầu những năm 1970. Hơn nửa triệu người đã học hỏi và thực tập các pháp môn chánh niệm, cam kết thực tập Năm Giới tân tu – con đường đạo đức ứng dụng toàn cầu mà Thiền sư đã khởi xướng. Tác phẩm của Thiền sư được xuất bản chỉ vài tháng trước đây, “Zen and the Art of Saving the Planet” (Thiền và Nghệ thuật bảo vệ hành tinh), nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thực tập chánh niệm nơi mỗi cá nhân và sự tỉnh thức tập thể, góp phần đem lại sự trị liệu mà cả hành tinh đang cần đến.

Cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore: Di sản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là tuệ giác, lòng từ bi và sự tôn trọng đối với hành tinh của chúng ta và sự tôn trọng lẫn nhau. Những lời dạy của Người sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động xã hội và môi trường trong cuộc đấu tranh bền bỉ để bảo vệ Trái đất và nhân loại.

Ban Ki Moon, cựu Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc (2007-2016): Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã và sẽ tiếp tục là bậc thầy có tầm nhìn xa trông rộng và là người góp phần kiến tạo một nền đạo đức toàn cầu dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau.

Khác với mọi tang lễ Phật giáo thông thường, khi đưa tang mọi người đều niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà để cầu nguyện, nhưng tang lễ của Thiền sư, tăng ni phật tử đều chắp tay im lặng trong chánh niệm.

Một phật tử đến từ Đà Nẵng cho biết, bản thân anh cảm thấy rất vinh hạnh khi được có mặt cùng tăng ni, phật tử trong giờ phút trang nghiêm đưa tiễn Sư ông, một bậc Giác ngộ. Mọi người đến đây đều cảm thấy hoan hỷ trong phút giây chánh niệm.

Đúng 9 giờ, kim quan của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được đưa vào đài hỏa thiêu để thực hiện nghi lễ Trà tỳ.

Tăng ni phật tử ngồi thiền, tĩnh tâm lắng nghe những câu chuyện và di huấn của Sư ông qua lời đọc của Thầy Thích Chân Pháp Ấn (Học Viện ứng dụng Châu Âu - Đức, Đệ tử của Sư Ông)

Lê Hoài Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.