Hàng ngàn người đổ về Châu Đốc dự lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

27/05/2019 09:02 GMT+7

Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 22.4 AL, hàng ngàn người kéo về P.Núi Sam, TP.Châu Đốc (An Giang) để tham gia lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam - lễ hội truyền thống cấp quốc gia quy mô nhất Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra trong ngày 26 - 27.5 (ngày 22 và 23.4 âm lịch) với các hoạt động như lễ phục hiện rước tượng Bà từ bệ đá ngự trên đỉnh núi Sam xuống núi, lễ tắm Bà, lễ thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu, lễ Túc yết và Xây chầu.
Bà Nguyễn Thị Hằng (60 tuổi, ngụ H. Gia Lâm, Hà Nội) kể, dù ở xa nhưng hàng năm bà vẫn cùng bè bạn đến Châu Đốc lên núi Sam xem phục dựng cảnh rước tượng Bà xuống núi. Chị Huỳnh Thị Ngọc Châu (39 tuổi, ngụ TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long) cho biết, hàng năm cứ vào rằm tháng giêng chị cùng cùng gia đình lại đến núi Sam cúng Bà cầu mong bình an rồi lên núi ngắm cảnh, dạo chơi vùng Thất Sơn....
 Phục dựng cảnh rước tượng Bà xuống núi THANH DŨNG
Ngoài lễ phục hiện rước tượng Bà từ bệ đá ngự trên đỉnh núi Sam xuống núi còn có lễ tắm Bà, lễ thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu... THANH DŨNG
Theo thống kê của Sở VHTT-DL tỉnh An Giang, trong năm 2017 lượt khách đến vui chơi ở An Giang là hơn 7 triệu lượt người, trong đó hơn 5 triệu đến Châu Đốc viếng Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam.

Bí ẩn pho tượng Bà Chúa Xứ núi Sam

Theo Ban quản trị lăng miếu núi Sam, trong câu chuyện xa xưa, thời còn núi Sam còn hoang vu, đã có tượng Bà ngự trên đỉnh núi. Dân làng phát hiện nên báo quan tổng trấn Nguyễn Văn Thoại và ngài đã cử các thanh niên khỏe mạnh lên núi thỉnh tượng xuống. Nhưng kỳ lạ làm sao, dù bao người xúm vào vẫn không thể dịch chuyển được pho tượng.
Sau đó, một nữ đồng trinh trong xứ này đã lên đồng, xưng là chúa xứ Thánh Mẫu và truyền với các bô lão rằng cần có 9 nữ đồng trinh mới thỉnh được tượng Bà xuống núi. Quan tổng trấn và dân làng theo lời nữ đồng trinh, đã chọn ra 9 cô gái đồng trinh lên núi thỉnh tượng bà. Lạ lùng làm sao, các cô gái mình hạc sương mai lại nhẹ nhành thỉnh rước khiên được tượng Bà xuống núi. Lúc đến chân núi Sam, đột ngột pho tượng trở nên nặng nề lạ thường, không cách nào lay chuyển được. Các cụ lão đoán rằng tượng Bà đã chọn nơi đây để an vị nên xây ngôi miếu nhỏ thờ.
Ban đầu người trong vùng đến cúng bái cầu an, cầu lộc sau đó khách thập phương hay tin câu chuyện kỳ lạ này cũng tìm đến. Tiếng lành đồn xa, Miếu Bà mỗi ngày càng đông, ngôi miếu ban đầu chỉ đơn giản và theo thời gian, qua trùng tu trở nên bề thế như ngày hôm nay. Đến đây, nhiều người khấn vái Bà cầu mong gia đạo bình an, công việc làm ăn thuận thuận lợi. Cũng có người tới khấn Bà vay tiền hay vàng “ảo” để làm ăn và khi phát đạt đều đến trả bằng tiền, vàng thật tạ ơn.
Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách THANH DŨNG
Năm 1938, nhà khảo cổ nổi tiếng người Pháp là Louis Mallerer đến khảo sát Miếu Bà và đã kết luận tượng trước tác thời Trung cổ, mang tính chất tượng thần Xiva. Năm 2008, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập tượng Bà là tượng đá bằng sa thạch xưa và lớn nhất VN. Năm 2015, Bộ VHTTDL công nhận lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam là di sản phi vật thể cấp quốc gia.
Với những câu chuyện truyền thuyết xa xưa lồng với hiện đại về núi Sam thời mở cõi, tượng Bà càng hấp dẫn du khách. Ngày xưa, đường vào núi Sam chật hẹp nay được nâng cấp mở rộng, hoành tráng với 2 dãy phố thênh thang.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.