Hàng ngàn du học sinh mắc kẹt ở Ukraine chưa biết phải làm gì

27/02/2022 14:26 GMT+7

Hàng ngàn du học sinh mắc kẹt ở Ukraine lo ngại về sự an toàn của họ và chưa biết phải làm gì tiếp theo trong bối cảnh tình hình xung đột vũ trang diễn biến phức tạp.

Trả lời phỏng vấn trang tin Rolling Stone, Ismail Adedolapo, du học sinh 23 tuổi người Nigeria ở thủ đô Kiev của Ukraine, kể lại anh nghe thấy tiếng nổ bắt đầu vào khoảng 5 giờ sáng hôm 24.2. Khi đó, Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Sau đó, anh Adedolapo và bạn gái được sơ tán khỏi căn hộ và lên một chuyến tàu đến TP.Lviv ở miền tây Ukraine. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải tháo chạy tìm nơi lánh nạn như thế này”, Adedolapo nói.

Còn Nazish Ehtesham (19 tuổi), sinh viên Ấn Độ tại Đại học Y khoa Quốc gia Ternopil (TP.Ternopil), mô tả khung cảnh hỗn loạn khi mọi người đổ xô đến siêu thị để mua hàng dự trữ. “Cửa hàng, siêu thị không nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Do đó, nhiều người chạy đến ngân hàng để rút tiền mặt", Ehtesham kể.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine, khoảng 80.000 sinh viên quốc tế đang học tập tại Ukraine, bao gồm du học sinh Việt Nam. Trong đó, số lượng du học sinh lớn nhất là từ Ấn Độ, tiếp theo là Ma Rốc, Azerbaijan, Turkmenistan và Nigeria.

Các binh sĩ Ukraine tìm kiếm những quả đạn chưa nổ sau cuộc giao tranh với nhóm đột kích Nga ở thủ đô Kiev của Ukraine ngày 26.2

afp

Trong một diễn đàn du học sinh Việt ở Ukraine trên Facebook, tài khoản Roza Nguyen chia sẻ: “Ngồi nhà với xuống hầm thôi mọi người. Cũng được được. Giờ bị ám ảnh tiếng tên lửa, máy bay với tiếng còi báo động. Nhiều khi đang ngồi toilet mà trong đầu tự phát ra tiếng luôn”. Nhận được những lời động viên, Roza Nguyen đáp lại: “Cảm ơn mọi người rất nhiều, người Việt ở đây vẫn bình an”.

Thông qua diễn đàn, phóng viên Báo Thanh Niên thử liên hệ với một số du học sinh Việt tại Ukraine, nhưng một số bạn từ chối trả lời phỏng vấn vì tình hình diễn biến phức tạp và họ chưa biết sẽ phải làm gì.

Ngày 26.2, nhiều người đứng chờ chuyến tàu đến Ba Lan tại nhà ga ở TP.Lviv, miền tây Ukraine

AFP

Tương tự, theo phản ánh của tờ The Guardian, hãng tin Reuters và trang Rolling Stone, nhiều sinh viên quốc tế bị mắc kẹt tại Ukraine chưa biết phải làm gì tiếp theo, tìm chỗ lánh nạn ở Ukraine hay sang các quốc gia khác. Chẳng hạn, các diễn đàn du học sinh chia sẻ thông tin về việc Ba Lan đón người tị nạn từ Ukraine. Một số du học sinh khác thì bày tỏ mong muốn được hồi hương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 26.2 đã ký công điện về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam tại Ukraine.

Theo công điện, từ ngày 24.2, tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine diễn biến phức tạp, nhanh chóng lan rộng trên lãnh thổ Ukraine, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp, trong đó có khoảng 7.000 người Việt Nam đang cư trú tại nước này, chủ yếu là Kharkiv, Odessa, thủ đô Kiev và một số nơi khác...

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn; sơ tán công dân và thành viên cơ quan đại diện khi cần thiết và triển khai hỗ trợ về nơi ở, lương thực, thực phẩm thiết yếu và các điều kiện cần thiết khác.

Bộ Ngoại giao cũng được yêu cầu trao đổi với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân đạo đề nghị hỗ trợ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các hãng hàng không của Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đưa người Việt và thành viên gia đình về nước theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và kiến nghị biện pháp phù hợp đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Cũng theo công điện, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động - thương binh và xã hội và các bộ, ngành liên quan rà soát, thống kê số lượng người Việt Nam đang công tác, lao động, học tập tại Ukraine và thông báo cho Bộ Ngoại giao để triển khai hỗ trợ, sơ tán công dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.