Hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch Covid-19

Đình Sơn
Đình Sơn
17/11/2021 17:30 GMT+7

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và cho cả thị trường bất động sản , UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ sửa đổi hàng loạt chính sách chồng chéo, bất cập.

Theo UBND TP.HCM, hiện hệ thống các quy định pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ gây khó khăn trong việc ngăn chặn và đề xuất giải pháp xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản, có thể hình thành những điểm nóng, phức tạp, nhất là việc một căn hộ có thể được đem bán cho nhiều người.

Bất cập này xuất phát từ luật Nhà ở 2005, Nghị định 90/2006/NĐ-CP đã tạo điều kiện và giao nhiều thẩm quyền cho chủ đầu tư như phê duyệt thiết kế kỹ thuật, miễn phép xây dựng khi đã được phê duyệt dự án, nghiệm thu hoàn thành công trình, huy động vốn… không qua sự kiểm soát của cơ quan nhà nước.

Một điểm nữa là nhiều dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã cho đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán… dù theo khoản 2 điều 55 luật Kinh doanh bất động sản 2014: trước khi bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện cho bán, cho thuê mua; trường hợp không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do.

Do đó, để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng sử dụng đất; hỗ trợ, miễn, giảm thuế; xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc hoặc kéo dài thời hạn cho vay để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Đồng thời UBND TP.HCM kiến nghị cho phép nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng dự án để đầu tư xây dựng và khai thác mà không cần phải có chức năng kinh doanh bất động sản đối với các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, trung tâm thương mại (không phải làm nhà ở)…

Cho phép chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với toàn bộ dự án hoặc một phần dự án nhưng đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng được phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng.

Ban hành quy định về thuế suất giao dịch bất động sản và số lượng bất động sản sở hữu để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch bất động sản và đảm bảo kinh doanh bất động sản minh bạch và lành mạnh.

Cuối năm nay sẽ có nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản

ĐÌNH SƠN

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết nhiều chính sách đang được cơ quan chức năng đẩy mạnh để tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý. Theo đó, cuối năm 2021 sẽ có 2 văn bản pháp lý có thể được ban hành là nghị định quy định chi tiết luật Kinh doanh bất động sản và nghị định về hệ thống thông tin thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, một số điều khoản quy định của luật Đất đai và luật Kinh doanh bất động sản cũng sẽ được Bộ Xây dựng sửa đổi trong cuối năm tới. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả người bán lẫn người mua khi hàng loạt nút thắt được gỡ bỏ, hàng trăm dự án ách tắc được cởi trói.

Theo ông Khởi, sẽ có nhiều chính sách mở thông thoáng hơn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thực tế cho thấy trong những giai đoạn phát triển vừa qua, cứ sau khi sửa đổi luật thì thị trường bất động sản chắc chắn sẽ bùng nổ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.